Bài học yêu thương sau cú ngã của mẹ
(PNTĐ) - Hôm ấy, tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác lạnh toát sống lưng khi bố tôi nghe điện thoại gọi đến từ bệnh viện: “Vợ anh gặp tai nạn giao thông, hiện vẫn hôn mê, đang được cấp cứu”. Có vẻ bố tôi không kịp nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ biết cầm áo khoác, lấy chìa khoá xe máy rồi lao ra đường, còn tôi nước mắt chực trào còn chân thì muốn khuỵu xuống.

Sau khi làm hết các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ gọi bố vào, nói giọng trầm lặng: “Chị nhà bị chấn thương sọ não, có chút máu tụ trong hộp sọ. Khả năng tỉnh lại vẫn còn hy vọng, nhưng phải chờ ít nhất vài ngày nữa…”.
Căn phòng chờ bệnh viện trở thành nơi chứa đầy nước mắt, nỗi lo lắng và cả sự sợ hãi của cả gia đình tôi. Tôi từng nghĩ mẹ là người không bao giờ ngã quỵ. Mẹ khỏe, giỏi, tháo vát, luôn lo cho cả nhà. Vậy mà giờ đây, mẹ nằm bất tỉnh, hơi thở yếu ớt qua ống dẫn, khuôn mặt nhợt nhạt xa lạ.
Suốt 5 ngày mẹ hôn mê, cả nhà tôi sống trong một nhịp điệu khác. Bố ngủ ngồi ngoài hành lang. Tôi vẫn quen được mẹ cưng chiều - bỗng chốc phải thay mẹ làm việc nhà, lo cơm nước cho cả nhà trong tâm trạng vô cùng buồn bã, sợ hãi vì nhỡ mẹ tôi không tỉnh lại hoặc nếu có tỉnh lại, liệu mẹ tôi sẽ như thế nào. Tôi sợ mà chẳng dám thổ lộ cùng ai và tôi biết bố tôi còn lo lắng hơn tôi rất nhiều. Mấy ngày hôm nay, tôi thấy bố gầy sọp hẳn đi, khuôn mặt hốc hác, chẳng còn tâm trí để ăn uống, nghỉ ngơi và làm bất cứ việc gì.
Mỗi ngày, chúng tôi đều nói chuyện với mẹ, dù mẹ chưa hề có phản ứng gì. Bố tôi nắm tay mẹ, kể chuyện ngày xưa, kể chuyện về các con khi còn bé. Anh tôi đặt vào tay mẹ những bài hát mẹ thích, từ chiếc điện thoại cũ. Còn tôi, mỗi tối lại ghé sát tai mẹ, thì thầm: “Mẹ ơi, con đây… mẹ tỉnh dậy đi mà…”.
Và rồi, đến ngày thứ năm - vào đúng lúc bình minh vừa hửng, mẹ hé mắt. Mắt mẹ đục lắm, không rõ ràng, nhưng có một giọt nước mắt chảy xuống má.
Từ giây phút ấy, hành trình hồi phục của mẹ bắt đầu. Mẹ không thể nhớ và nói ngay được, bác sĩ bảo mẹ bị mất trí nhớ tạm thời nhưng có thể hồi phục dần dần nhờ sự quan tâm, chăm sóc của những người thân yêu. Phải gợi lại những câu chuyện, những kỷ niệm với mẹ, phải tập lại cách nuốt, cách cử động, cách ghi nhớ mọi thứ. Nhưng khác với sự bất lực những ngày đầu, lần này, cả nhà đều trở thành đôi chân, đôi tay, và trái tim của mẹ.
Bố tôi - người đàn ông vốn trầm tính, ít khi bộc lộ cảm xúc, đột nhiên trở nên vụng về nhưng đầy kiên nhẫn. Ông học cách nấu ăn, giặt giũ, rửa bát, thậm chí còn hỏi tôi cách gội đầu cho mẹ bằng chậu nước ấm. Tôi - một đứa con gái tuổi mới lớn, từng vô tâm và nghĩ mẹ là “siêu nhân không bao giờ mệt mỏi”, giờ phải học cách dậy sớm nấu bữa sáng, và thay mẹ chăm sóc bà nội. Tôi còn phải học cách xoa bóp chân cho mẹ mỗi tối, kiên nhẫn đỡ mẹ đứng lên, dìu mẹ đi từng bước. Có những lúc tôi mệt đến mức bật khóc, có lúc cáu gắt chỉ vì món ăn bị cháy hay bài vở chồng chất. Nhưng rồi, nhìn mẹ nằm đó, cố nén cơn đau để nở một nụ cười động viên, tôi biết mình không được yếu lòng.
Và đúng vậy, chính cú ngã ấy đã khiến chúng tôi trưởng thành hơn.
Trước kia, có khi cả tuần tôi không hỏi mẹ một câu chu đáo. Bữa cơm nhiều lần tôi ăn qua loa rồi chui vào phòng với cái điện thoại. Bố tôi từng nghĩ việc nhà là của phụ nữ. Chỉ đến khi mẹ vắng mặt, mọi thứ mới đảo lộn và chúng tôi mới nhận ra: Những điều mẹ làm mỗi ngày tuy nhỏ, nhưng không hề đơn giản. Mẹ không chỉ là người giữ nhà, mẹ là trái tim của ngôi nhà ấy.
Sau hơn một tháng điều trị, mẹ tôi được về nhà trong tình trạng chưa tỉnh táo, mẹ chưa nhớ hết được mọi người, chưa nhớ hết mọi chuyện nhưng bác sĩ bảo mọi sự quan tâm, săn sóc từ những người thân yêu sẽ là liều thuốc tốt nhất để chữa lành cho mẹ. Gia đình tôi dọn lại phòng cho mẹ, kê một chiếc giường sát cửa sổ để mẹ có ánh nắng mỗi sáng. Bố tôi vẫn giữ thói quen pha sữa cho mẹ. Tôi vẫn hôn lên trán mẹ mỗi tối.
Vụ tai nạn bất ngờ của mẹ đã khiến cả gia đình tôi bừng tỉnh khỏi guồng quay quen thuộc của cuộc sống: Nơi mỗi người chỉ lo phần việc của mình, nơi chúng tôi mặc định rằng mẹ là “siêu nhân” không bao giờ mệt mỏi. Chính biến cố ấy đã kéo chúng tôi lại gần nhau hơn, làm sống dậy những điều tưởng như đã bị lãng quên trong nhịp sống hiện đại - đó là sự quan tâm chân thành, là lòng biết ơn, là trách nhiệm và là yêu thương không điều kiện.
Từ đó, bố tôi bắt đầu học cách bộc lộ tình cảm rõ ràng hơn, những cái ôm thay cho ánh nhìn lặng lẽ. Tôi và anh trai thôi lướt điện thoại sau bữa cơm, bớt chỉ biết nghĩ đến việc của mình mà ngồi xuống bên mẹ để nghe mẹ kể chuyện ngày xưa. Và mẹ - người từng âm thầm hy sinh cả tuổi xuân cho gia đình - giờ đây học cách chấp nhận được yêu thương, được chăm sóc, và được tựa vào những đứa con mà mẹ đã từng nâng đỡ cả tuổi thơ.
Gia đình thời nay có thể không còn những nếp nhà ba thế hệ quây quần, có thể bận rộn với công việc, học hành, với thiết bị công nghệ và những nhịp sống gấp gáp… Nhưng những giá trị cốt lõi - sự gắn bó, tình yêu thương, lòng sẻ chia - vẫn luôn hiện hữu, chỉ chờ một khoảnh khắc để thức dậy. Đôi khi, phải trải qua một cú ngã, một biến cố, con người ta mới nhìn lại và nhận ra điều quý giá nhất không phải là sự đủ đầy bên ngoài, mà là sự hiện diện, là bàn tay nắm lấy nhau, kề bên nhau khi sóng gió kéo đến.
Khi mẹ ngã xuống, cả nhà tôi cùng nắm lấy tay nhau, không chỉ để đỡ mẹ dậy, mà còn để lớn lên trong tình yêu thương, trưởng thành trong trách nhiệm, và thức tỉnh trong giá trị thiêng liêng của hai tiếng “gia đình” - hai tiếng ấy thật đáng quý biết bao!