Báo hiếu bằng dịch vụ: Dễ mà khó

Chia sẻ

Lo cho cha mẹ già sống thoải mái trong nhà dưỡng lão, thuê người chăm sóc phần mộ ông bà, cha mẹ khi khuất núi, dùng dịch vụ chăm sóc cha mẹ khi đau ốm… Những cách báo hiếu này được xem là văn minh trong thời hiện đại, nhưng nhiều người lại cho rằng nó chưa phù hợp với văn hóa người Việt.

Tuyên dương gương Tuyên dương gương "Người con hiếu thảo" là sự tôn vinh của xã hội với những tấm gương hiếu lễ với đấng sinh thành (Ảnh: minh họa)

Chưa phù hợp với văn hóa người Việt

Theo dõi cuộc thảo luận trên báo từ đầu đến bây giờ, tôi hoàn toàn đồng ý rằng báo hiếu bằng dịch vụ là văn minh trong cuộc sống hiện đại. Nó phù hợp với cuộc sống thời công nghiệp, khi mà con cái bận rộn với vòng quay công việc, thăng tiến trong sự nghiệp, làm giàu cho gia đình. Thế nhưng, nếu nhìn nhận kỹ, việc con cái báo hiếu cha mẹ bằng dịch vụ chưa phù hợp với văn hóa người Việt mình.

Văn hóa gia đình truyền thống lâu nay vẫn là “trẻ cậy cha, già cậy con”. Nếu chúng ta để ý, con cái “cậy cha mẹ” gần 2/3 cuộc đời của họ, còn lại 1/3 “cha mẹ cậy con”. Vậy tại sao, con cái lại không thể làm được công việc chăm sóc cha mẹ trong 1/3 cuộc đời còn lại của họ? Do đó trong vấn đề này, tôi thấy giới trẻ đang ích kỷ, nhìn nhận góc độ báo hiếu tiện lợi ở góc độ cá nhân, chứ chưa nhìn từ phía cha mẹ.

Phổ biến trong các gia đình, cha mẹ sinh con ra, làm lụng để nuôi con khôn lớn. Đến khi con trưởng thành lấy vợ, lấy chồng, cha mẹ lại phải lo mua nhà, mua đất để con xây dựng tổ ấm. Về già, tài sản đất đai, nhà cửa, họ cũng sang tên quyền sở hữu cho con cái để chúng ổn định cuộc sống. Thậm chí nhiều người già vẫn bị con cái tận dụng sức lao động đến khi họ không thể làm được thì mới ngừng lại. Tôi chỉ lấy ví dụ chuyện trông cháu, đa số con cái đều mặc định cho ông bà. Rất ít người con chủ động thuê người, hoặc tự mình chăm sóc con, để cha mẹ già rảnh rỗi sống an nhàn tuổi già. Thậm chí con có kinh tế cũng không muốn thuê người trông trẻ để cha mẹ nghỉ ngơi, vì họ cho rằng ông bà trông cháu sẽ luôn tốt hơn người ngoài trông.

Khi cha mẹ hi sinh cả sức khỏe, lẫn vật chất cho con gần hết cả cuộc đời thì trách nhiệm chăm sóc, báo hiếu của con cái cũng cần được thực hiện. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là cội nguồn đạo lý gia đình. Vì thế, chúng ta không thể viện cớ cuộc sống bận rộn, con cái khó khăn mà bỏ bê cha mẹ, hoặc “khoán trắng” cho các dịch vụ bên ngoài. Bởi với cha mẹ không chỉ cần được chăm sóc về vật chất, mà còn cần chăm sóc về tinh thần. Đôi khi sống trong nhà dưỡng lão đầy tiện ích, lại không bằng cuộc sống vất vả một chút mà được ở bên cạnh con cháu hàng ngày.

Vương Thị Hà (110 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội)

Dịch vụ báo hiếu: Chỉ nên xem là nhu cầu của người có kinh tế

Nhu cầu báo hiếu cha mẹ bằng dịch vụ hiện nay mới chỉ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người có điều kiện kinh tế, chứ chưa thật sự đáp ứng nhu cầu chung của xã hội. Bởi đa số người không có kinh tế, hoặc có mức sống trung bình vẫn chọn cách tự mình chăm sóc cha mẹ. Do đó, tôi nghĩ chúng ta không nên quá cổ súy cho việc báo hiếu bằng dịch vụ, xem như đó là một xu hướng sống phổ biến hiện nay.

Chúng ta cứ thử phân tích giá cả để sử dụng các dịch vụ chăm sóc người già hiện nay. Muốn vào nhà dưỡng lão sống, chi phí phải đóng từ 8 triệu đồng trở lên, tùy theo gói dịch vụ mà cha mẹ chọn sử dụng. Trong khi đó, hiện nay, chỉ một bộ phận cha mẹ có lương hưu, nhưng hầu hết không ở mức cao, chỉ trung bình, hoặc thấp. So với mức giá từ 8 triệu đồng trở lên, họ khó có thể đáp ứng được. Đó là chưa kể, đa số họ đều không có lương hưu và tiền tích lũy và phải sống phụ thuộc. Khi con cái khó khăn, cha mẹ còn phải tự vật lộn mưu sinh thì chuyện sử dụng dịch vụ báo hiếu là… xa rời thực tế.

Do đó, với tình trạng chung hiện nay, dịch vụ báo hiếu mới chỉ hướng đến một bộ phận nhỏ trong xã hội. Vì thế, chúng ta nên chú trọng vào vấn đề làm thế nào để con cái không “bỏ quên” chữ hiếu của mình. Bởi khi con cái vẫn còn tâm niệm chữ hiếu trong lòng thì sẽ có cách báo hiếu cha mẹ phù hợp nhất. Tôi tin rằng, phần lớn cha mẹ khi về già vẫn mong muốn được sống gần con cháu, dù vất vả đi chăng nữa. Và con cái vẫn luôn có trách nhiệm với cha mẹ già, dù sống riêng bên ngoài. Ở bất cứ thời đại nào thì mỗi gia đình Việt cũng phải giữ gìn các giá trị truyền thống - được xem là nền tảng trong gia đình như: Con cháu nhớ đến cội nguồn, biết ơn tổ tiên, ông bà, con cái hiếu thảo với cha mẹ, anh chị em có trách nhiệm với nhau… Đạo lý đó từ ngàn đời nay vẫn không thay đổi được, dù cuộc sống có biến đổi thế nào đi chăng nữa. Chúng ta cứ nhìn vào số lượng người đổ về Đền Hùng trong ngày giỗ Tổ hằng năm để minh chứng cho điều đó. Tại sao, mọi người vẫn cứ hành hương về Đền Hùng, chẳng phải là vì nhớ đến truyền thống, nhớ ơn cội nguồn cha ông.

Nguyễn Đình Đà (Bùi Viện, TP Hồ Chí Minh)

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.