Bạo lực đối với phụ nữ bị che giấu

Chia sẻ

Cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) đã từng bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực (thể xác, tình dục, tinh thần...) do chồng gây ra trong đời, một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai... Đây là kết quả vừa được phản ánh trong Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 vừa được công bố tại Hà Nội.

Tình trạng phụ nữ im lặng cam chịu bạo lực do định kiến vẫn còn phổ biếnTình trạng phụ nữ im lặng cam chịu bạo lực do định kiến vẫn còn phổ biến.

Phụ nữ bị bạo lực tình dục gia tăng

Điều tra được Bộ LĐTBXH phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Bộ Ngoại giao và Thương mại Ốt-xtrây-li-a (DFAT), Đại sứ quán Ốt-xtrây-li-a tại Việt Nam. Mục đích của Điều tra này là để giúp có bức tranh toàn diện hơn về những điều đã thay đổi và chưa thay đổi kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất vào năm 2010, cũng như những việc cần phải thực hiện nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam.

Đã có gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 64 được phỏng vấn và kết quả cho thấy ở Việt Nam hầu hết bạo lực đối với phụ nữ thường do chồng gây ra. Báo cáo đã có những phát hiện chính về bạo lực đối với phụ nữ như:

Bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.

Trẻ em cũng là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực. Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, 61,4% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục nói rằng con cái họ (5-12 tuổi) thường có các vấn đề về hành vi.

Bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP.

Hầu hết phụ nữ đã từng bị mỗi hành vi bạo lực thể xác vài lần. Bị bóp cổ thường được coi là một trong những hành vi bạo lực thể xác nghiêm trọng cho thấy người phụ nữ có nguy cơ bị nguy hại nghiêm trọng, hoặc bị giết. Điều đáng lo ngại là, hơn 1/4 (26%) đã từng bị gây bỏng hoặc bị bóp cổ cho biết việc này đã xảy ra nhiều lần. Hầu hết những phụ nữ từng bị bạo lực thể xác do chồng/bạn tình gây ra trong thời kỳ mang thai bị chính cha của đứa trẻ đánh (97,9%) ở lần mang thai gần nhất.

Trong hình thức bạo lực tình dục, cứ 10 phụ nữ ở Việt Nam thì có hơn 1 phụ nữ (13,3%) đã từng bị chồng/bạn tình bạo lực tình dục, và cứ 20 phụ nữ thì có 1 phụ nữ (5,7%) cho biết họ đã bị bạo lực tình dục trong 12 tháng qua. Tỷ lệ này cao hơn điều tra lần thứ nhất. Về mức độ phổ biến của hình thức bạo lực này ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị. Phụ nữ tuổi từ 20 đến 34 có xu hướng phải chịu bạo lực thể xác và/hoặc tình dục trong 12 tháng qua cao hơn so với phụ nữ ở nhóm tuổi cao hơn.

Bạo lực tinh thần do chồng/bạn tình gây ra là dạng bạo lực có tỷ lệ cao nhất, gần một nửa (47%) phụ nữ tham gia điều tra đã từng bị hình thức bạo lực này trong đời, và 19% phụ nữ bị bạo lực này hiện thời. Bạo lực tinh thần gồm xúc phạm vợ, làm nhục vợ trước mặt những người khác, đe dọa hoặc dọa nạt, dọa đánh vợ, hoặc đánh người thân của vợ. Hơn 1/4 (27%) phụ nữ đã bị chồng kiểm soát hành vi trong đời và 13% phụ nữ bị hình thức bạo lực này hiện thời.
Với bạo lực kinh tế, cứ 5 phụ nữ ở Việt Nam thì có 1 phụ nữ (20,6%) cho biết đã từng bị chồng/bạn tình bạo lực kinh tế trong đời và cứ 10 phụ nữ thì có 1 phụ nữ (11,5%) bị bạo lực này trong 12 tháng qua. Tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực kinh tế trong đời ở mọi lứa tuổi là tương tự như nhau, dao động từ 18,6% đến 23,7%. Tỷ lệ bị bạo lực kinh tế hiện thời thấp nhất ở nhóm phụ nữ từ trên 50 tuổi. So với nhóm phụ nữ trẻ hơn, nhóm này có nhiều phụ nữ góa chồng, ly thân hoặc ly dị.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã thực hiện thành công điều tra quốc gia lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt sử dụng phương pháp điều tra đa quốc gia về tình hình sức khỏe của phụ nữ và bạo lực gia đình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị, giải pháp như tăng quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, tăng cường sự tham gia của trẻ em trai và nam giới trong hoạt động phòng ngừa...

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ nhấn mạnh: Sau gần 10 năm kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất, các kết quả thu được cho thấy cả những thay đổi tích cực và những tồn tại hạn chế. Thay đổi tích cực đang diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực. Những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ bị bạo lực cũng thấp hơn và điều này cho thấy học vấn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn có nguy cơ cao bị bạo lực. Tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và “văn hóa đổ lỗi” là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi trẻ phải sống trong gia đình mà mẹ của mình bị bạo lực.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, những tồn tại, thách thức này cần được sớm khắc phục với trách nhiệm từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức phi chính phủ và mỗi người dân trong xã hội.

HẠ THI 

Tin cùng chuyên mục

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.