Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bài và ảnh: Trung Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú - ảnh 1
Ảnh minh họa

Con 3 tuổi vẫn... đi tìm bố
Vừa qua, Báo Phụ nữ Thủ đô nhận được đơn kêu cứu của một phụ nữ thay mặt con gái và cháu ngoại tố cáo hành vi vi phạm đạo đức của một cán bộ. Bà cho biết, người này làm con gái bà mang bầu, sau đó thì phủ nhận mối quan hệ cũng như không thừa nhận con... Vì vậy mà nhiều năm qua, cháu bà đã phải lớn lên không danh phận.

Cụ thể, bà N.Nh ở Hải Dương trình bày con gái bà tên N.M, sinh năm 1995 có quan hệ tình cảm với anh N, sinh năm 1997, một cán bộ Nhà nước. Hai người đã có quan hệ tình dục với nhau dẫn tới chị M có thai. Theo bà, khi chị M báo tin có bầu, anh N đã đề nghị con gái bà bỏ thai. Anh N còn nói trong quá trình quan hệ tình dục, hai người đã sử dụng thuốc có độc tố, nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng nên muốn con gái bà cân nhắc kỹ. Tuy nhiên, chị M vẫn quyết định giữ thai và sinh con trai là cháu N.B vào năm 2021.

Bà Nh cho biết, anh N khi quan hệ với con gái bà đã có một vợ, hai con. Vì vậy, thay mặt gia đình, bà đã nhắn tin cho vợ của anh N để nhận lỗi. Bà và con gái hoàn toàn không có ý định yêu cầu anh N ly hôn. Điều bà cần là anh N sẽ nhận là bố của đứa trẻ để cháu bà không bị mang tiếng là “con không có bố” (Hiện nay cháu ngoại bà đang lấy họ mẹ). 

Theo bà Nh, trước khi gửi đơn đi các nơi khiến sự việc vỡ lở, gia đình bà cũng đã cố gắng giải quyết nội bộ, tổ chức gặp gỡ riêng với anh N để yêu cầu anh này nhận con trong “hòa bình”. Song, lúc yêu anh này ngọt ngào bao nhiêu thì tới lúc gây hậu quả, anh ta lại thay đổi thái độ. Vì vậy, bà buộc phải gửi đơn tố cáo tới cơ quan mà anh N đang làm việc. Khi cơ quan lập đoàn thanh tra để giải quyết vụ việc, bà Nh bức xúc cho biết, anh N còn thản nhiên khai báo không quen biết con gái bà nên không phải là bố của cháu ngoại bà.

Theo bà Nh: Việc anh N chối bỏ mối quan hệ ngoài luồng với con gái bà đã khiến gia đình bà bị xúc phạm, ảnh hưởng tới danh dự của con gái bà và xâm phạm lợi ích của cháu ngoại bà. Để làm rõ trắng đen, bà Nh đề nghị anh N tiến hành giám định ADN với cháu ngoại của mình.

Cuối tháng 10/2023, phía cơ quan cấp trên nơi anh N làm việc đã có văn bản yêu cầu anh N giám định ADN để xác định quan hệ huyết thống cha, mẹ, con giữa anh N, chị M với cháu N.B. Sau đó, hai mẹ con chị M đã cất công bay từ miền Nam (hai mẹ con chị đang sinh sống, làm việc tại miền Nam đã ủy quyền cho bà Nh giải quyết vụ việc) ra Hà Nội để thực hiện giám định ADN theo yêu cầu. Song, anh N lại không chấp hành. Vì vậy mà sự việc rơi vào bế tắc. 

Tháng 11/2023, bà Nh nhận được văn bản thông báo kết luận vụ việc từ phía cơ quan cấp trên của anh N. Theo đó, thông báo nêu nội dung bà tố cáo anh N có con ngoài giá thú là chưa đủ cơ sở kết luận. Việc anh N không thực hiện yêu cầu giám định ADN là vi phạm quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành. Trong thông báo giao bộ phận chuyên môn tham mưu, đề xuất kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với anh N. 

Theo bà Nh, kết luận như vậy là không thỏa đáng vì con gái và cháu ngoại bà là đối tượng phụ nữ, trẻ em cần được bảo vệ. Việc đồng ý cho anh N không thực hiện giám định ADN là dung dưỡng cho sai phạm của cán bộ. 
Khó khăn khi  “tìm cha” cho con
Theo luật sư Trần Thị Thanh Lam, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Dưới góc độ pháp lý thì đây là quan hệ nhân thân, là một trong những vấn đề thuộc lĩnh vực dân sự. Bởi vậy nguyên tắc giải quyết vấn đề này là tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên. Việc nhận cha mẹ cho con, nhận con cho cha mẹ là việc dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Nếu có tranh chấp về xác định cha mẹ cho con thì cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 101 Luật Hôn nhân Gia đình, quy định Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con, trong trường hợp các bên tự nguyện xét nghiệm ADN, tự nguyện thực hiện các thủ tục để nhận con thì cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con mà không có tranh chấp. Tuy nhiên, với trường hợp của chị M, vì có tranh chấp xảy ra, việc thực hiện thủ tục có sự cản trở thì một trong các bên có quyền khởi kiện để tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. 

Song, ở Việt Nam hiện nay, việc xác định ADN của một người tương đối khó khăn nếu người đó không tự nguyện thực hiện. Việc lấy mẫu tóc, máu, màu da của cá nhân chủ yếu trên cơ sở tự nguyện.

Vì vậy, trong vụ việc này, nếu chị M đề nghị tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự thì vẫn có trách nhiệm phải cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình, trong đó có chứng cứ là kết quả giám định ADN để xác định cha mẹ cho con, con cho cha mẹ. Một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự là các đương sự có quyền đưa ra yêu cầu đề nghị nhưng cũng có nghĩa vụ phải chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và đúng pháp luật. Bởi vậy trong trường hợp này nguyên đơn có nghĩa vụ phải thu thập chứng cứ để cung cấp cho tòa án. Nếu không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị tòa án thu thập theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chị M có quyền yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc tòa án có quyền tự mình áp dụng. Khi đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cơ quan thi hành án có quyền căn cứ vào đó để cưỡng chế tổ chức thực hiện, trong đó có biện pháp "cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định".

Như vậy nếu trong trường hợp các đương sự có khởi kiện và thủ tục giám định ADN gặp khó khăn, đương sự có thể đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là buộc thực hiện hành vi giám định AND. Căn cứ vào đó, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành cưỡng chế tổ chức thi hành giám định ADN theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư  Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, để có thể thu thập đủ chứng cứ khác trong nhiều vụ án “xác định cha cho con” là rất khó, nếu người nam không chấp hành giám định ADN hoặc tìm cách che giấu chứng cứ về mối quan hệ. Trong nhiều vụ việc khác, người phụ nữ không thể chứng minh mình có quan hệ “chung sống như vợ chồng” với người nam vì không có người làm chứng và việc chung sống không diễn ra trong thời gian dài. Người nữ cũng không có bằng chứng như video, xác nhận địa điểm đã quan hệ tình dục dẫn tới có thai. Do là quan hệ ngoài luồng nên chủ yếu người nữ và người nam chỉ quan hệ tình dục lén lút, hoặc “chớp nhoáng” khi có cơ hội. Vì vậy, nhiều trường hợp việc “xác định cha cho con ngoài giá thú rơi vào bế tắc vì thiếu chứng cứ pháp lý dù “về tình” có thể tin rằng quan hệ này là có cơ sở.
Bài học rút ra từ vụ việc
Trở lại với trường hợp của bà Nh, theo bà khẳng định, quan hệ giữa anh N và con gái bà là có thật. Chứng cứ bà đưa ra như vào ngày con gái bà sinh con, anh N nhắn tin chúc chị M mẹ tròn con vuông. Sau đó mấy tháng đầu còn nhờ người chuyển tiền thăm nom cho con gái bà (có sao kê tài khoản). Trong điện thoại của chị M hiện cũng vẫn còn lưu giữ nhiều tin nhắn qua lại giữa chị và anh N. Tuy nhiên, tất cả những bằng chứng mà bà Nh cung cấp, nếu được xác minh là thật cũng chỉ có thể khẳng định, anh N và chị M có quen biết và không chứng minh anh N, chị M đã có quan hệ tình dục hay hai người “chung sống như vợ chồng” cũng như anh N và  cháu N.B có quan hệ huyết thống cha con. 

Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng, trong trường hợp nếu xác định chị M và anh N có quan hệ tình cảm và có con chung với nhau trong thời kỳ anh N đang có quan hệ hôn nhân với người khác, thì chị M và anh N có dấu hiệu vi phạm quy định hôn nhân một vợ một chồng, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. 

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, có thể thấy, trong các mối quan hệ ngoài luồng, khi người cha cố tình bỏ rơi con thì đứa trẻ luôn là đối tượng chịu thiệt thòi trước tiên. Sau đó, bản thân người bố/mẹ khi hành vi bị phát giác cũng vi phạm cả về đạo đức lẫn quy định pháp luật. Vì vậy, đây cũng là bài học cho cả người nam và nữ trước khi dấn thân vào một mối quan hệ với người đã có vợ/chồng.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.