Bị coi là “mất nết” vì sinh con gái

Chia sẻ

ĐSGĐ-Biết tin tôi sinh con gái, chồng tôi hụt hẫng ra mặt. Anh ta bỏ đi uống rượu, không thèm vào thăm con lấy một lần…

 
Chồng tôi không phải là con trai duy nhất của gia đình để có lý do nói rằng anh ta cần có con trai nối dõi tông đường. Ngược lại, trên và dưới anh ta còn có một anh trai và em trai nữa. Ba anh em họ đều đã lập gia đình. Ông anh cả sinh 2 con trai. Em trai chồng tôi cũng có 1 trai 1 gái. Tóm lại là bố mẹ chồng tôi đã có tới 3 cháu trai.
 
Thế mà cơn khát cháu trai ở gia đình họ không hề suy giảm. Ngày tôi sinh con gái đầu lòng cách đây 3 năm, chồng tôi hụt hẫng ra mặt. Mỗi lần bế con, anh ta lại thở dài thườn thượt, than rằng thế là mình đã thua anh em, họ hàng một “hiệp” (các anh em chồng tôi đều có con trai ngay trong lần sinh đầu tiên). Rồi khi tôi còn đang đau đớn, lê lết không nổi vì vừa lâm bồn, chồng tôi đã nhỏ to dỗ tôi tính toán để phục thù ở lần sau. “Lần này mình phải quyết tâm cho ra giai em ạ. Nếu không, anh không còn mặt mũi nào mà nhìn lên nữa”.
 
Bị coi là “mất nết” vì sinh con gái - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Tôi mở to mắt nhìn người đàn ông đang vò đầu bứt tai khổ sở mà tôi gọi là chồng. Chồng tôi nào có phải thất học gì cho cam. Anh ta cũng có bằng cao đẳng, giờ cũng làm tới quản đốc của một nhà máy  hẳn hoi. Gia đình chồng tôi cũng sống ở huyện ngoại thành , cách Thủ đô có vài chục km, không xa xôi gì mà bảo là cổ hủ, lạc hậu, không tiếp cận được với tư tưởng tiến bộ.
 
Tôi vẫn còn nhớ như in quãng thời gian đó. Ai đến thăm con gái tôi cũng khen cháu bụ bẫm, trắng trẻo, giống bố như tạc lột, giống từ nụ cười, mái tóc. Chồng tôi không những không thích thú mà hậm hực với những lời khen đó ra mặt. Anh ta bảo: Bố khỉ, họ đang nói xéo mình đây mà. Cái cần giống thì không giống, đúng là khéo trêu ngươi. Lấy cớ tôi không sinh được con gái, anh ta tỏ ra hờ hững với tôi. Thôi thì có thể tôi sau sinh người xấu xí, lúc nào cũng rưng rức mùi mồ hôi trộn với sữa. Nhưng còn con, tôi nghĩ đó cũng là máu mủ của anh ta, sao anh ta lại coi như nhìn vào bức vách vậy. Tiếng là gái mới sinh nhưng tôi nào có được kiêng cữ gì. Vừa hết đau đã phải tự bò dậy nấu nướng cho bản thân, rồi giặt giũ áo, tã cho con.
 
Đêm đến, con khóc vì khát sữa, tôi gọi hoài chồng cũng mặc kệ, cứ nằm ngáy o o. Nhiều hôm, tôi vừa ôm con trên tay, vừa lụi cụi pha sữa, nước mắt nhỏ xuống bình sữa tong tong. Tôi thấy tủi thân cho mình, cho cả con gái. Con tôi còn bé thế, lẽ ra cháu phải ra đời trong sự chào đón của gia đình thì nay lại hóa thành kẻ có tội. Bố nó, gia đình bố nó nào có mong nó chào đời.
 
Lại nói về gia đình chồng.  Hồi biết tin tôi có thai, bố mẹ chồng tôi hý hửng lắm, còn gọi điện dặn tôi làm ít thôi, để tâm ăn uống cho tốt để thai khỏe. Hóa ra, họ nghĩ tôi mang bầu cháu trai. Khi biết tin là cháu gái, họ thay đổi thái độ luôn. Mẹ chồng tôi tuyên bố sinh con gái thì mẹ con tự lo cho nhau. Bà còn phải ở quê trông các cháu trai nội của bà. Đó là lý do vì sao, cùng sinh với tôi hôm đó, các sản phụ khác thì có người đưa đón, còn tôi chỉ có một thân một mình. Chồng tôi ở ngoài phòng đợi, được tin báo tôi đã sinh mà mãi cũng mới chịu vào thăm.
 
Bị coi là “mất nết” vì sinh con gái - ảnh 2
Ảnh minh họa
 
Nhà ngoại tôi ở tỉnh xa, phải mất gần một ngày đi xe khách mới tới. Trước ngày tôi sinh một tuần, bố tôi bị ngã, phải bó bột. Không muốn bố mẹ phải lo, tôi nói dối là đã có nhà chồng săn sóc. Rằng mẹ cứ yên tâm ở quê chăm bố, khi bố tháo bột rồi xuống thăm cháu cũng được. Mẹ tôi tin lời tôi mà không nghĩ rằng, hóa ra tôi lại bị đối xử như thế. Khi cháu ngoại ngoài tháng tuổi, bố mẹ tôi mới xuống với chúng tôi được. Nhưng, cả tuần mẹ ở nhà tôi, tịnh không thấy nhà thông gia đâu. Mẹ tôi ngờ ngợ có gì không ổn. Đêm đó, khi cả nhà đã ngủ say, tôi nằm bên, gục đầu vào vai mẹ khóc nức nở và kể lại sự tình.Tôi nói mẹ chồng tôi xuống thăm cháu có một ngày rồi về luôn. Còn bố chồng thì đến giờ vẫn không đến thăm cháu. Ông giận cả con dâu vì… không biết đẻ.
 
Mẹ tôi giận thông gia quá, cứ đòi gọi điện lên để nói điều phải trái cho tôi. Nhưng, điều bà thất vọng hơn cả là chồng tôi-thanh niên thời đại mới mà cũng lạc hậu như vậy. Thương tôi, mẹ đành để bố về quê một mình, còn bà ở lại giúp tôi chăm cháu. Hàng ngày, nhìn mẹ vất vả ngược xuôi, đi chợ, rồi nấu nướng, lại chăm bẵm cháu mà tôi ứa nước mắt. Con gái lớn đi lấy chồng, không giúp được gì cho mẹ giờ còn bắt mẹ lo lắng cho mình. Mẹ tịnh không một lời than vất vả, cứ giục tôi đi nằm. Bà bảo tôi phải nghỉ ngơi để lấy sữa cho cháu bú. Hơn thế, nhà chồng càng ghét bỏ cháu thì tôi càng phải sống khỏe để chăm con, bảo vệ con nhiều hơn.
 
Nói không ai tin, nhưng đúng là khi con gái tôi tròn 1 tuổi thì cháu mới gặp lại bà nội và lần đầu tiên thấy mặt ông nội. Bố chồng tôi thấy cháu, cũng bế được vài phút thì thôi. Bố tôi nhân dịp sinh nhật cháu cũng bắt xe lên chơi. Tối đó, tôi thấy 2 bên thông gia nói chuyện rất lâu. Bố mẹ tôi rất bực nhưng vì tôi mà nhẫn nhịn, không nói gì. Nhưng, nhà chồng tôi lại phản pháo trước. Bố chồng tôi bóng gió rằng tôi là người theo đuổi con trai họ trước. Rằng lấy được con họ là phúc của tôi. Còn con trai họ ngời ngời như thế thì thừa sức lấy được  người con gái khác. Tóm lại tôi vừa xấu người lại xấu nết vì không đẻ được con trai. Mẹ chồng tôi đồng thuận và nói thẳng rằng, họ đã lên kế hoạch và hỏi thầy  nếu tôi sinh vào năm sau thì sẽ ra con trai. Tóm lại, trong mắt nhà chồng, tôi chỉ như cái máy đẻ.
 
Thì ra, bố mẹ chồng tôi xuống thăm cháu thì ít mà chỉ thị cho tôi sinh con trai phục thù thì nhiều. Mặc cho bố mẹ tôi nói rằng con là trời cho.  Hơn thế, trong hoàn cảnh của vợ chồng tôi, kinh tế khiêm tốn, mẹ con lại côi cút vì không có người trông nom nên sinh thêm con ngay chưa chắc đã là tốt. Mẹ chồng tôi không cần quan tâm đến điều ấy. Bà nằng nặc nói đã tính rồi, tôi phải sinh nếu không lỡ mất cơ hội.
 
Bị coi là “mất nết” vì sinh con gái - ảnh 3
Ảnh minh họa
 
Chồng tôi  bình thường thờ ơ với vợ từ lúc được mẹ rỉ tai thì tỏ ra săn sóc tôi hơn. Mẹ chồng tôi còn lập bàn thờ ngay trong nhà, nói rằng phải làm lễ 1 tháng để lấy dương khí cho tôi thụ thai. Cháu thì bà không chăm, nhưng có thể bỏ ra nửa ngày để thắp hương khấn bái. Rồi tự  nhiên một ngày, bà thì thầm vào tai chồng tôi. Thì ra ngày đó, theo bà là ngày để… thụ thai con trai. Tôi giận vô cùng, tôi thấy mình không được tôn trọng. Nhà chồng không thèm hỏi cảm nghĩ của tôi mà quyết định thay tôi, thậm chí cả việc tế nhị như ngày sinh hoạt vợ chồng. Đúng hôm đó thì con gái tôi ốm, cả ngày vất vả bế bồng con, đêm đến vừa đặt mình thì chồng rờ tới. Tôi uất ức, không chịu. Chúng tôi cãi nhau một hồi rồi ai đi đường nấy.
 
Đêm đó thất bại. Nhưng rồi khoảng mấy tháng sau, tôi cũng nể chồng mà chấp nhận có bầu con thứ hai. Suốt 9 tháng mang thai, tôi kiên quyết không tìm hiểu giới tính của con. Tôi sợ nếu là con gái thì nhà chồng lại ngược đãi con tôi khi nó còn chưa kịp ra đời. Không khai thác được thông tin gì từ tôi nên nhà chồng vẫn phải đối xử tốt với tôi. Bố chồng tôi còn nói nếu nhà tôi có con trai thì ông chết cũng đã nhắm mắt được. Mẹ chồng thì khẳng định sẽ cho nhà tôi một phần đất của ông bà để mai này cháu trai cưới vợ xây nhà (cháu gái không có gì).
 
Cuối cùng, con thứ hai của chúng tôi lại là con gái. Nghe tin, nhà chồng tôi tịnh không gọi điện, hỏi han tôi một câu. Mẹ chồng tôi còn đánh tiếng mắng, không có con trai là do tôi. Tôi đã không theo sự sắp đặt của bà. Không hiểu vin vào đâu mà bà nằng nặc khẳng định đêm đó, nếu thụ thai thì tôi đã có con trai rồi.
 
Tóm lại, lấy chồng có nhà chồng mà khi sinh, lại vẫn chỉ có mẹ tôi ở bên săn sóc. Tuy không muốn làm tôi buồn  nhưng khi bế đứa cháu còn đỏ hỏn lên, mẹ tôi lại sụt sùi nói: Tại sao nhà chồng còn lại lạc hậu như vậy. Tội nghiệp cháu tôi quá.
 
Mấy hôm nay, quả thực câu hỏi của mẹ cũng lẩn quẩn trong đầu tôi. ở trong bệnh viện của tôi, có những cặp vợ chồng hiếm muộn, phải bỏ ra vài trăm triệu đồng đi thụ tinh ống nghiệm, những mong có một mụn con mà có khi còn không được. Còn vợ chồng tôi, sinh hai con khỏe mạnh mà lại chồng lại không thấy quý giá. Với tôi con nào mà chẳng là con, chỉ cần con khỏe mạnh, hiếu thảo là đủ rồi. Nhưng bao giờ thì nhà chồng tôi mới hiểu ra điều đó. Nỗi buồn của tôi, thật khó nói thành lời.  
 
 Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.
Tha thứ nhưng không... buông bỏ

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

(PNTĐ) - Trong lá đơn ly hôn đơn phương gửi ra tòa, anh nêu lý do hôn nhân đổ vỡ là do “vợ dù tha thứ nhưng không buông bỏ lỗi lẫm của chồng, khiến cuộc sống hôn nhân không còn ý nghĩa”.