Bình đẳng cơ hội mở cánh cửa hạnh phúc sau ly hôn

Chia sẻ

Ly hôn không phải là khép lại cánh cửa hạnh phúc khi hôn nhân thất bại, mà là mở ra cơ hội tìm kiếm hạnh phúc mới vẹn tròn hơn. Sau ly hôn, ai cũng có quyền được hạnh phúc. Nếu chia tay văn minh, mỗi người sẽ tạo cơ hội cho bản thân lẫn đối phương mở cánh cửa hạnh phúc mới…

Đó là những ý kiến của bạn đọc gửi về diễn đàn gia đình thảo luận về vấn đề “Ly hôn cánh cửa hạnh phúc khép lại hay mở ra?” trong gần 2 tháng qua trên báo Phụ nữ Thủ đô.

Bình đẳng cơ hội mở cánh cửa hạnh phúc sau ly hôn - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa, int)

Ly hôn không phải là “tội”

Định kiến xã hội về ly hôn còn nặng nề khiến nó trở thành "cái tội" lớn đối với những người phụ nữ bị chồng bỏ hoặc "dũng cảm" bỏ chồng khi hôn nhân không còn hạnh phúc là ý kiến của nhiều bạn đọc gửi về diễn đàn. Từ thực tế câu chuyện ly hôn của bố mẹ mình, bạn Trần Minh Tuyết (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng phụ nữ sợ thoát ra khỏi những cuộc hôn nhân bất hạnh là tình trạng phổ biến trong xã hội lâu nay, bởi định kiến của xã hội đối với ly hôn. Ở một góc độ, định kiến ấy còn giống như là một "quy chuẩn" của xã hội trước đây, nó khiến cho người phụ nữ không bao giờ dám nghĩ đến chuyện ly hôn. Nếu họ làm điều đó, cuộc sống sau hôn nhân đổ vỡ sẽ bị bủa vây bởi vô vàn khó khăn từ chính những định kiến sai lầm. Thậm chí, người phụ nữ ly hôn sẽ giống như một "tội đồ" trong gia đình và con cái.

“Có một thực tế đang tồn tại khiến phụ nữ chịu thiệt thòi lớn khi hôn nhân đổ vỡ. Đó chính là tình trạng bất bình đẳng giới trong ly hôn. Khi hôn nhân thất bại, xã hội bao dung với đàn ông nhưng lại rất khắt khe với phụ nữ. Khi ly hôn, đàn ông vẫn còn “có giá”, còn phụ nữ thì “mất giá” cả đời. Hôn nhân đổ vỡ, đàn ông vẫn có quyền lựa chọn hạnh phúc theo ý mình, còn phụ nữ rơi vào tình cảnh “vơ bèo gạt tép”. Đây chính là nguyên nhân khiến hạnh phúc hôn nhân đóng lại với phụ nữ sau ly hôn" - bạn Trần Minh Tuyết nêu quan điểm.

Hiểu đúng bản chất, ly hôn không phải là "cái tội" vì thế không ai có quyền lên án hay kỳ thị những người ly hôn, đặc biệt là phụ nữ. Bạn Trần Minh Tâm (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng xã hội ngày càng bình đẳng, người phụ nữ hiện đại không còn "sợ sệt" trước định kiến xã hội về ly hôn, mà họ đã biết cách vượt qua nó. Họ không còn cam chịu cuộc hôn nhân bất hạnh gây nhiều hệ lụy cho bản thân lẫn con cái, "dũng cảm" đệ đơn ly hôn để tìm cuộc sống hạnh phúc hơn. Bằng chứng là 70% vụ ly hôn hiện nay do phụ nữ đệ đơn.

Phải biết vượt qua những vật cản để mở cánh cửa hạnh phúc

Những khó khăn sau ly hôn là không tránh khỏi đối với cả hai phía, nếu chúng ta quan niệm chỉ có phụ nữ mới khó khăn khi tái hôn thì sai lầm. Bởi đàn ông cũng không tránh khỏi cảnh đó. Khi cuộc hôn nhân đổ vỡ, bạn Nguyễn Đình Quân (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) từng nghĩ đàn ông ly hôn là khép lại hôn nhân thất bại để mở ra hạnh phúc mới thành công hơn. Thế nhưng sau khi tái hôn, anh nhận ra đàn ông ly hôn có thể sẽ mở cánh cửa hôn nhân mới dễ dàng hơn phụ nữ, nhưng để hạnh phúc viên mãn hơn trước thì không hẳn. Bởi anh và rất nhiều đàn ông tái hôn đã rơi vào hoàn cảnh “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.

Đồng tình với quan niệm này, bạn Hoàng Hải Minh (phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cũng cho rằng hậu ly hôn, đàn ông và phụ nữ đều phải đối diện với những khó khăn trong trách nhiệm đối với con cái. Đây chính là những "vật cản" khiến cả hai khó khăn trong việc mở cánh cửa hạnh phúc sau ly hôn. Thậm chí, nhiều người dù đã mở được cánh cửa hạnh phúc, thì vẫn rất gian nan trong việc "tái thiết" lại cuộc sống mới. Khi tái hôn, đàn ông nặng gánh với trách nhiệm nuôi dưỡng "con chung, con riêng". Nếu không có tiềm lực để thực hiện trách nhiệm đó, hôn nhân của họ sẽ dễ thất bại thêm lần nữa. Với phụ nữ, nỗi lo con cái thiệt thòi thêm một lần nữa khi mẹ tái hôn cũng khiến họ chùng tay khi mở cánh cửa hạnh phúc sau ly hôn.

Còn bạn Trần Công Sơn (phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại cho rằng nếu ly hôn văn minh, con cái sẽ là động lực thúc đẩy hạnh phúc thay vì là rào cản. Một tổ ấm tái hôn, có con chung, con riêng, cả hai phải cùng lấy lợi ích của con cái đặt lên hàng đầu để có những ứng xử đúng đắn, bấy giờ, chính những đứa con sẽ giúp họ gắn kết hôn nhân hạnh phúc. Còn nếu họ để lợi ích những đứa trẻ ở phía sau, thì chúng sẽ là rào cản khiến hôn nhân bất hạnh thêm lần nữa.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, muốn mở cánh cửa hạnh phúc, mỗi người phải trang bị cho mình những kỹ năng sống để vượt qua những vật cản đó. Bạn Lê Nguyên Anh (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng khi hôn nhân thất bại có nghĩa là mỗi người vợ, người chồng đều có khuyết điểm. Nếu muốn cuộc sống hậu ly hôn hạnh phúc hơn, họ phải khắc phục những khuyết điểm đó. Con cái, gánh nặng trách nhiệm… sẽ không là vật cản nếu như biết cách khắc phục nó. Bởi để hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng phải có kiến thức và kỹ năng chung sống.

Quyền được hạnh phúc sau ly hôn

Bạn Lê Thị Bình (Tây Hồ, Hà Nội) nêu quan điểm từ câu chuyện của chị gái mình sau ly hôn đã tìm được hạnh phúc mới "hoàn hảo" hơn cuộc hôn nhân cũ: Trong vấn đề tái hôn, ai cũng nghĩ phụ nữ sau ly hôn không có quyền chọn lựa nhưng sự thật không phải như thế. Chị chưa từng nghĩ sẽ chấp nhận một cuộc hôn nhân "chắp vá" được chăng hay chớ chỉ vì mình đã từng ly hôn. Người đàn ông đến với chị vẫn phải chọn lựa, tìm hiểu kỹ càng, bởi đó sẽ là người đàn ông "hoàn hảo" hơn chồng cũ, phải biết vị tha, đồng cảm, không để tỳ vết ly hôn của chị làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại. Và chị đã tìm được người đàn ông như thế cùng với cuộc hôn nhân hạnh phúc. Có thể thấy rằng, để mở cánh cửa hạnh phúc sau ly hôn, phụ nữ phải nhận ra được giá trị của bản thân. Có như vậy, họ mới tự tin tìm kiếm hạnh phúc mới.

Bất cứ ai cũng có quyền được hưởng hạnh phúc và tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Do đó, sau ly hôn, mọi người đều bình đẳng cơ hội tìm lại cuộc sống hạnh phúc, không phân biệt đàn ông hay phụ nữ. Những người phụ nữ cần phá bỏ định kiến từ chính bản thân trước thì mới vượt qua được những rào cản từ xã hội. Bên cạnh đó, có những ý kiến cho rằng mỗi người mở cánh cửa hạnh phúc sau ly hôn bằng nhiều cách khác nhau, tùy theo quan điểm sống. Bởi có người quan niệm cánh cửa hạnh phúc mà họ mở tiếp sau ly hôn không cứ phải bước tiếp vào hôn nhân, mà là sống đơn thân để tự do thực hiện ước mơ trong sự nghiệp, sống theo hoài bão của mình.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

(PNTĐ) - Trong lá đơn ly hôn đơn phương gửi ra tòa, anh nêu lý do hôn nhân đổ vỡ là do “vợ dù tha thứ nhưng không buông bỏ lỗi lẫm của chồng, khiến cuộc sống hôn nhân không còn ý nghĩa”.
Đứt gánh hôn nhân vì mẹ... hoàn hảo

Đứt gánh hôn nhân vì mẹ... hoàn hảo

(PNTĐ) - Cuộc hôn nhân của con gái chị đang đứng bên bờ vực thẳm dù chị đã cố gắng hết sức để níu kéo, hàn gắn cho con. Lời con rể nói khi đặt bút ký vào đơn ly hôn khiến chị day dứt mãi “giá như vợ con không sống dưới cái vỏ hoàn hảo của mẹ thì có lẽ hôn nhân của chúng con đã không nửa đường đứt gánh”…