Bài tham dự cuộc thi "Các vấn đề gia đình thời nay" lần thứ XII - năm 2022

Bình đẳng để yêu thương - Từ khát vọng truyền thống đến hiện tại

NGUYỄN NHƯ ĐẠT
Chia sẻ

(PNTĐ) - Để có gia đình hạnh phúc, mỗi thành viên phải yêu thương, quan tâm, chăm sóc nhau, bình đẳng cùng nuôi dưỡng, xây dựng các mối quan hệ bền chặt. Vậy nên từ xa xưa ông bà ta đã dạy bảo con cháu biết trân trọng, yêu thương, vun đắp tình cảm thiêng liêng, thắm thiết, sâu sắc đó.

Nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu thương gia đình, yêu thương tổ ấm cùng nhau chung sống. Trong xã hội cũ, nhân dân ta sống một đời cực khổ, đói ăn, thiếu mặc vì bị áp bức bóc lột. Tuy vậy, bên cạnh những bài than thân trách phận thì văn học dân gian còn một mảng nội dung đề cao vị trí của người phụ nữ.

Qua những câu ca trọn nghĩa vẹn tình ấy, ta thấy phụ nữ đã được thương yêu thật sự như câu ca dao bày tỏ quan điểm về bình đẳng nam nữ: “Ba đồng một mớ đàn ông/ Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha/ Ba trăm một vị đàn bà/ Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi” hay tục ngữ ca ngợi sự hòa hợp trong gia đình luôn đặt người chồng, người vợ ở vị trí ngang hàng: “Của chồng, công vợ”; “Chồng như giỏ, vợ như hom”.

Khi soi vào ca dao tục ngữ, chúng ta đã thấy sự gặp gỡ giữa khát vọng ngàn xưa và tiếng nói đấu tranh bình đẳng giới hôm nay. Với sự tiếp nối từ mạch nguồn di sản văn hóa lâu đời, chúng ta có thêm nội lực giữ cho “chân cứng đá mềm” trong cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp vì bình đẳng, hạnh phúc của những người phụ nữ yêu thương.

Bình đẳng để yêu thương - Từ khát vọng truyền thống đến hiện tại - ảnh 1
Nhờ các chính sách bình đẳng giới, Việt Nam đã trở thành điểm sáng bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị Ảnh: Int

Ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới được Đảng và Nhà nước quan tâm từ rất sớm. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930 tuy chỉ có 282 chữ, nhưng đã đặc biệt nhắc đến nội dung: Thực hiện nam nữ bình quyền. Đây chính là tư tưởng nhất quán do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và dẫn dắt xuyên suốt sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tư tưởng này bắt nguồn sâu xa từ nỗi thấu hiểu cuộc đời thân mẫu.

Một lần thấy các bé gái quàng khăn đỏ, tay cắp sách ở trường bước ra, líu ríu như chim sổ lồng, Bác nói: “Các chú thấy không, các cháu được ăn mặc đẹp, được đi học, cháu nào cũng vui vẻ, phấn khởi, Bác mừng cho các cháu”. Rồi giọng Bác bỗng trầm hẳn xuống: “Lúc này Bác rất nhớ mẹ của Bác. Mẹ Bác rất thông minh, lại là con gái ông đồ Nho. Thế mà mẹ Bác lại không được đến lớp, đến trường đâu các chú ạ. Cũng như phụ nữ ngày xưa, từ nhỏ mẹ Bác đã phải lo việc nhà”. Mừng cho các cháu, Bác càng thương nhớ mẹ. 

Trải qua biết bao đau khổ trong xã hội cũ, hiện nay vai trò, vị trí của phụ nữ Việt Nam đã có những thay đổi to lớn cùng với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của đất nước. Bình đẳng giới đã trở thành quyền hiến định. 

Quá trình xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta đã được quan tâm lồng ghép với vấn đề bình đẳng giới một cách cụ thể, thiết thực. Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong bài phát biểu tại hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, khi đề cập tới mục tiêu xây dựng xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra một giải pháp quan trọng là: “Giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam; phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình”. Tổng Bí thư đã dẫn lại một số câu ca dao tục ngữ quen thuộc về sự bình đẳng, yêu thương: “Vợ ta đói rách ta thương, vợ người áo gấm xông hương mặc người”; “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Qua đó, chúng ta thấy rằng mạch ngầm di sản văn hóa vẫn thể hiện giá trị vững bền trong cả suy ngẫm và hoạch định chính sách về các vấn đề gia đình thời nay.

Nhìn vào chủ đề “Bình đẳng để yêu thương” của cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” năm nay, chúng ta đều đồng ý với nhau rằng khi đồng vợ, đồng chồng thì mọi công việc có thể san sẻ cùng nhau. Cách ứng xử tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ chính là giá trị lớn lao mà gia đình truyền lại.

Bình đẳng để yêu thương là sự bình đẳng được vun trồng thực sự từ gốc rễ gia đình và bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong đời sống thường nhật. Khi yêu thương, người phụ nữ hạnh phúc sẽ không còn cho rằng mình phải “hy sinh sự nghiệp”, chịu thiệt thòi để lo toan cho gia đình.

Và ở chiều ngược lại, khi bình đẳng, nam giới không thể “làm ngơ” để việc nhà là trách nhiệm đặt mãi lên vai người vợ. Với ý thức cùng nhau gánh vác chia sẻ, chất lượng cuộc sống gia đình sẽ được nâng cao và người vợ - người mẹ có thêm điều kiện phát triển bản thân, đóng góp nhiều hơn vào các hoạt động chính trị, xã hội. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.