Bởi tuổi thơ của con chỉ có một...
(PNTĐ) - Trong một chương trình truyền hình thực tế gần đây, nữ sinh nọ đã rấm rứt khóc trước mặt thầy cô, bạn bè khi có người thắc mắc về sự quan tâm của gia đình đối với em. Khi được hỏi, em có điều gì tận đáy lòng muốn gửi nói với ba mẹ không?
Hai hàng nước mắt chực trào, kèm những lời xé nát tâm can người nghe, cô bé trách: “Ba mẹ! Hai người suốt ngày chỉ nghĩ đến kiếm tiền, về đến nhà cũng bận rộn đến khuya, dùng điện thoại, nói chuyện với khách hàng còn nhiều hơn thời gian quan tâm con. Mấy hôm trước, bài kiểm tra của con tăng lên vài điểm, cô giáo đã khen ngợi làm con rất vui, con háo hức khoe nhưng hai người bận rộn đến mức không để tâm, không động viên con lấy một tiếng, ừ à cho qua chuyện, đôi lúc còn mắng con”.
Cũng có mặt tại chương trình, ba, mẹ học sinh này bày tỏ sự ân hận vì vô tình khiến con gái tổn thương, cảm thấy cô độc trong chính căn nhà mình, ba mẹ cô bé cho biết, bản thân cứ nghĩ phải kiếm thật nhiều tiền để chăm lo cho con sau này và nghĩ rằng con còn nhỏ, vô lo vô nghĩ nên ít để tâm đến cảm xúc của con mà không biết rằng con cảm thấy tổn thương, cô đơn giữa tình thương và sự quan tâm của hai người mà mình rất mực yêu thương.
Thật tiếc, rất nhiều phụ huynh dẫu yêu quý con vô ngần nhưng thương yêu chưa đúng cách nên con cái cũng không thể hiểu và đồng cảm. Chính bởi, cha mẹ không hiểu hết tâm lý con cái, ít chịu khó hoặc tinh tế quan sát biểu hiện cảm xúc, hành vi của con mỗi ngày, chưa biết ngồi xuống cùng con kể chuyện vui buồn, hờn giận ở trường, ở lớp, ở nhà..., từ chối duy trì cuộc nói chuyện thân tình với con, không dành thời gian giải đáp những thắc mắc “rất trẻ con” của chúng... dẫn đến tình trạng con trẻ dần hạn chế tâm sự, thổ lộ cảm xúc với phụ huynh. Một số trẻ giảm dần tiếp xúc, lo lắng hoặc kìm nén những bực tức, gánh chịu ấm ức lâu ngày thành thói quen, không còn thấy thoải mái, dễ chịu khi chia sẻ các vấn đề gặp phải với người thân.
Trong một buổi tham vấn học đường ở một trường THCS thuộc quận 5, TP Hồ Chí Minh, một nam học sinh lớp 6 lấp ló ngoài cửa Phòng tham vấn tâm lý, phần muốn vào để bày tỏ hết nỗi lòng, phần e ngại ánh nhìn của bạn bè và sợ phiền thời gian của giáo viên tâm lý. Tôi nhanh chóng mở cửa, mở lòng và mở lời mời cậu bé vào trong ngồi xuống cùng trò chuyện, giãi bày. Chưa đầy một phút thổ lộ tâm tư, mắt cậu đỏ hoe, giọng nghẹn ứ, cảm xúc giằng xé trên gương mặt tội nghiệp: “Thầy ơi, con có phải con ruột của ba mẹ con không mà sao chuyện gì ba mẹ cũng bênh vực em trai con hết. Xảy ra chuyện gì, cũng là con sai và người bị la mắng luôn là con, dù cho con không hề gây ra tội lỗi. Cái gì cũng đổ lên đầu con”.
Đó là buổi tham vấn tâm lý thấm đẫm nước mắt và ám ảnh tôi nhiều nhất trong học kỳ, tôi vừa thương học trò, vừa có chút giận cha mẹ cậu bé dẫu trong lòng còn rất nhiều thắc mắc. Các câu hỏi đặt ra để hiểu hơn về hoàn cảnh cậu bé khiến tôi càng đau hơn khi cảm nhận sự thiên vị trong đối xử của gia đình giữa hai con trai với quá nhiều cách biệt, những điệp ngữ: “Con là anh hai, con lớn hơn em, con phải thương em, con phải nhường em, em hư tại con bắc cầu...” nhảy múa trong đầu đứa trẻ và cũng để dư âm trong tâm trí tôi một thời gian khá dài, khiến tôi tự hỏi: “Tại sao lại như vậy?”.
Và tôi chỉ mong rằng, câu chuyện mà cậu bé kể với tôi không phải là thật nhưng chuyên môn, nghiệp vụ nhiều năm làm tham vấn, giảng dạy tâm lý học của tôi đã đánh bại mong mỏi đó. Nếu không thật, cậu bé mặt mày sáng sủa, giọng nói ấm áp, tấm lòng lương thiện đó đã không bưng mặt khóc nhiều trước tôi đến vậy.
Hơn chục năm làm tham vấn tâm lý, tham vấn học đường, tôi lắng nghe hàng chục gia đình, hàng trăm vấn đề giữa phụ huynh và con trẻ xung quanh mối quan hệ gia đình. Đương nhiên, gia đình nào chẳng có lục đục hay đôi lần sóng gió, cha mẹ nào lại không vô tình hoặc hữu ý tổn thương con cái năm ba lần vì nguyên do hợp tình hợp lý nào đó. Đa phần cha mẹ nhận ra mình sai và tự sửa chữa lỗi lầm với con cái, cũng có nhiều trường hợp con cái “tức nước vỡ bờ” phản kháng trở lại mới khiến phụ huynh giật mình “mình sai rồi” và thay đổi thái độ, hành vi... để giáo dục con lành mạnh hơn. Nhưng điều đáng nói nhất có lẽ là việc nhiều người không biết hoặc không thể nhận ra rằng những việc mình làm ngỡ là tốt, là thương yêu con hết mực, là chăm sóc, quan tâm, vỗ về... lại chính là rào cản/nguyên nhân gây nên những rạn nứt trong mối quan hệ giữa phụ huynh với các con.
Chẳng hạn, vì quan tâm việc học của con nên cha mẹ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện ôn bài, làm bài tập, hỏi han điểm số của con quá nhiều lần như một thói quen cố hữu mỗi khi chở con đến trường, chở con về nhà, cả khi con đang ăn cơm sau một ngày học tập căng thẳng. Hay vì nghĩ về tương lai con nên cố gắng quần quật, tất bật với cơm áo gạo tiền để mong tích lũy tài chính thật vững vàng, con cần là có, “cả thế giới đã có ba mẹ lo” để rồi sáng con chưa mở mắt đã ra khỏi nhà, tối con ngủ rồi mới xong việc của một ngày... một câu quan tâm, hỏi han nhau cũng không có nhiều cơ hội thổ lộ. Cũng có trường hợp, con làm hỏng chiếc bút chì, mất cục tẩy đã hét toáng lên, mắng nhiếc đứa trẻ không thương tiếc nhân danh “quan tâm, dạy dỗ” con cái. Công bằng mà nói, đó đều xuất phát bởi lòng quan tâm con cái, tình yêu thương nhưng có vẻ một bộ phận phụ huynh đi lạc đường và yêu thương chưa đúng cách.
Cần thiết phải nhìn nhận lại và điều chỉnh, xem xem điều gì (không hay/tiêu cực) quá đỗi dư thừa, việc nào (chưa tốt) cần cải đổi và bồi đắp thêm; phải cân nhắc cách thức thể hiện tình cảm sao cho đúng hướng hơn, phù hợp với mình, với con cái. Bởi tuổi thơ của con chỉ có một, thời gian qua rồi sẽ không trở lại được nhưng dấu ấn trong tâm lý đứa trẻ sẽ mang theo suốt đời.
Những lạc lõng - bơ vơ - chênh chao giữa chiếc nôi gia đình - nơi được gọi là mái ấm tùy mức độ ảnh hưởng, nếu sâu sắc và lâu dần sẽ trở thành ký ức ám ảnh đứa trẻ, tổn thương chúng và quay lại tác động đến tâm lý cha mẹ, ảnh hưởng đến sự thành bại trong việc sinh thành, dưỡng dục con cái của mỗi phụ huynh.