Bỗng dưng bị đòi quyền... thừa kế

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, bà Nguyễn Thị M, ở Hà Nội cho biết, qua Tết, bà bỗng dưng bị anh trai cùng mẹ khác bố tranh chấp tài sản là mảnh đất do bà nhận thừa kế từ bố mình. Điều đáng nói là mảnh đất đã được bố con bà tôn tạo, xây nhà và sử dụng ổn định hơn nửa thế kỷ qua.

Bỗng dưng bị đòi quyền... thừa kế - ảnh 1
Ảnh minh họa

Theo phản ánh của bà M, năm 1947, bố của bà đã mua một mảnh đất 100m2. Việc này thể hiện trên giấy mua bán, tên của bố bà cũng đã được ghi tại Tờ chứng thực đăng bộ có ký tên và đóng dấu của Phòng Tư pháp và Quan chánh tòa địa chính. Bà M khi đó lên 5 tuổi, trên bà còn một anh trai là con riêng của mẹ (lúc đó đã trưởng thành). Một năm sau, mẹ bà qua đời. Bố bà ở vậy nuôi con. Anh trai cùng mẹ khác bố của bà thoát ly,  không sống cùng và cũng không liên lạc, qua lại với bố con bà.

“Tôi còn nhớ, bố tôi đã bỏ nhiều công sức để tôn tạo, trồng cây, xây tường và nhà ở trên đất”. Năm 1990, bố bà M qua đời, bà M được nhận thừa kế mảnh đất và sau đó đã đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong quá trình sử dụng sau này, không ít lần nhà ở xuống cấp hay cần tôn tạo lại vườn... bà M đều một mình bỏ kinh phí thực hiện.

Mảnh đất mà bố bà M mua nằm cách trung tâm Hà Nội 40km. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khu vực này bắt đầu sôi động do nằm gần dự án có đường Vành đai 4 đi qua. Theo thông tin truyền miệng của người dân, đất tại khu vực này trong tương lai nhất định sẽ tăng giá. Mặc dù bà M vẫn đang sử dụng, gìn giữ mảnh đất thừa kế từ bố mình và không có ý định bán đất nhưng bỗng một ngày, người anh cùng mẹ khác bố xuất hiện, không phải để thăm em mà để... đòi đất.

Theo bà M trình bày, anh trai bà cho rằng, mình cũng có một phần mảnh đất do đây là tài sản chung của bố mẹ. (Bố bà mua đất khi mẹ bà vẫn còn sống). Vì vậy, bà M phải thanh toán lại bằng tiền phần đất được hưởng thừa kế của anh bà, nếu không anh bà sẽ khởi kiện ra tòa. 

Tự dưng có nguy cơ dính vòng lao lý, bà M tâm sự: “Lâu nay, tiếng là tôi có anh cùng mẹ khác bố nhưng thực tế, khi bố tôi còn sống anh tôi không hề thực hiện đạo làm con. Khi bố tôi mất, anh tôi không về chịu tang. Chỉ tới khi nghe tin đất có giá trị anh tôi mới lại xuất hiện”.

Qua Báo Phụ nữ Thủ đô, bà muốn chia sẻ câu chuyện buồn của gia đình, đồng thời mong được giải đáp về mặt pháp lý đối với vụ việc tranh chấp bất động sản giữa bà và anh trai cùng mẹ khác bố.

Có thể nói, sự việc người thân tranh chấp tài sản thừa kế không hiếm gặp. Thực tế, Báo Phụ nữ Thủ đô đã ghi nhận vụ việc, khi bố mẹ còn sống thì con không quan tâm, không báo hiếu, không có trách nhiệm với gia đình. Nhưng sau khi bố mẹ mất thì trở về, khẳng định pháp nhân mình là con của bố mẹ để đòi quyền thừa kế. Khi không thống nhất việc phân chia tài sản, anh em trở nên bất hòa, từ mặt nhau, “kiện” nhau ra Tòa. Việc phân chia tài sản thừa kế cụ thể ra sao sẽ tùy vào tính chất của từng vụ việc và dựa theo quy định của pháp luật. Song, các vụ việc đều phản ánh thực tế giá trị vật chất đã bị đặt lên cao hơn tình nghĩa, quan hệ ruột thịt. 

Trở lại với câu chuyện của bà M, theo luật sư Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc công ty TNHH Luật Trung Nguyễn, anh trai bà M không có cơ sở về pháp lý yêu cầu chia phần đối với miếng đất bà M được chia thừa kế từ bố. Vì vậy, bà M không phải chia tài sản cho người anh cùng mẹ khác bố nêu trên.

Lý do, thứ nhất, người anh cùng mẹ khác bố với bà M không còn thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế mà mẹ bà (cũng là mẹ của anh trai bà) để lại cho người thừa kế. Theo đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 623 Thời hiệu thừa kế Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó...”.

Căn cứ theo quy định pháp luật nêu trên, thời hiệu anh cùng mẹ khác bố của bà M có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế mẹ mình để lại tối đa là 30 năm: Bao gồm 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế là thời điểm người mẹ mất. Song, kể từ thời điểm mở thừa kế - mẹ bà M mất đến nay đã hơn 70 năm, anh cùng mẹ khác bố của bà đã không còn thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế từ mẹ bà M đối với bất kỳ tài sản nào. Di sản mẹ bà để lại sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

Bên cạnh đó, không có căn cứ chứng minh thửa đất hiện tại đang thuộc quyền sở hữu của bà M là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của bố mẹ bà. Lý do vì mảnh đất được bố bà M mua và đứng tên trong văn tự bán đất. Bố bà M cũng đã được cấp Tờ chứng thực đăng bộ có ký tên và đóng dấu của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền. Điều này chứng minh đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của bố bà M. Khi mẹ bà M qua đời, mảnh đất này vẫn thuộc quyền sở hữu của bố bà, và sau đó, khi bố mất, mảnh đất được ghi nhận là tài sản thừa kế và đã được cấp sổ đỏ cho bà M. Điều này chứng minh rằng mảnh đất thuộc quyền sở hữu của bà M.

Theo quy định Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành, tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân thường được coi là tài sản chung của vợ chồng, trừ khi có căn cứ chứng minh là tài sản riêng. Tuy nhiên, thời điểm bố bà M mua đất là năm 1947, Luật Hôn nhân và Gia đình (công nhận chế độ tài sản chung vợ chồng) chưa có hiệu lực (luật đầu tiên ban hành năm 1959). Đây cũng là cơ sở pháp lý cho thấy, mảnh đất là tài sản riêng của bố bà M, nếu anh trai cùng mẹ khác cha của bà M không có chứng cứ hoặc văn bản nào chứng minh mảnh đất này là tài sản chung của bố mẹ bạn (trong thời kỳ hôn nhân), thì thửa đất được coi là tài sản riêng của bố bà M.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Trung, trong các vụ việc tranh chấp tài sản thừa kế, cách giải quyết tốt nhất là các thành viên trong gia đình nên ngồi lại với nhau để giải quyết, tìm ra tiếng nói chung hoặc tìm 1 người thứ 3 đứng ra hòa giải vì tình thân luôn là “tài sản” quý giá nhất. Còn khi không thể giải quyết được bằng tình cảm thì các bên cần nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.
Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - “Bà dạy con cái kiểu gì vậy. Con cái nhà người ta thì mong cho bố mẹ sống đầu bạc răng long với nhau, còn con của bà thì lại suốt ngày xúi bẩy bố mẹ ly hôn. Nhà này vô phúc quá rồi…”.