Cá chuối… chết đuối vì con
PNTĐ-Chiều dần tắt nắng, người phụ nữ đó len lén bế con vào hỏi thăm nhà tạm lánh. Chị nói, phải dũng cảm lắm mới ôm con bỏ trốn đến đây...
Những lần trước, hai mẹ con đi được nửa đường rồi lại âm thầm quay về bởi chị sợ nếu bị chồng phát hiện và tìm ra thì cơ hội được sống gần con sẽ không còn. Bao nhiêu năm nay, chị gò mình trong cuộc hôn nhân bất hạnh này cũng là bởi đứa con chứ cuộc đời chị thì coi như đã bỏ đi.
Chị quê ở Thái Bình, lên Hà Nội làm nghề giúp việc, được bà chủ thương mai mối cho cháu ruột của mình. Chị chưa kịp gật đầu thì bà chủ đã đưa bố mẹ anh tìm về tận quê gặp bố mẹ chị. Trong lần gặp gỡ ấy, họ đã thổi bay được những nghi ngại trong lòng gia đình chị. "Lý do duy nhất chúng tôi muốn cháu về làm dâu là bởi quý cái nết ngoan hiền, nội trợ đảm đang, khả năng chăm sóc gia đình tốt. Con gái thành phố không thiếu nhưng toàn "gà công nghiệp" thích cưới chồng nhưng không muốn làm dâu". Sự kết nối, dồn ép của người lớn quá nhiều khiến anh đồng ý, còn chị mơ về cảnh đổi đời ở thành phố nên cũng gật đầu.
- Chỉ đến sau khi cưới tôi mới biết mình lấy phải một anh chồng nghiện. Ngày đầu tiên "nhập gia", tôi được mẹ chồng giao phó cho toàn bộ việc quản chồng. Vừa thất vọng vừa mệt mỏi bên cạnh anh chồng làm ít phá nhiều, tôi nghĩ đến chuyện ly hôn. Nhưng cái ngày viết xong lá đơn cũng là ngày tôi phát hiện mình mang thai. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến con và lập tức xé đơn. Nó phải được sống trong cảnh đầy đủ bố mẹ. Và biết đâu khi có con, chồng sẽ thay đổi. - Chị kể trong nỗi ngậm ngùi.
![]() |
Ảnh minh họa |
Đúng là khi có con, chồng chị có tình nguyện đi cai ma tuý. Nhưng ra trại hôm trước thì hôm sau lại tái nghiện. Đứa con mới sinh ốm đau liên miên cần tiền trang trải trong khi chồng như một cái máy đốt tiền. Làm ra được đồng nào, chị giấu kín nhưng vẫn bị chồng tìm ra. Sau này, anh ta không tự tìm nữa mà công khai bắt vợ đưa tiền cho mình.
Nếu không đưa thì đánh vợ bao giờ "nhả tiền" ra mới thôi. Chị bao lần cầu cứu nhà chồng nhưng họ quá mệt mỏi với đứa con hư hỏng bao năm nay nên cũng chẳng muốn dây dưa vào. Thương cháu, thỉnh thoảng họ mang sang hộp sữa, cân gạo rồi nhanh chóng ra về. Để rồi sau đó, chồng chị đói thuốc cầm luôn số sữa, gạo đi bán lại lấy tiền. Con được hai tuổi, chị nghĩ đến chuyện ôm con bỏ trốn về quê. Nhưng vừa về nhà hôm trước thì hôm sau chồng và nhà chồng rồng rắn xuống bắt dâu, bắt cháu về. Anh chồng nghiện thì dở máu côn đồ quậy phá nhà bố mẹ vợ ầm ĩ, bảo ai mà chứa chấp mẹ con chị thì sẽ đốt hết nhà cửa. Bố mẹ chồng chị một mặt ngọt nhạt dỗ con dâu, một mặt ôm cháu quay về. Nhìn cảnh thằng bé chới với khóc đòi mẹ, chị đành chạy theo con.
Sau lần đó, hễ chị nghĩ đến chuyện ly hôn hay bỏ đi đâu là lập tức bị nhà chồng lấy đứa con ra làm sức ép, trói buộc chị phải có trách nhiệm với người chồng hư hỏng kia thay họ. Có lần chịu không nổi, chị làm đơn kêu cứu đến các tổ chức đoàn thể. Nhưng đơn chị vừa gửi đi thì ở nhà bố mẹ chồng đã "đón" con về bên đó ở và ngăn cản không cho chị gặp. Chịu không nổi, chị đành đi rút lại đơn và chấp nhận cuộc sống ăn cơm lẫn ăn đòn chồng, lúc nào cũng thấp thỏm lo sợ mất con. Hàng xóm biết chuyện, mỗi lần mẹ con chị xảy ra sự cố đã lén báo chính quyền nhưng khi chính quyền xuất hiện thì chính chị lại là người đầu tiên cam đoan không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra, mâu thuẫn vợ chồng đã tự giải quyết.
Chỉ đến khi anh chồng đói thuốc không ngần ngại dùng cả tính mạng của đứa con trai ra uy hiếp thì chị mới kiên quyết chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân địa ngục. Hai mẹ con ra khỏi nhà với một số tiền ít ỏi không biết đi về đâu. Người thân có nhưng chị chẳng dám tìm về nương náu. Lân la ở quán cơm bình dân, bà chủ quán biết chuyện mách cho hai mẹ con địa chỉ nhà tạm lánh.
Nhìn đứa con lần đầu tiên được ngủ ngon giấc không phải giật mình thon thót trong nhà tạm lánh, chị cay đắng nhận ra sai lầm của mình. Bao năm qua, chị chấp nhận bạo lực; thậm chí là che giấu nó vì cái sự "đắm đuối vì con". Nhưng điều đó không đem lại cuộc sống hạnh phúc mà còn cướp đi của con chị một tuổi thơ bình yên.
Nguyễn Huyền