Tăng tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn:

Cần hợp lý lẫn hợp tình

Trung Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) -Cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn là trách nhiệm của người không trực tiếp nuôi dưỡng con chung sau ly hôn. Trong trường hợp hai bên không thể tự thỏa thuận, mức cấp dưỡng sẽ được xác định dựa theo quy định của pháp luật thay vì ý chí chủ quan của một trong hai bên.

Cần hợp lý lẫn hợp tình - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bên muốn tăng, bên đòi giảm cấp dưỡng
Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1984 ly hôn ông Nguyễn Văn Đ theo quyết định công nhận thuận tình ly hôn năm 2018 của TAND huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Cháu Nguyễn Hải Đ, sinh năm 2017 được giao cho bà T trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng. Song, theo bà T trình bày, từ khi ly hôn, ông Nguyễn Văn Đ không làm tròn nghĩa vụ của người cha đối với con, không góp tiền cấp dưỡng cho bà để nuôi con chung. Vì vậy, bà T làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, buộc ông Nguyễn Văn Đ phải đóng tiền cấp dưỡng nuôi con cho tới khi con đến tuổi trưởng thành, mỗi tháng là 2.000.000 đồng và yêu cầu phải cấp dưỡng một lần cho đến khi cháu Đ đủ 18 tuổi. 

Trong phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp cấp dưỡng nuôi con chung sau ly hôn diễn ra vào tháng 9/2022 vừa qua, bị đơn Nguyễn Văn Đ cho biết, trước khi đến với bà T, ông đã có một đời vợ. Hai vợ chồng ông sinh được 4 con chung. Sau khi vợ mất, năm 2015, ông và bà Nguyễn Thị T kết hôn và có 1 con chung. Sau đó, ông và bà T lại ly hôn. Nay, bà T yêu cầu ông cấp dưỡng để nuôi con, ông đồng ý. Song, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông không có việc làm ổn định, mức thu nhập không có, một mình đang nuôi 4 con chung của đời vợ trước. Vì vậy ông Đ đề nghị Tòa án cho cấp dưỡng cùng bà T mỗi tháng là 500.000 đồng để nuôi cháu Đ.

Trong một vụ án khác, bà Nguyễn Thị Th và ông Phạm Khoa Anh T sống tại TP HCM ly hôn năm 2018. Theo quyết định ly hôn, bà Th trực tiếp nuôi một con chung tên Phạm Khoa T.K sinh năm 2009 và ông T cấp dưỡng nuôi con 4.000.000 đồng/tháng. Song, bà Th cho biết, số tiền đó hiện nay không đủ để nuôi dưỡng con vì cháu K có nhiều bệnh, mỗi tháng phải uống thuốc và đi khám bác sĩ. Bà yêu cầu ông T nâng mức cấp dưỡng hàng tháng lên 5.000.000 đồng/tháng.

Trước yêu cầu trên của vợ cũ, ông Phạm Khoa Anh T không đồng ý. Ông T cho biết hiện nay công việc của ông là lái xe thuê, thu nhập bình quân 7.000.000 đồng/tháng. Mặt khác, khi ly hôn ông có ủy quyền cho bà Th cho thuê căn nhà ở quận Gò Vấp với số tiền 3.900.000 đồng/tháng để nuôi con. Theo ông T, số tiền đóng góp nuôi con chung của ông đã thể hiện sự nỗ lực của ông.

Không thể tự ý định đoạt mức cấp dưỡng nuôi con
Trở lại với yêu cầu tăng mức cấp dưỡng nuôi con giữa bà Nguyễn Thị T đối với ông Nguyễn Văn Đ, theo nhận định của HĐXX khoản 2 Điều 82, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”. Ông Nguyễn Văn Đ không trực tiếp nuôi con, nên phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng để nuôi con là cần thiết. Song, HĐXX xem xét điều kiện của ông Nguyễn Văn Đ không có công ăn việc làm, đất ruộng, đất rẫy không có. Trong khi đó, bà T không chứng minh được ông Đ có thu nhập ổn định hay có công việc nhất định để có kinh tế. Vì vậy, yêu cầu ông Đ cấp dưỡng là 2.000.000 đồng/tháng và yêu cầu cấp dưỡng một lần để nuôi con chung của bà T là không hợp lý theo khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình “mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng”. 

Theo quy định, mức cấp dưỡng cho con không được thấp hơn 1/2 mức lương tối thiểu. Hiện tại, mức lương cơ sở áp dụng là 1.490.000 đồng/tháng. Do đó, HĐXX xác định mức cấp dưỡng cho con của ông Nguyễn Văn Đ đối với cháu Nguyễn Hải Đ là 745.000 đồng/tháng là phù hợp. Việc cấp dưỡng được thực hiện theo định kỳ hàng tháng, thời gian cấp dưỡng tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật cho đến khi cháu Nguyễn Hải Đ đủ 18 tuổi hoặc cho đến khi có sự thay đổi khác.

Với trường hợp bà Nguyễn Thị Th và ông Phạm Khoa Anh T, phía bà Th cho rằng mức cấp dưỡng 4.000.000 đồng/tháng không còn phù hợp vì cháu K thường xuyên bị bệnh, nên yêu cầu tăng mức cấp dưỡng nuôi con lên thành 5.000.000 đồng/ tháng. 

HĐXX xét thấy: Tại khoản 2 Điều 82 của Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”. Tại Điều 110 của Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên…”. Cháu Phạm Khoa T.K chưa đủ tuổi trưởng thành, đang do nguyên đơn trực tiếp nuôi dưỡng nên việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn cấp dưỡng để nuôi con là phù hợp quy định.

 Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 116 của Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết”. Tại khoản 20 Điều 3 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống mỗi người, mỗi gia đình”. Điều 117 của Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Việc cấp dưỡng có thể thực hiện định kỳ hằng tháng, hằng quý, nửa năm, hằng năm hoặc một lần…”.

 Bà Th yêu cầu ông T tăng mức cấp dưỡng từ 4.000.000 đồng lên 5.000.000 /tháng nhưng không nêu ra được các khoản chi phí cụ thể phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng tháng để nuôi con và không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh ông T có khả năng tài chính để tăng mức cấp dưỡng làm căn cứ cho yêu cầu của mình. Trong khi đó, ông T lại chứng minh thu nhập hiện nay là 7.000.000 đồng/tháng. Mức cấp dưỡng là 4.000.000 đồng, hơn ½ lương của bị đơn, không thấp hơn 2/3 mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật. Mặt khác, ông T thừa nhận hàng tháng có thu nhập ổn định từ cho thuê nhà là 3.900.000 đồng/tháng. Theo HĐXX, trách nhiệm nuôi con là của cả hai. Do đó, đề nghị tăng mức cấp dưỡng hàng tháng của nguyên đơn là không phù hợp nên HĐXX không có căn cứ để chấp nhận.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.