Canh bạc hôn nhân

Chia sẻ

PNTĐ-Canh bạc hôn nhân mà Hồng nghĩ mình thắng nhưng thật ra cô đã thua đau đớn và cay đắng. Cô chẳng thể trách ai ngoài chính trách bản thân mình...

 
- Bạn tính sao đi chứ, chẳng lẽ chấp nhận ở lại làm cái máy đẻ thuê cho nhà chồng à?
 
Quá nửa đêm rồi mà Hồng vẫn không ngủ được. Trong đầu cô đau đáu nghĩ về câu hỏi của Loan. Đêm nay, chồng cô không về. Cô biết là anh đang ở đâu nhưng cũng chẳng buồn gọi điện khi trong lòng cảm thấy trống rỗng. Nhìn thằng con trai bụ bẫm đang ngon giấc bên cạnh mẹ, nước mắt Hồng lại rơi.
 
Hơn bốn năm về trước, khi bạn bè lần lượt cầm giấy báo nhập học thì Hồng lên thành phố tìm việc làm. Ở trường, cô thuộc diện học khá nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học hết cấp ba cô quyết định đi làm đỡ đần cho mẹ. Bố Hồng bị suy thận, nhà còn hai đứa em, mọi thứ đổ dồn lên đôi vai mẹ. Là chị lớn trong nhà, cô không cam tâm nhìn mẹ lăn lộn một mình.
 
Trước khi Hồng lên thành phố, mẹ cô đã gọi điện nhờ dì họ tìm việc nhưng dì bảo: Ở đâu thì cũng làm thuê cả, chi bằng đến làm cho dì, dì không để cho nó thiệt đâu.
 
Mẹ có nói chuyện đó với Hồng. Cô đồng ý. Với cô chỉ cần có việc làm kiếm tiền phụ giúp mẹ là được. Công việc vất vả hay bận bịu Hồng không nề hà.
 
Dì họ của Hồng rất tốt. Dì coi cô như con cháu trong nhà. Những ngày đầu mới lên thành phố nhiều thứ khiến cô lạ lẫm, có lúc ngu ngơ. Đứng bán hàng cho dì bị người ta lừa trả tiền giả rồi đánh tráo hàng Hồng cũng không biết. Cô thấy ái ngại nên bảo với dì: Dì cứ trừ vào tiền công cuối tháng cũng được. Nhưng dì không làm thế, dì chỉ nhắc nhở Hồng rồi thôi.
 
Cũng vì thương Hồng nên dì muốn kiếm cho cô một người chồng ở thành phố. Hồng xinh xắn, hiền lành, dễ thương nên gần nhà dì cũng có mấy anh để ý. Vài lần dì gợi ý nhưng cô lờ đi vì chưa nghĩ đến chuyện lấy chồng.
 
Một thời gian sau, Hồng thấy bác hàng xóm đầu ngõ hay qua lại với dì cô. Có hôm thì đến mua hàng nhưng có khi thì mang biếu vài thứ quà rồi tỉ tê chuyện trò với dì. Lúc ra về, đi qua chỗ cô bác còn khen: Bà có đứa cháu nhanh nhẹn, niềm nở như này thảo nào cửa hàng đông khách.
 
Một lần, sau bữa cơm tối, dì gọi Hồng vào phòng nói chuyện riêng. cô lo không biết có chuyện gì. Dì lòng vòng một lúc rồi cô cũng hiểu ra. Dì muốn Hồng suy nghĩ đến việc lấy chồng. Và người dì gợi ý đó chính là con trai của bác hàng xóm đầu ngõ. Anh tên là Tiến, thi thoảng ghé cửa hàng của dì mua đồ nên cô biết. Nhưng việc dì nói quá bất ngờ khiến cô lúng túng chưa biết trả lời sao thì dì khuyên:
 
- Thời đại này kiếm được một người đàn ông như nó không dễ đâu, không rượu, không thuốc, không gái gú, chỉ chú tâm làm ăn. Gia đình lại có điều kiện, hào phóng, cháu mà lấy nó về thì chỉ ngồi hưởng thôi. Dù nó đã một đời vợ nhưng điều đó chẳng quan trọng bằng con người thật của nó.
 
Hồng xin dì thời gian để suy nghĩ. Đêm nằm vắt tay lên trán, cô nghĩ về bố mẹ, về căn nhà xập xệ mà chưa có tiền sửa, về những đồng tiền mà mẹ chạy sấp ngửa đi vay trong những lần bố chạy thận tốn kém, về hai đứa em có nguy cơ bỏ học giữa chừng vì mẹ không kham nổi.
 
Đợt ấy, Tiến cũng năng qua nhà dì cô hơn, rồi còn xin cô số điện thoại. Noel anh đến rủ cô đi chơi. Và sau lần đi chơi ấy, Hồng nhận lời làm bạn gái của anh. Biết gia đình cô khó khăn, anh còn đưa tiền cho cô gửi về cho mẹ. Đám cưới của Hồng và Tiến diễn ra sau đó chừng ba tháng.
 
Canh bạc hôn nhân - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Khi biết chuyện Hồng quyết định lấy chồng, Loan đã rủ cô đi uống cà phê và chuyện trò. Loan là cô bạn học cấp ba thân nhất của Hồng. Loan muốn cô suy nghĩ kỹ hơn về thứ gọi là tình yêu, về người chồng mà cô sẽ lấy, về quá khứ của anh. Chẳng ngần ngại, Loan hỏi:
 
- Thế bạn có biết lý do anh Tiến với vợ ly hôn không?
 
Hồng cười bảo: 
 
- Mình cũng không rõ lắm nhưng nghe đâu hai vợ chồng không hợp nhau. Mình nghĩ việc đó cũng không quan trọng lắm. Mình cần một chỗ dựa để có thể giúp đỡ bố mẹ và các em.
 
Loan khuyên Hồng tạm dừng đám cưới để tìm hiểu thêm và đừng đánh cược cuộc đời mình vào canh bạc hôn nhân chỉ vì những toan tính, lời lãi trước mắt. Nhưng Hồng chẳng nghĩ gì nhiều mà tặc lưỡi: Thôi thì lấy chồng coi như một canh bạc, tùy vào may rủi vậy.
 
Đám cưới Hồng được tổ chức rất linh đình. Nhà trai cho xe hoa về tận quê rước dâu. Ngồi trong chiếc xe hơi sang trọng, Hồng có chút hãnh diện vì đã làm cho bố mẹ nở mày nở mặt với hàng xóm, láng giềng.
 
Cưới nhau tháng trước, tháng sau Hồng có bầu. Mẹ chồng và Tiến hết mực chiều chuộng cô. Tiến còn gửi tiền về quê cho mẹ vợ sửa nhà. Hồng cảm thấy mình thấy may mắn. 
 
Sinh con xong, Hồng chỉ ở nhà chăm con. Tiến còn thuê hẳn một giúp việc cho vợ vì như lời Tiến nói công việc của anh đang vào cao điểm nên không có nhiều thời gian ở nhà chăm vợ con.
 
Có hôm, cuối giờ chiều, Tiến gọi cho Hồng bảo bận ở lại công ty cùng anh em làm việc xuyên đêm cho kịp tiến độ. Rồi có dạo Tiến đi công tác dài ngày nên dặn vợ ở nhà phải ăn uống khỏe để đủ sữa cho con bú. Mẹ chồng cô mỗi ngày đi chợ đều mua thức ăn bổ dưỡng tẩm bổ cho con dâu. Nhưng cứ thế ăn uống, tẩm bổ chỉ mong nuôi con béo tốt cho chồng, mẹ chồng vui.
 
Một lần đang bữa ăn thì con trai gắt ngủ nên Hồng bế con lên tầng dỗ con ngủ. Khi đi xuống nhà, cô tình cờ nghe mẹ chồng cáu với Tiến:
 
- Mẹ đã bảo mày bao lần rồi, qua lại với con Thảo ít thôi, mày cứ ở bên ấy suốt, con Hồng nó mà biết là to chuyện đấy.
 
Rồi giọng Tiến ậm ừ:
 
- Con biết rồi, mẹ nói ít thôi…
 
Hồng chết lặng cả người. Thảo chính là vợ cũ của Tiến. Lâu nay Tiến vẫn qua lại với vợ cũ mà cô không hề biết. Vậy là những đêm Tiến vắng nhà, những lần đi công tác là giả dối cả sao?
 
Hồng bị sốc nhưng cố bình tĩnh để tìm hiểu sự việc. Sau một thời gian, Hồng té ngửa ra khi biết Tiến và vợ cũ ly hôn chỉ vì Thảo không sinh được con. Khi thụ tinh ống nghiệm mấy lần không thành công, hai vợ chồng tính xin con nuôi nhưng mẹ Tiến không đồng ý và ra sức ép buộc Tiến phải ly hôn vợ. Với Tiến, lấy Hồng là một giải pháp tình thế để đối phó với mẹ nhưng Tiến vẫn một lòng yêu Thảo. Khi sự thật được phơi bày, Tiến đã xin lỗi cô nhưng anh không thể dối lòng mình.
 
Canh bạc hôn nhân - ảnh 2
Ảnh minh họa

 
Hồng giấu dì, giấu bố mẹ, một mình vật vã, đau khổ hàng tháng trời và suýt chút nữa rơi vào trầm cảm. Có khi Hồng đã nghĩ đến chuyện kết thúc cuộc sống của mình nhưng chính đứa con bụ bẫm, kháu khỉnh đã kéo cô ở lại.
 
Canh bạc hôn nhân mà Hồng nghĩ mình thắng nhưng thật ra cô đã thua đau đớn và cay đắng. Cô chẳng thể trách ai ngoài chính trách bản thân mình. Nếu như ngày đó, cô đừng đưa hôn nhân ra để đánh cược với sự may rủi và lắng nghe những lời khuyên chân tình của Loan thì có thể mọi chuyện đã khác.
 
Và với câu hỏi của Loan bây giờ Hồng cũng đã có câu trả lời cho chính tương lai của mình khi không muốn mãi là cái bóng câm lặng bên chồng và tiếp tục dấn sâu thêm vào sai lầm hơn nữa.
 
 
  THU ĐỨC

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.