Xe ôm “ông nội”

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.

Các con trai, con dâu của ông bà biết vậy nên cũng không dám nài nỉ, ỉ ôi gì. Trước khi sinh con đầu lòng, con dâu cả thưa với ông bà muốn thuê người giúp việc về đỡ đần. “Trước là hỗ trợ con lúc nghỉ sinh, sau khi con đi làm thì đỡ con trông cháu. Ông bà ở nhà không cần lo lắng gì nữa”, cô con dâu cả thưa.

Nhưng hồi đó bà còn trẻ khỏe, mới về hưu được ít năm. Ông bà bàn với nhau, mình ở nhà chơi không mà để các con mất tiền thuê giúp việc thì áy náy quá. Thế là bà bảo: “Thôi, bố mẹ sẽ hỗ trợ các con trông cháu, khi nào ông bà bận thì các con phải tự lo liệu”.

Sau khi con dâu sinh, sáng sáng, bà nấu cơm cữ cho dâu, rồi quay sang chăm cháu. Hết 6 tháng con dâu đi làm, ông bà chính thức trở thành “ông bà mọn”. Vì bà bận hết bế cháu, đến cho cháu ăn, ru cháu ngủ nên ông phải vào bếp nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Nếu có đi đâu thì nhanh nhanh chóng chóng ông lại phải về “vì sợ bà nó một mình không xoay xỏa được”.

Xe ôm “ông nội” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cứ như vậy, gần 10 năm trời, 4 đứa cháu lần lượt ra đời. Ông bà gần như bỏ hết thú vui vì các cháu. Vào ngày cuối tuần, các con được nghỉ làm, ông bà mới thảnh thơi được một chút thì đàn cháu lại vẫn bện hơi ông bà. Hết trưa tới tối, chúng xuống phòng đòi ông bà ru mới chịu ngủ.

Rồi các cháu lần lượt đi học. Cảnh phải vất vả chăm cháu mọn tại gia, cháu đi đâu là ông bà chạy theo canh từng bước qua dần. Nhưng ông lại chuyển sang nhiệm vụ đưa đón cháu đi học. Nhà có cái xe máy 82 đời cũ, sáng, ông đèo cháu lớn đến trường THCS rồi quay về đèo đứa thứ hai đến trường tiểu học. Rồi ông lại lần lượt chở bà và hai cháu út ít đến trường mẫu giáo.

Chiều đến, ông lại tất bật đi từng đó vòng để đón các cháu về. Lúc nào ông nội cũng đỗ xe trực sẵn ở cổng trưởng trước cả khi trống tan học vang lên để các cháu được về đúng giờ. Trong khi đó, ở nhà, bà đã sẵn sàng các bữa phụ ngon lành để các cháu về có cái ăn chống đói.

Có ông bà chăm sóc, 4 đứa cháu đều khỏe mạnh, nhanh nhẹn còn bố mẹ chúng thì cũng được an tâm lo làm ăn. Nhiều lúc trong bữa cơm, ông đùa: “Sau này ông không cần gì nhiều, chỉ cần các con trả đủ cho ông bà tiền thuê người trông trẻ trong từng đó năm trời”. Đúng là nước mắt chảy xuôi, dù mệt thế nào, nhưng ông bà vẫn cố gắng giúp con cháu. Ông bà không đành để cháu cho người ngoài trông.

Rồi lại ít năm trôi qua, giờ các cháu ông bà đều đã lớn. Đứa cháu đầu đã biết tự đi xe đạp tới trường. Đứa cháu thứ 2 có xe tuyến của trường học đưa đón. Hai đứa cháu út chuyển trường gần cơ quan mẹ, nên con dâu ông bà cũng nhận phần đưa đón luôn. Thế là ông bà bị “mất việc” đưa đón.

Bà vẫn giữ thói quen nấu đồ ăn cho các cháu sau giờ tan học, nhưng, mấy đứa cháu gái đã không còn hào hứng ăn bữa phụ vì sợ béo, bị bạn trêu. Các con bà thưa: “Bây giờ các cháu đã lớn, ông bà có thể dành thời gian cho bản thân, tận hưởng tuổi già. Khi nào cần chúng con sẽ nhờ ông bà sau ạ”.

Ngày trước, khi cháu còn nhỏ, ông bà cứ ao ước bao giờ chúng mới lớn để ông bà thảnh thơi. Giờ cháu lớn thì ông bà lại nao nao, tưởng như mình đã không còn cần cho con cháu.

Tối nay, sau bữa cơm, ông dụ các cháu: “Mấy đứa xuống phòng ông bà chơi một lúc nào”. Nhưng các cháu, đứa thì nói còn bận học bài, đứa mải xem tivi... nên chẳng đứa nào xuống chơi với ông bà. Tự nhiên, ông buột miệng nói với bà: “Bây giờ, mình muốn ở nhiều bên các cháu mà cũng không dễ, bà nhỉ”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.
Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

(PNTĐ) - Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội sẽ giúp các cha mẹ có thêm câu trả lời cần làm gì khi con biết yêu.
Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.