Cảnh báo hệ lụy từ giáo dục giới tính sai cách
(PNTĐ) -Nhiều trẻ học lớp 5, lớp 6 hiện nay đã bắt đầu tò mò về cơ thể, quan hệ tình dục và chuyện yêu đương khiến phụ huynh lo lắng khi bản thân kiến thức về vấn đề này còn hạn chế, không có phương pháp giáo dục giới tính phù hợp, khoa học.
Cha mẹ rối mù
Chị T đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý, chia sẻ: “Con tôi bị lệch lạc giới tính”, toàn thích chơi với con gái lúc nhỏ, lớn lên thì cặp kè với con trai, đòi yêu con trai. Theo chị T, nguyên nhân cậu bé “lệch lạc giới tính” là do chồng chị và con trai lúc ngủ hay ôm nhau, thường xuyên sờ, nắm, đụng chạm cơ quan sinh dục của nhau. Chị khẳng định chắc nịch, nếu chị tách con ra khỏi bố từ sớm, nhất là lúc con bắt đầu dậy thì sẽ không bị như vậy.
Con gái lớn của chị thì bảo: “Hồi đó con cũng thích bạn gái nhưng giờ lớn rồi con vẫn lập gia đình bình thường. Mẹ yên tâm, lớn tí nữa em sẽ có bạn gái thôi”.
Chị T đề nghị chuyên gia tìm cách để “uốn nắn” con chị trở về “đúng giới tính” nam.
Khi tôi hỏi chị về những định nghĩa/khái niệm cơ bản: Dị tính, đồng tính, bản dạng giới, xu hướng tính dục, lệch lạc giới tính… chị đều lắc đầu không thể giải nghĩa. Vậy nên, nghe ai đó bảo “con chị như vậy là lệch lạc giới tính” chị liền dán nhãn lên con trai mình và tìm cách chữa cho hết.
Chồng chị T nhiều lần bị vợ phê phán cũng cảm thấy bực bội, có khi cãi nhau nhưng bản thân cũng rối mù nên không có hành động cụ thể nào trong việc giáo dục giới tính cho con trai.
Sau phiên tư vấn, chị T như hiểu ra câu chuyện, thay vì trách chồng, trách con đã thể hiện sự cảm thông với “nỗi khổ” của con trai vì bị hiểu lầm, hiểu sai “kêu oan” nhiều lần chẳng ai thấu. Cậu bé với xu hướng tính dục là đồng tính nam như cởi mở hơn khi mẹ hiểu cho mình, chưa hoàn toàn chấp nhận nhưng không bắt con phải “chạy chữa” đủ đường nữa. Gia đình cũng nhờ vậy được “cập nhật” kiến thức về giới tính đầy đủ hơn.
Cha mẹ thiếu quan tâm
Vốn dĩ có lòng tốt, chị N khuyên nhủ hai phụ huynh có con trai đang học cùng lớp 8 với con gái chị về “thể hiện giới” của cậu bé rất quá đáng trên lớp học, nếu không chấn chỉnh, nguy cơ khó lường.
Cụ thể, chị N kể, nam sinh này trên lớp ngoài việc công khai xu hướng tính dục của bản thân, còn công khai tấn công các bạn nam trong lớp, cao trào là có hành động lỗ mãng, gợi tình và xâm hại thân thể giáo viên nước ngoài. Mặc dù cả lớp không ai kì thị và cư xử với bạn nam rất văn minh nhưng ngược lại bạn luôn tạo phiền toái cho lớp. Khi hội phụ huynh mà chị N là đại diện trò chuyện với cha mẹ của nam sinh thì gia đình tỏ ra dửng dưng, không chút quan tâm hay cảm thấy câu chuyện nghiêm trọng, cần phối hợp giáo dục con trai, chỉ đáp lại gọn lỏn: “Vậy hả?”. Sau nhiều lần làm việc, gia đình nam sinh hứa sẽ giáo dục con thêm nhưng không có bất kì động thái nào trong việc giáo dục con từ phụ huynh. Nam sinh được nước làm tới và đắc ý: “Đấy, tui quậy cũng có ai làm gì đâu, có ai đuổi học đâu?”.
Cha mẹ không quan tâm đến việc học hành hay giáo dục con ở độ tuổi dậy thì, đặc biệt là giới tính sẽ tạo ra rất nhiều phiền toái cho trường học, bạn bè và kể cả chính gia đình. Con cái còn nhỏ, sai một hai lần, thì sẽ có người lên tiếng, hỗ trợ sửa đổi nhưng ba mẹ sai và không có thiện chí sửa thì không ai có thể cứu vãn tình thế, bởi đứa trẻ ỷ lại vào ba mẹ và cho rằng đã có gia đình “chống lưng”.
Xét về mặt pháp lý, hành vi xâm hại người khác của nam sinh lớp 8 kể trên đã có thể cấu thành tội hình sự, nếu đủ chứng cứ phạm tội (xâm hại/tấn công thân thể) người khác có thể phạt tù từ vài tháng đến vài chục năm tùy mức độ. Vậy nên, bất kì sự dửng dưng, thiếu quan tâm nào từ cha mẹ trong quá trình giáo dục con cái, phối hợp với nhà trường đều tiềm ẩn hậu quả.
Giáo dục giới tính như thế nào?
Giáo dục giới tính cần thực hiện từ khi trẻ 2-3 tuổi, lúc bắt đầu có những tiếp xúc đầu tiên với xã hội, đã có ngôn ngữ cơ bản, hình thành ý thức về bản thân và học hỏi từ thế giới xung quanh. Tùy độ tuổi, sự phát triển tâm lý mà lựa chọn cách giáo dục phù hợp.
Sau đây là một số gợi ý
Từ 3 - 5 tuổi, dạy con gọi tên các bộ phận cơ thể, dạy con các kỹ năng tự phục vụ tối thiểu như: Tự đi vệ sinh (2 tuổi); tự thay quần áo (2-3 tuổi); tự tắm rửa...
Tuổi mầm non, dạy trẻ cảm xúc an toàn và không an toàn; các bộ phận/khu vực riêng tư trên cơ thể; cách thức phản ứng khi có dấu hiệu không an toàn; cách thiết lập mối quan hệ tin cậy...
Tuổi Tiểu học, bổ sung thêm các nội dung như: Các hành vi xâm hại tình dục; tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết; các cách xử lý tình huống phức tạp hơn khi gặp kẻ xấu; luật liên quan đến các vấn đề xâm hại...
Trung học cơ sở, dạy trẻ nhận biết các dấu hiệu dậy thì; chăm sóc sức khỏe sinh sản; xu hướng tính dục; đa dạng giới; bản dạng giới; thể hiện giới; quan hệ tình dục an toàn; tình bạn tình yêu tuổi mới lớn; bảo vệ bản thân; tôn trọng và bảo vệ người khác; ứng xử văn minh...
Phương pháp giáo dục trẻ phù hợp bao gồm: Nêu gương tốt; quan tâm và hỏi han thường xuyên, trò chuyện và đồng hành như một người bạn, hiểu biết và cởi mở trong vấn đề giới tính nhưng vẫn đặt ra các giới hạn cần thiết không được vi phạm.