Câu thần chú của mẹ

CÔNG NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Mẹ có một mình con thôi, mẹ chỉ muốn tốt cho con…”. Mỗi lần mẹ nói thế, là bao nhiêu mâu thuẫn, bực bội, hay bất đồng ý kiến giữa 2 mẹ con đều sẽ được hóa giải. Phần thắng dĩ nhiên thuộc về mẹ. Nhưng giờ, Hạnh đã nhận ra có lẽ mình đã sai khi quá lệ thuộc vào “câu thần chú” ấy.

Sáng nào cũng thế, bà Giang là người dậy sớm nhất nhà. Bà sẽ dọn dẹp nhà cửa, quét lại cái sân, rồi đạp xe đi chợ, mua đồ ăn sáng cho vợ chồng cô con gái duy nhất và 2 đứa cháu ngoại. Sau khi mọi thứ tinh tươm, bày biện ngon nghẻ, bà lên gõ cửa từng phòng: Phòng vợ chồng Hạnh, rồi đến phòng 2 đứa cháu. Bà như một tổng đạo diễn, “chỉ huy” sát sao tất cả con cháu, cho đến khi hai đứa cháu đã đi học, con gái – con rể đã đi làm, bà mới tạm cho mình nghỉ một chút. Chỉ một chút thôi, vì căn bếp bừa bộn sau bữa sáng, đống quần áo cả nhà còn chất đấy chưa giặt và ti tỉ việc không tên đang đợi bà.

Những người hàng xóm quanh đây đã quá quen với chất giọng chỉ đạo của bà Giang. Nó cứ thánh thót từ sáng tới tối, và kể cả có đang mệt mỏi, hụt hơi thì vẫn không hề vắng lấy một ngày. Xung quanh cũng nhiều phụ nữ cùng tuổi bà, họ cũng con cháu đề huề cả rồi, mà chẳng ai “khỏe” được như bà cả…

Ngược về quá khứ, chồng bà Giang mất sớm. Bà không đi bước nữa mà ở vậy nuôi Hạnh. Bao nhiêu tâm trí, sức lực và cả kỳ vọng, bà dồn hết vào Hạnh. Bà có thể chỉ ăn cơm với nước mắm chứ con gái bà thì không. Dùng cái gì là phải tốt nhất, học với thầy giỏi cô giỏi, mặc những đồ đẹp, điệu đà… Hạnh lớn lên trong sự bao bọc và hết sức chở che của mẹ. Không phụ lòng mẹ, Hạnh thi đỗ vào một trường đại học ở tốp đầu.

Câu thần chú của mẹ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đùng một cái, vừa được nửa kỳ đầu của năm nhất đại học thì cô con gái cưng dẫn theo một anh chàng về, bảo với mẹ, “con có bầu rồi”. Bà Giang khóc không thành tiếng. Bà rất bực, chỉ muốn điên lên vì cô con gái, nhưng vì bà chỉ có mình Hạnh, giờ có đánh, có chửi thì cũng không thể vui vẻ gì thêm. Bà thức trắng mấy đêm liền, rồi đành đồng ý cho hai đứa trẻ cưới nhau. Có thêm con rể, thêm cháu ngoại, đôi vai bà lại nặng thêm. Nhưng, lại là vì bà chỉ có mình Hạnh, nên bà chấp nhận tất cả.

Với bà Giang, Hạnh là nguồn sống duy nhất. Nên bà bắt chồng Hạnh phải ở rể, bà không muốn vuột mất cô con gái yêu về bên nhà chồng. Thấy bà căng, nhà thông gia đành chấp nhận. Chồng Hạnh về ở rể, và trở thành một đứa con nữa của bà Giang, nằm trọn trong quyền kiểm soát của bà.

Hạnh sinh con xong thì tiếp tục đi học trở lại. Từ lúc đó cho đến khi ra trường, đi làm, mỗi một quyết định gì, Hạnh muốn thì đều phải thông qua mẹ. Kể cả với con rể, bà Giang cũng kiểm soát y như với con gái mình. Vậy nên mới có chuyện, đôi trẻ chẳng mấy khi được đi đâu chơi riêng với nhau, hết giờ làm là về nhà, ăn cơm với mẹ. Ăn gì cũng là bà Giang chọn lựa, nấu nướng. Những việc đáng ra nam giới có thể xung phong đứng ra làm như sửa đường ống nước hay mấy chuyện điện đóm, bà cũng không mượn con rể làm, mà tự gọi thợ xử lý…

Hạnh vốn đã quen với sự kiểm soát của mẹ từ bé nên có thể cô không còn thấy khó chiu, thấy mình bị bó buộc nữa. Thậm chí, Hạnh còn thích thú, thấy cuộc sống của mình quá nhàn hạ, sung sướng so với bạn bè khi được mẹ chăm cho từng li từng tí. Không phải chịu cảnh ở nhà chồng, nhìn mặt mẹ chồng để sống, không phải thức đêm chăm con, thậm chí đi làm mẹ còn xin việc hộ cho… Nhưng chồng Hạnh thì không thế. Sống cùng sự kiểm soát thái quá của bà Giang, anh cuối cùng cũng có những sự phản kháng.

Từ những bất đồng nho nhỏ như việc thay cái lõi bình lọc nước, bà Giang thì muốn tự làm trong khi chồng Hạnh khuyên nên gọi thợ. Cuối cùng, tự làm thành ra “lợn lành thành lợn què”, nước chảy lênh láng khắp nhà. Chồng Hạnh mới buông một câu: “Con đã bảo mẹ rồi…”, mà bà Giang thái độ hết sức tức giận, mắng chồng Hạnh là hỗn, là vô tích sự, là không biết làm gì, hở cái là gọi thợ, tốn tiền… Cho đến những việc lớn hơn, như chuyện chọn trường học cho con, bà Giang cũng can thiệp tối đa, gạt luôn vị trí của vợ chồng Hạnh ra ngoài. Khi chồng Hạnh mong muốn được có ý kiến, bà thẳng tưng: “Tôi chỉ có mình nó (ý bà là Hạnh) là con, con của nó với tôi cũng là máu mủ, anh có quyền hơn tôi à?”. Chồng Hạnh bó tay.

Chuyện đó thì anh vẫn nhịn được. Nhưng tới chuyện công việc riêng của anh, bà cũng can thiệp vào thì anh khó mà bình tĩnh được nữa. Hơn 11 giờ đêm về tới nhà sau buổi tiếp khách mệt mỏi, dù không say nhưng anh vẫn bị mẹ vợ giáo huấn một trận. Bà Giang còn lôi thẳng bố mẹ anh ra để mắng, cho rằng anh về muộn thế này là không xứng với con bà…

Câu thần chú của mẹ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Hạnh không ra mặt bênh chồng, trong bất kỳ lúc nào. Cô luôn im lặng khi mẹ nói, như thể mọi điều mẹ nói là đúng tuyệt đối. Quá bất mãn vì sự thái quá của mẹ và nhu nhược của vợ, chồng Hạnh đi đêm về hôm nhiều hơn, mất dần bình tĩnh, dễ mắng mỏ, cãi cọ với vợ, với cả mẹ vợ. Chuyện ly hôn chỉ còn là ngày một ngày hai…

Đơn chưa ra đến tòa thì chồng Hạnh đã khăn gói rời khỏi nhà bà Giang, về nhà bố mẹ mình ở. Hạnh cố níu kéo, nhưng không được, chồng sắp trở thành chồng cũ. Bà Giang ra sức thuyết phục con gái, rằng “sướng thế này mà nó còn bỏ đi thì chỉ có thể là cặp bồ”. Dù trong tay bà chưa có lấy một chút gì bằng chứng.

Không hòa giải, chồng Hạnh đồng ý mọi yêu cầu của mẹ vợ trong thỏa thuận ly hôn, miễn sao anh được giải thoát khỏi bà. Hạnh trở về cuộc sống độc thân, bên mẹ và 2 đứa con. Ai nhìn vào cứ ngỡ bà Giang có hẳn 3 đứa con chứ chả mình Hạnh. Thời gian của Hạnh lúc này lại hóa nhiều, đi làm về con cái đã được bà ngoại chăm chút, mình cũng chỉ việc ăn xong vứt bát đấy. Nhưng cứ xin đi đâu chơi với bạn là cô lại bị mẹ gạt ngang ngay. Bà chỉ muốn cô ở nhà, “con ra ngoài mẹ chẳng yên tâm. Rồi lại gặp toàn kẻ xấu”, bà bảo.

Mẹ không cho đi thì Hạnh phải ở nhà thôi. Bao lâu nay cô vẫn nghe lời mẹ mình thế, mặc dù đã có con gái lớn học đến cuối cấp 2 rồi. Nghỉ hè, con gái Hạnh hay xin đi uống trà sữa với bạn, hoặc đến nhà bạn chơi. Dĩ nhiên là bà ngoại không đồng ý. Nhưng cái tuổi ẩm ương của nó đâu nghe lời như Hạnh được. Nó cãi ngang ngay, bảo rằng bà không tôn trọng quyền riêng tư của nó, suốt ngày nhốt nó ở nhà. Bà Giang không cãi lại được lý lẽ của đứa cháu. Hạnh thấy con gái cãi bà thì mắng con. Cô con gái chẳng sợ gì, bảo ngay: “Con chẳng như mẹ. Mẹ như gái cấm cung ấy, ở nhà mãi mẹ không biết chán à, không thấy phí tuổi xuân à?”. Hạnh cứ nhớ mãi câu nói ấy của con gái. Hôm ấy, chẳng ai giữ được nó ở nhà, bạn đến đón là nó tót đi luôn.

Tối hôm nay, bạn lại rủ Hạnh đi cà phê. Hạnh mạnh dạn vừa xin mẹ, vừa dắt xe để mẹ biết là cô sẽ đi. Bà Giang, như thường lệ lại cấm con, bắt phải ở nhà. Hạnh cứ đi. Hạnh nghĩ về câu nói của đứa bạn thân: “Mày sống dựa vào mẹ mày nhiều quá, đến hạnh phúc của mình cũng do mẹ định đoạt…”. Hỏi Hạnh có trách mẹ không, cô đời nào dám. Nhưng có lẽ, cô con gái đã cho cô chút gì đó câu trả lời.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ đánh son, đừng... đánh ghen

Phụ nữ đánh son, đừng... đánh ghen

(PNTĐ) - Phát hiện chồng ngoại tình, nhiều phụ nữ trong cơn nóng giận đã thiếu kiềm chế đánh ghen để rồi bản thân vướng vào tù tội. Hành vi đánh ghen bị khép vào tội “làm nhục người khác”, “cố ý gây thương tích”, không những huỷ hoại hôn nhân, gia đình mình mà còn đẩy chính mình vào vòng lao lý, không lối thoát.
“Cài đặt” lại hôn nhân

“Cài đặt” lại hôn nhân

(PNTĐ) - Khi hoạt động chậm hoặc bị lỗi, máy tính sẽ được cài đặt lại. Và hôn nhân cũng vậy, một năm qua đi là dịp để các cặp vợ chồng cùng nhìn lại chặng đường đi chung của mình, và sửa chữa những lỗi cài đặt nếu có.
Mẹo dọn nhà đón Tết của mẹ đảm

Mẹo dọn nhà đón Tết của mẹ đảm

(PNTĐ) - Để công cuộc tổng vệ sinh cuối năm không trở thành gánh nặng, các chị em có thể sắp xếp thời gian và trình tự dọn dẹp hợp lý, hoặc nhờ thêm sự giúp đỡ của người thân và máy móc, hoặc đơn giản là hình thành thói quen gọn gàng, bày đâu dọn đấy... để việc dọn nhà đơn giản và vui vẻ hơn nhiều.