Cha mẹ cùng con “chuyển đổi số” an toàn

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tri thức, khoa học, công nghệ số, truyền thông internet, có tác động lớn tới gia đình, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đang đặt ra những cơ hội, nhưng đồng thời cũng tạo ra không ít thách thức đối với vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con trong gia đình.

Hai mặt của thế giới mạng đối với trẻ

Theo bà Nguyễn Thanh Huyền, Trường ĐH Lao động xã hội, Việt Nam là một trong số những nước có tốc độ phát triển nhanh về công nghệ thông tin, số người sử dụng internet, mạng xã hội lớn và ngày càng tăng. Việt Nam đứng thứ 18 thể giới về tỷ lệ người dân sử dụng internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh, thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn (Vụ Gia đình, 2021).

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet và các thiết bị thông minh, nhiều người dễ dàng tiếp cận với mạng xã hội, trong đó có cả trẻ em. Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội còn tồn tại những mặt trái có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và tâm lý của trẻ. Sự phát triển của công nghệ và mạng internet đang ảnh hưởng mạnh mẽ và làm thay đổi thói quen sinh hoạt của nhiều người, trong đó có những tác động to lớn đối với trẻ em. Ngày nay, nhiều trẻ em được tiếp xúc với mạng internet ngay từ khi đi học mẫu giáo, thông qua các thiết bị điện tử thông minh, trẻ em có thể học nhiều điều hay từ internet, song môi trường trên mạng cũng mang lại rất nhiều rủi ro.

Cha mẹ cùng con “chuyển đổi số” an toàn - ảnh 1
Ảnh minh họa

Sử dụng các thiết bị công nghệ nhiều sẽ ảnh hướng đến thị giác của thực tế cho thấy tỷ lệ trẻ em bị các bệnh về mắt ngày càng nhiều và ở độ tuổi nhỏ hơn nhiều so với trẻ em ở các thế hệ không dùng Internet và các thiết bị công nghệ. Bởi thực tế có nhiều trẻ nhỏ hàng ngày tiếp xúc với các thiết bị công nghệ như tivi, điện thoại, ipad, máy tính nhiều giờ đồng hồ, nhiều em còn chơi các trò điện tử trong điều kiện ánh sáng không đảm bảo hoặc các trò chơi có hiệu ứng hình ảnh tác động xấu đến mắt. Bên cạnh đó, trẻ cũng dễ bị tiêm nhiễm bởi các nội dung độc hại, bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ khi kết bạn trên mạng xã hội.

Một số trẻ thường bắt chước những trò chơi nguy hiểm, thậm chí là mạo hiểm trên mạng internet... Thời gian qua, trên mạng xã hội xảy ra không ít trường hợp clip học sinh đánh nhau, chửi bậy... Không chỉ vậy, vì mạng xã hội là môi trường toàn cầu nên có không ít vụ việc kinh hoàng với cảnh xả súng giết người được đối tượng phạm tội phát trực tiếp (livestream), gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức non nớt của nhiều trẻ em. Thậm chí, trên môi trường mạng xã hội còn xuất hiện nhiều hoạt động nguy hiểm cho trẻ em như lập tài khoản dưới dạng hướng dẫn vượt qua thử thách rồi ép tự tử...

Trẻ em sẽ rất dễ bị ảnh hưởng khi hằng ngày bên cạnh lúc nào cũng có điện thoại di động, máy nghe nhạc iPod, iPad, truyền hình cáp, Internet, video game... Nếu không được hướng dẫn sử dụng hiệu quả, an toàn, các công nghệ này dần trở thành mối nguy hại cho trẻ. Nhiều trẻ không được chỉ dẫn đã trở thành nạn nhân Internet.

Theo bà Vũ Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số mang đến những thay đổi chưa từng có. Khi kỹ năng số trở thành thiết yếu thì khả năng sử dụng công nghệ thông tin, tư duy số, an toàn trên mạng là những kỹ năng sống còn trong xã hội hiện đại. Nó làm thay đổi tương tác trong gia đình.

Thời gian sử dụng thiết bị điện tử có thể ảnh hưởng đến giao tiếp trực tiếp, gắn kết tình cảm giữa các thành viên. Và sẽ xuất hiện những rủi ro tiềm ẩn như nghiện game, nghiện các trang mạng xã hội, bị xúc phạm bằng những lời lẽ thô tục trên không gian mạng, lộ những thông tin, hình ảnh cá nhân nhạy cảm là những thách thức mà trẻ em và thanh thiếu niên phải đối mặt.

Cha mẹ cùng con “chuyển đổi số” an toàn - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cha Mẹ đồng hành cùng con chuyển đổi số

Theo bà Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng Ban Gia đình xã hội, Hội LHPN Hà Nội, trong kỷ nguyên số, cha mẹ cần có kiến thức cơ bản về công nghệ, hiểu được các ứng dụng phổ biến, mạng xã hội, và môi trường số để có thể quản lý, giám sát và định hướng con sử dụng công nghệ một cách an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh việc giáo dục tri thức, trẻ em cần được giáo dục về đạo đức, lối sống, giá trị nhân văn trong môi trường số; cũng chính vì vậy, vai trò cha mẹ sẽ là cầu nối giúp con trẻ hiểu được ranh giới giữa thực và ảo, giữa thông tin hữu ích và thông tin độc hại, từ đó hình thành kỹ năng chọn lọc, tư duy phản biện và ứng xử có trách nhiệm trong môi trường số. Mặt khác, sự thay đổi về phương thức tiếp cận thông tin từ truyền thống sang công nghệ số đòi hỏi cha mẹ cần thay đổi phương pháp giáo dục từ “áp đặt - kiểm soát” sang “đồng hành - thấu hiểu - tương tác thông minh”.

Hiện nay, việc học của trẻ không chỉ gò bó, diễn ra trên lớp học trực tiếp trên ghế nhà trường mà còn qua các nền tảng học trực tuyến, mạng xã hội. Vì vậy, để có thể đồng hành cùng con, cha  mẹ cần đóng vai trò như một người bạn lớn để định hướng và hỗ trợ con.

Cha mẹ không cấm trẻ em tiếp cận thiết bị công nghệ, nhất là điện thoại, máy tính, internet mà chuyển hướng đồng hành cùng trẻ với những quy tắc phù hợp về thời gian, thời lượng, cách tương tác Một giải pháp khác là cha mẹ cần nghiên cứu, lựa chọn, phân tích thông tin, hỗ trợ con biết và hiểu về các công nghệ đang được sử dụng trên mạng xã hội và khả năng tương tác thực tế của con người trong các giới hạn cụ thể; Hướng dẫn con các quy tắc cơ bản và cách chia sẻ thông tin an toàn để tránh các nguy cơ lừa đảo, xâm hại tình dục, nghiện mạng xã hội/công nghệ, thông tin sai lệch dẫn đến vi phạm pháp luật; nhắc nhở, động viên con thực hiện trách nhiệm trên môi trường trực tuyến thông qua các kỹ năng tư duy phản biện, suy nghĩ kỹ, lường trước hậu quả có thể xảy ra và kỹ năng kiềm chế khi có ý kiến trái chiều.

Bà Vũ Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân cũng cho rằng, để đáp ứng những thay đổi này, cha mẹ cần không ngừng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và giáo dục số; cần có sự hiểu biết về công nghệ, nắm vững các công cụ, ứng dụng phổ biến mà thanh thiếu niên và con cái chúng ta đang sử dụng; có khả năng phân biệt được thông tin chính xác, tin cậy và thông tin sai lệch trên mạng; tìm hiểu rõ các mối nguy hiểm tiềm ẩn và cách phòng tránh.

Theo bà Quỳnh, cha mẹ cũng cần đồng hành và định hướng cho con cái trong môi trường số. Cùng con xây dựng thời gian biểu hợp lý cho việc học tập, giải trí và tương tác trực tiếp; quan tâm đến nội dung con tiếp cận, hướng dẫn con cách sử dụng internet an toàn và có trách nhiệm; khuyến khích con học tập trực tuyến hiệu quả, tạo điều kiện và hỗ trợ con tận dụng các nguồn tài liệu, khóa học trực tuyến chất lượng. Cha mẹ nên tạo điều kiện phát triển kỹ năng số cho con cái bằng cách hướng dẫn các kỹ năng cơ bản như dạy con cách tìm kiếm thông tin, sử dụng phần mềm, ứng dụng học tập; khuyến khích tư duy phản biện, giúp con đánh giá thông tin một cách khách quan, không tin tưởng mù quáng; giáo dục về đạo đức số, dạy con tôn trọng bản quyền, bảo vệ thông tin cá nhân, cư xử văn minh trên mạng.

Trong gia đình, cần duy trì và củng cố các mối quan hệ bằng cách tăng cường giao tiếp trực tiếp, dành thời gian trò chuyện, lắng nghe con chia sẻ về cuộc sống trực tuyến và ngoại tuyến; tổ chức các hoạt động gia đình, tạo không gian để các thành viên gắn kết, chia sẻ sở thích và xây dựng kỷ niệm chung. Đặc biệt, cha mẹ cần làm gương cho con, thể hiện thái độ tích cực, sử dụng công nghệ một cách cân bằng và có mục đích.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kinh nghiệm bảo vệ con trên mạng

Kinh nghiệm bảo vệ con trên mạng

(PNTĐ) - Chị Lê Thị Hồng hiện là Chủ tịch Hội LHPN phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, đồng thời cũng là mẹ của 2 bé gái Bông 6 tuổi và Chíp 5 tuổi. Mặc dù hai con còn nhỏ, nhưng chị đã rất quan tâm giữ an toàn cho các con khi tham gia không gian mạng.
Phòng tránh hiểm họa từ sexting

Phòng tránh hiểm họa từ sexting

(PNTĐ) - Trong thời đại số hóa, những hành vi từng được coi là riêng tư hay cấm kỵ đã và đang hiện diện công khai hơn bao giờ hết trên không gian mạng. Một trong số đó là sexting - hành vi gửi, nhận hoặc chia sẻ các nội dung có yếu tố tình dục qua thiết bị điện tử. Điều đáng nói là hành vi này không còn là “chuyện của người lớn” mà ngày càng xuất hiện nhiều ở trẻ vị thành niên.
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…