Chăm mẹ chồng bằng cả tấm lòng

Chia sẻ

PNTĐ-Bà Nguyễn Thị Mai (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, HN) được nhiều người yêu quý vì tấm lòng hiếu thảo, hết lòng chăm sóc mẹ chồng già yếu.

 
Chăm mẹ chồng bằng cả tấm lòng - ảnh 1
Bà Mai bên mẹ chồng
 
Cụ Nuôi, mẹ chồng bà Mai năm nay đã 105 tuổi, là mẹ và vợ liệt sỹ. Chồng cụ hi sinh năm 1972. Cụ Nuôi sinh được 6 người con, trong đó có 4 con trai đều tham gia kháng chiến. Con trai cả hi sinh năm 1968 tại chiến trường Nam Bộ.
 
Giờ cụ tuổi đã cao, sức yếu, thường phải ngồi một chỗ, không thể đi lại được. Hơn chục năm nay, bà Mai trở thành “đôi chân, cánh tay” của mẹ chồng, hết lòng chăm lo cho cụ.
 
Bà Mai kể, bà về làm dâu cụ Nuôi từ năm 1973. Những ngày đầu làm dâu, bà Mai vừa e ngại, bỡ ngỡ, nhưng đã được mẹ chồng chỉ bảo tận tình. Hồi ấy, gia đình chồng còn khó khăn, nhưng vào bữa, mẹ chồng cũng xới cho bà bát cơm đầy hơn. Cụ còn giấu con cháu bỏ thêm quả trứng gà cho con dâu bồi bổ sức khỏe. Mỗi lần có chợ phiên, bà không quên mua thêm cho con dâu cái bánh tẻ “ăn cho đỡ đói”.
 
 Hồi ấy, bà Mai còn làm công nhân may ở Xí nghiệp May mặc Thăng Long, thường phải làm ca về muộn. Hôm nào quá giờ tan ca mà chưa thấy con dâu về, mẹ chồng bà lại cầm đèn pin đứng đầu ngõ chờ vì thương con vất vả. Những hôm mưa gió, cụ mang áo mưa đến tận cơ quan đưa cho con dâu. Khi bà Mai sinh con, mẹ chồng bà vừa chăm sóc con dâu ở cữ, vừa chăm cháu từng ly từng tí. Cụ bảo, cả nhà có thể bớt đi một món, nhưng con dâu phải đủ chất để nuôi con.  
 
“Mẹ coi tôi như con gái, nên tôi luôn yêu thương mẹ như mẹ đẻ của mình” – bà Mai nói. Không chỉ là dâu thảo trong nhà, bà Mai luôn cố gắng để chăm sóc, bù đắp những thiệt thòi và mất mát mà mẹ chồng phải trải qua. Năm 1977, con trai thứ hai của cụ mất khi vừa xuất ngũ về quê được vài hôm. Mấy năm sau, con gái của cụ cũng qua đời. Nỗi mất con khiến cụ thẫn thờ, đau đớn, nhưng không muốn các con lo lắng, cụ giấu cảm xúc của mình. Có những hôm, thấy mẹ ngồi thẫn thờ, bà Mai rơi nước mắt. Bà ngồi cạnh mẹ, giúp mẹ vơi đi nỗi nhớ các con.
 
Năm 2009, chồng bà Mai mất do một tai biến, mẹ chồng bà suy sụp hẳn. Từ đó,  bà Mai quyết định chuyển sang ngủ cùng mẹ chồng để mẹ con tình cảm hơn, đồng thời tiện bề chăm sóc. Những hôm đầu, cụ mê sảng cả đêm. Bà Mai nén nỗi đau mất chồng để an ủi, động viên nỗi đau của người mẹ đã mất đứa con thứ 5 của mình.
 
 Tuổi già trái gió trở trời, có tháng cụ Nuôi ốm ba bốn tháng liền. Mỗi lần ốm, cụ nằm một chỗ, mọi thuốc men, cơm cháo, vệ sinh cá nhân đều do con dâu giúp đỡ. Bà Mai không nề hà, vẫn tự tay thay đồ, tắm giặt, bón từng thìa cháo cho mẹ chồng, bởi “tôi vừa bón vừa dỗ dành thì cụ mới ăn nhiều được”. Có hôm nửa đêm, cụ thức dậy ngồi khóc nhớ các con. Bà Mai lại nhẹ nhàng an ủi, đặt tay lên người cụ để cụ yên tâm vẫn còn có con bên cạnh. “Nhiều hôm thiếu ngủ, tôi cũng ốm lây. Nhưng thấy cụ cần tôi hơn, nên tôi dặn mình phải thật khỏe mạnh để còn chăm cụ”. Chiều nào con dâu cũng bế cụ xuống dưới nhà chơi với các cháu hoặc đưa cụ ra ngoài thư giãn.
 
Giờ cụ Nuôi bị lãng tai, trí nhớ thất thường, có hôm chưa ăn sáng vẫn tưởng mình đã ăn. Bà Mai lại kiên nhẫn nhắc cho cụ nhớ, hỏi cụ có đói không để mang cơm cháo cho cụ ăn. Nhiều người hỏi, sao bà không cho cụ vào nhà dưỡng lão hoặc thuê người giúp việc chăm sóc, bà Mai chỉ cười: “Tôi tự tay chăm sóc cho mẹ chồng hơn chục năm nay đã quen rồi. Nhớ lại tình yêu thương mà cụ dành cho con cháu trước đây, tôi lại càng cố gắng yêu thương cụ nhiều hơn. Năm nay cụ đã hơn 100 tuổi, có cụ vui vầy là cái phúc của con cháu”.

Quỳnh An

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.