Chết oan vì “bẫy điện”

Chia sẻ

PNTĐ-Nghi ngờ giàn mướp bị hái trộm, ông Nguyễn Văn Hoàn (SN 1956, trú tại TT Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, HN) đã giăng dây điện chống trộm, dẫn đến cái chết đau lòng cho người hàng xóm.

 
Chết oan vì “bẫy điện”  - ảnh 1
Giàn mướp nhà ông Hoàn - nơi xảy ra án mạng
 
Trước nhà, ông Hoàn trồng một giàn mướp rộng khoảng 5m2. Hằng ngày, ông đi làm từ sáng đến tối nên không có thời gian trông coi giàn mướp. Mỗi lần về nhà phát hiện giàn mướp bị hái trộm, ông rất bực.
 
Không chỉ “chửi đổng”, ông Hoàn tìm mọi cách để chống trộm. Có lần, ông phun thuốc trừ sâu cho giàn mướp và liên tục cảnh báo ai trộm mướp sẽ phải lãnh hậu quả. Một tháng trước, ông còn âm thầm giăng điện quanh giàn mướp để chống trộm. Nguồn điện 220V cho “bẫy điện” được cấp liên tục trong thời gian ông vắng nhà, thậm chí có hôm cấp cả ngày lẫn đêm. Ông Hoàn không hề cảnh báo về việc giăng điện này cho bất cứ ai, nên trưa ngày 18/8, bà Tuyến ở cạnh nhà ông Hoàn đi tìm gà nhà bị mất thì vướng phải dây điện giăng ở giàn mướp trước cổng nhà ông Hoàn khiến bà tử vong tại chỗ.
 
Đã có nhiều trường hợp người dân tự ý giăng điện chống trộm, diệt chuột... để bảo vệ hoa màu, vật nuôi và tài sản gia đình, gây ra những vụ chết người thương tâm. Trước đó, do nhà hay bị mất trộm cây cảnh nên dù biết trước nguy hiểm, ông Ngô Gia Trang (69 tuổi, trú tại tỉnh Hưng Yên) vẫn cố tình giăng điện 1 ngày để chống trộm, gây cái chết cho một người cùng thôn. Ông Trang đã bị truy tố về tội Giết người và chịu hình phạt thích đáng của pháp luật.
 
Theo luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Hồng Hiển và Cộng sự, ông Hoàn đã có hành vi sử dụng điện là nguồn nguy hiểm cao độ để phòng chống trộm cắp tài sản. Ông Hoàn hoàn toàn ý thức được hành vi của mình có thể gây hậu quả chết người nhưng lại cho rằng, hậu quả đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
 
Do đó, ông đã không dùng biện pháp cảnh báo về sự nguy hiểm này cho người khác, dẫn đến cái chết của người hàng xóm. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 9, BLHS, trường hợp này được xác định là Giết người do lỗi cố ý gián tiếp. Tội danh và hình phạt với hành vi Giết người, bao gồm lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp được quy định tại Điều 93 BLHS.
 
Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Mục 12, phần I, Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của TAND Tối cao, trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội Giết người. Nếu người sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng nếu mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại, biết việc mắc điện là nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng vẫn mắc hoặc có thái độ bỏ mặc gây hậu quả, có người bị điện giật chết thì bị xử tội Giết người. Trong trường hợp người sử dụng điện mắc ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm… nhưng vẫn có người bị điện giật chết thì bị xử tội Vô ý làm chết người.
 
Như vậy, mục đích là để chống trộm hay diệt chuột, vô ý hay cố ý làm chết người thì hành vi này đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Khoản 7, Điều 7 Luật Điện lực năm 2004 (sửa đổi năm 2012) có quy định cấm sử dụng điện để bắt, bẫy động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ. “Dùng bẫy điện diệt chuột, chống trộm… là hành vi ẩn chứa nhiều nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Đây là bài học cảnh báo chung cho những người sử dụng điện thiếu suy nghĩ, không có biện pháp an toàn để bảo vệ tài sản, gây hậu quả chết người” – luật sư Hiển nói.
 
Trao đổi về vụ việc của ông Hoàn, đồng chí Nguyễn Quốc Quý, Trưởng Công an Thị trấn Phú Xuyên cho biết, “đây là vụ việc giăng điện chống trộm đầu tiên xảy ra trên địa bàn. Việc giăng dây điện trần là quá nguy hiểm, vì giàn mướp ở phía ngoài cổng nhà ông Hoàn thường có nhiều trẻ con ra chơi. Sau sự việc, chúng tôi đã tổ chức truyên truyền đến người dân về việc sử dụng lưới điện đúng quy định, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của mọi người”.

Phạm Minh

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Hè này con muốn về quê

Hè này con muốn về quê

(PNTĐ) - Mùa hè vừa chớm, lũ trẻ về quê chơi rộn ràng cả xóm. Riêng nhà bà Vân vẫn vắng bóng hai đứa cháu nội, chỉ vì lịch học thêm dày đặc và những e ngại vụn vặt của người lớn.
Hạnh phúc giản dị

Hạnh phúc giản dị

(PNTĐ) - Chị về đến nhà, đầu đau như búa bổ, hai tay rã rời. Nghĩ đến hai con cần phải ăn tối xong trước giờ học bài, chị tự nhủ: “Mình nằm chút thôi rồi dậy ngay”. Vậy mà khi chị tỉnh dậy, trời đã tối mịt.
Yêu sau cưới

Yêu sau cưới

(PNTĐ) - Ngân và Trung cưới nhau qua mai mối khi cả hai đã bước vào độ tuổi mà gia đình không còn muốn con cái "kén cá chọn canh" nữa. Trung khi ấy 30 tuổi, là một người đàn ông thành đạt, trầm tính và chín chắn, đang làm trưởng phòng kỹ thuật tại một công ty lớn. Ngân 28 tuổi, là cô giáo tiểu học hiền lành, chu đáo, sống giản dị và có phần khép kín.
4 “mẹo” đồng hành cùng con tuổi teen

4 “mẹo” đồng hành cùng con tuổi teen

(PNTĐ) - Khi con bước vào tuổi teen, nhiều cha mẹ thấy con trở nên khó bảo, không chịu hợp tác. Để có thể đồng hành cùng con, cha mẹ cần có phương pháp phù hợp. Dưới đây là 4 mẹo hay cha mẹ có thể tham khảo từ thạc sĩ giáo dục Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Học viện The Zen Parenting Academy.