Chồng nhà người ta

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thấy chị về tới cổng, chồng chị ở trong bếp nói vọng ra: “Vợ về rồi à, thay quần áo, nghỉ ngơi rồi ăn cơm. Hôm nay anh về sớm nên nấu cơm cả nhà ăn sớm”.

1.

Nghe vậy, tự nhiên chị lại thấy chán ở trong lòng. Chị đáp mỗi câu “Vâng” lạnh te, rồi bỏ vào phòng. Chị nhớ lại câu chuyện trưa nay với mấy chị em đồng nghiệp ở cơ quan. Con bé Thu, kém chị gần 10 tuổi, chân ướt chân ráo mới vào làm được gần 1 năm ở vị trí nhân viên văn phòng. Chị cứ tưởng Thu chỉ “bình bình” thế thôi, vậy mà lúc nghe Thu khoe chuyện nhà, chị phải mắt tròn mắt dẹt. Thì ra chồng Thu làm giám đốc một công ty đang ăn nên làm ra, mỗi tháng thu nhập trên 50 triệu đồng. Hai vợ chồng Thu đang ở chung cư cao cấp, lại vừa mua thêm miếng đất ở mặt phố lớn. “Chả biết các chị thế nào, chứ em chỉ đi làm cho vui thôi”.

Nghe đến chi tiết “em đi làm cho vui” mà chị thấy tủi thân thế. Từng đó năm, chưa bao giờ chị dám lơ là trong công việc bởi đây là nơi kiếm cơm của chị. Chả thế mà nhiều lần gặp áp lực công việc, rồi còn bị sếp “phê bình oan” vì những lỗi không do mình gây ra, dù rất ấm ức nhưng chị đành nhẫn nhịn không dám nói lại câu nào. Chị sợ nhỡ mất việc thì... cả nhà chết đói. Cũng là phận gái đi lấy chồng, mà sao chị lại chẳng may mắn được như Thu. Chồng chị bao nhiêu năm qua, vẫn cứ chỉ là anh chuyên viên, lương 3 năm tăng một lần, ngoài mấy khoản ít ỏi ăn trưa, xăng xe... thì chả có bổng lộc gì. Cả nhà chị 4 người chỉ chòng chọc trông vào đồng lương khiêm tốn. Tháng nào, chị cũng phải đau đầu xoay xỏa để không bị thiếu trước hụt sau.

Chồng nhà người ta - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ở cơ quan này, có lẽ, chị được xếp ở hàng... kém nhất. Cùng phòng chị, có chị Tú, có chồng là phó giáo sư, tiến sĩ. Thi thoảng, chị Tú lại kể chuyện chồng được mời đi hội nghị khoa học ở trong nước, ngoài nước, rồi có bài báo khoa học đăng ở tạp chí gì đó rất uy tín. Nói chung là chồng chị Tú học thức đầy mình, hơn hẳn cái bằng cử nhân của chồng chị. Rồi phòng bên cạnh có chị Mai, lấy chồng làm trong ngành ngoại giao. Anh này đẹp trai, cao ráo, đi nước ngoài như đi chợ. Thi thoảng anh lái ôtô đến đón vợ ở cơ quan, chị có dịp chào hỏi đôi câu mà thấy ở anh toát ra vẻ lịch lãm, khiến người tiếp xúc rất có thiện cảm.

Chồng của chị Bính cũng vậy, đường đường là một doanh nhân thành đạt. Chị đã từng đến chơi nhà chị Bính, chao ôi, nhà gì mà to, rộng, cái xe sang đậu ngay ở sân. Cũng vì nhà chả có gì ngoài... điều kiện nên nghe nói chị Bính đang xin nghỉ hưu sớm để có thời gian cùng chồng đi du lịch.

Cứ thế, từ lúc nào, chị thấy “chồng nhà người ta” ai cũng sáng láng hơn chồng chị. Kết hôn bao nhiêu năm, ngoài việc có thêm 2 đứa con, hai vợ chồng chị vẫn chả tiến bộ gì. Ngôi nhà thì vẫn thế, chật chội và ngày một cũ kỹ. Mấy lần, chồng chị bàn hay là cải tạo, sơn sửa lại nhà cho khang trang nhưng, tính đi tính lại, chị thấy tốn kém quá nên lại thôi. Vợ chồng chị gần như không bao giờ đi du lịch riêng cũng vì tiếc tiền. Ngày nào cũng thế, mở mắt ra là chị đã phải lao vào công cuộc mưu sinh chả có hồi kết. Chị chẳng bao giờ dám mơ sẽ có ngày, chồng chị mang về một “cục tiền bự” rồi bảo chị từ nay “chỉ đi làm cho vui” như là Thu, hay là cho chị ngồi lên chiếc xe ôtô sang xịn mịn lái đi khắp thành phố giống như chị Bính.

- Em ơi xuống ăn cơm đi kẻo nguội. Hai đứa cũng đói lắm rồi.

Tiếng gọi của chồng làm chị cắt đứt dòng suy nghĩ. Chị xuống nhà, ngồi xuống bàn ăn, nhìn mâm cơm đạm bạc với chút thịt nạc rim, lạc rang muối... Chị lại nghĩ, nếu ngày trước, không phải anh, liệu chị có cưới được một ai khác tốt hơn không. Để rồi bây giờ, chắc chắn sẽ có ai đó phải nhìn vào chị mà ao ước “chồng chị sao mà tốt thế. Chị thật là có phúc”.

Chồng nhà người ta - ảnh 2
Ảnh minh họa

2.

Sáng hôm nay, cơ quan chị bàn tán xôn xao thông tin Thu bị... đánh ghen ngược. Lâu nay, chị vẫn nghe tới việc chồng/vợ bồ bịch gì đó rồi bị đánh ghen, nhưng chỉ là qua chuyện kể trên mạng xã hội. Chị không ngờ có ngày, chị lại được chứng kiến một phụ nữ tới tận cơ quan chị để gặp Thu, đề nghị ly hôn chồng vì cô ta mới là người yêu của chồng Thu. Và thế là chuyện nhà của Thu bung bét trong sự ngỡ ngàng của nhiều người, trong đó có chị.

Tới bữa trưa, khi chỉ có mấy chị em thân thiết ngồi ăn cơm với nhau, Thu mới sụt sùi kể: “Chồng Thu đúng là bóng sáng, tiền kiếm về như nước, vợ con tiêu không cần suy nghĩ. Nhưng đồng thời, Thu cũng biết chồng mình có bồ bịch bên ngoài. Vì con, và cũng vì ngại nếu làm to chuyện thì cuộc sống khấm khá lâu nay cũng bị ảnh hưởng nên Thu đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Thu còn bí mật chuẩn bị mấy cuốn sổ tiết kiệm để phòng thân, nhỡ sau này vợ chồng ly hôn. Quả nhiên, cũng có ngày, bồ của chồng Thu tìm tới tận nơi để đòi danh phận”. “Để tối nay về em làm rõ trắng đen với chồng. Em sẽ cho anh ta chọn, hoặc là giữ gia đình, hoặc là ly hôn vì bây giờ em cũng đã đủ lông đủ cánh rồi”, Thu kể.

Thêm một lần nữa, chị lại được mở mắt về “chồng nhà người ta”. Hóa ra là Thu không sướng như chị tưởng. Không phải là Thu vừa có tiền, vừa có một người chồng chung thủy, yêu thương vợ con. Thu cũng có những nỗi khổ tâm riêng. Vợ chồng sống cùng nhà mà phải đề phòng, thủ thế, lo phòng thân cho mình. Nếu chị là Thu, có lẽ, chị sẽ không bao giờ chị chấp nhận cảnh chồng chung vì chị rất đề cao sự chung thủy. Thật may là chồng chị bao nhiêu năm qua, không “léng phéng” với cô nào, ngoài giờ đi làm thì chỉ biết về nhà với vợ con.

Chồng nhà người ta - ảnh 3
Ảnh minh họa

Nhân câu chuyện này, nhiều chị em quay sang chị rồi bảo: “Ở cơ quan này, có khi chị là sướng nhất đấy. Chồng chị chả chê được điểm nào. Chị xem, có ai ở đây được chồng nấu cơm rồi gọi xuống ăn, lại còn biết chăm con, dạy con học như chồng chị không. Đúng là chồng nhà người ta có khác”.

Chị ngẩn người, vì... thì ra vẫn có những người phụ nữ khác ao ước về người chồng như... chồng chị. Chị Tú kể, chồng chị học thức cao thật nhưng lúc nào cũng như người trên mây. Anh ý chả biết một tý gì về giá cả, chợ búa, chỉ suốt ngày đeo mục kỉnh ngồi nghiên cứu tài liệu. Việc nhà cửa, đối nội đối ngoại, chị Tú đều phải thay chồng cáng đáng hết. Còn chị Bính, thì phải chấp nhận cảnh chồng vắng nhà quanh năm suốt tháng vì anh còn bận... kiếm tiền.

Thi thoảng lắm cả nhà chị mới có cơ hội được ăn cơm cùng nhau. Chị Bính đã phải đợi gần 30 năm, tới nay phải xin nghỉ hưu sớm thì vợ chồng mới có cơ hội được ở bên nhau. “Em trông chị thế thôi chứ cảm giác ăn cơm một mình, đi ngủ một mình, nuôi con một mình cũng... buồn lắm. Nhiều lúc, chị ước giá chồng chị bớt kiếm tiền đi một chút để ở bên vợ con nhiều hơn, giống như cuộc sống của vợ chồng em vậy”.

Chiều nay, trên đường về nhà, chị thấy lòng mình nhẹ nhõm đi nhiều. Chị đã hiểu ra rằng, chẳng có hạnh phúc nào là hoàn hảo cả. Cái chính là mình biết bằng lòng với cái mình có thay vì chỉ nhìn sang nhà người khác mà ước ao. Từ nay, chị sẽ chẳng nghĩ về “chồng nhà người ta nữa”...

Đón chị ở nhà lúc này, chắc chắn đang là một bữa cơm nóng hổi do chồng chị nấu.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kỳ 2: Đạo hiếu trước biến động của xã hội hiện đại

Kỳ 2: Đạo hiếu trước biến động của xã hội hiện đại

(PNTĐ) - Ở không ít gia đình hiện nay, nhiều người con từ chối, lẩn trốn trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ. Thậm chí, có người vì tranh giành tài sản, sẵn sàng mang cha mẹ của mình làm “công cụ” để lợi dụng. Cuốn theo vòng xoáy tiền bạc, tài sản, họ quên mất rằng, những tranh chấp như thế chỉ làm “nồi da xáo thịt”, thiên hạ chê cười, khiến cha mẹ đau lòng ở tuổi xế chiều…
Khủng hoảng tâm lý tuổi “nghỉ hưu”: Hiểu để phòng tránh

Khủng hoảng tâm lý tuổi “nghỉ hưu”: Hiểu để phòng tránh

(PNTĐ) - Buồn bã, cô đơn, tự thu mình, lo ngại mình không còn có ích cho cộng đồng xã hội... Đó là tâm trạng của không ít người, trong đó có phụ nữ cao tuổi khi về hưu. Gia đình đóng vai trò như thế nào để giúp người thân của mình có đời sống tinh thần khỏe mạnh ở tuổi xế chiều... Trao đổi của Báo Phụ nữ Thủ đô với Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Nguyễn Hải Vân (ảnh bên) tại Trung tâm Tâm lý Mindcare.
Kỳ 1: Những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường

Kỳ 1: Những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường

(PNTĐ) - Từ xa xưa, người Việt luôn coi trọng đức tính hiếu thảo trong gia đình. Lòng hiếu thảo là bài học đầu tiên để làm người, là nền tảng đạo đức của xã hội. Song, ngày nay, đạo hiếu đang đứng trước những nguy cơ, thách thức chưa từng có đến từ những thay đổi cơ bản của xã hội và lối sống của con người trong xã hội hiện đại, đòi hỏi phải có sự quan tâm, gìn giữ.
Lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai

Lợi ích của việc học ngôn ngữ thứ hai

(PNTĐ) - Việc học ngôn ngữ thứ 2 không chỉ giúp trẻ giao tiếp tốt hơn mà còn kích thích sự phát triển toàn diện của não bộ và các kỹ năng quan trọng khác. Dưới đây là cách mà não bộ và cơ thể phản ứng khi trẻ học thêm một ngoại ngữ, cùng với những lợi ích phát triển.
Ở cữ... cùng vợ!

Ở cữ... cùng vợ!

(PNTĐ) - Quỳnh Trang (26 tuổi, kinh doanh online tại Hà Nội) hào hứng cho biết: “Dân gian cứ bảo kiêng này kiêng kia nhưng với chồng mình, anh xin nghỉ làm hẳn 1 tháng để ở nhà chăm vợ đẻ. Sinh xong cuộc sống của mình trở nên stress, dễ cáu gắt, dễ nóng giận. Nhưng may mắn, mình luôn có anh bên cạnh động viên, an ủi”.