Chồng vô tâm vì nhà có người giúp việc
PNTĐ-Sự vô tâm của chồng em ngày càng nhiều hơn khiến vợ chồng luôn mâu thuẫn, cãi vã thường xuyên. Em phải giải quyết vấn đề này như thế nào?
Chúng em cưới nhau hơn 5 năm, hiện có hai con, một trai, một gái. Bố mẹ hai bên có điều kiện nên đã mua nhà cho vợ chồng em sống riêng sau khi cưới. Em ở nhà nội trợ chăm con, chồng em làm quản lý công việc kinh doanh của gia đình cùng bố mẹ. Ngay từ khi sống riêng, chúng em đã thuê giúp việc nhưng em nhận thấy, việc có người trong nhà đã khiến cho chồng em ngày càng vô tâm với gia đình. Sáng, anh ấy ra khỏi nhà, trưa có hôm ghé về ăn cơm, hôm nào bận việc thì đến bữa tối mới về. Ăn uống xong, anh ấy lại lên phòng riêng nghe nhạc, xem ti vi, chơi game giải trí. Nếu có thời gian rảnh là anh lại tụ tập với bạn bè, không quan tâm đến vợ con.
Đặc biệt là các con, anh chỉ chơi với chúng chốc lát rồi giao lại cho giúp việc và vợ. Thỉnh thoảng, con ốm đau, em muốn anh ấy ở nhà chăm sóc để động viên con, bố con gần gũi tình cảm. Nhưng anh toàn lấy lý do bận việc để đi tối ngày, hôm nào em bắt phải ở nhà thì anh cũng đùn đẩy việc cho bác giúp việc. Anh luôn cho rằng đã mất tiền thuê người giúp việc sao mình còn phải còng lưng ra làm, như vậy vừa mất tiền vừa mệt người. Quả thật, có giúp việc, em không vất vả nhưng luôn cảm thấy hẫng hụt vì không nhận được sự quan tâm chia sẻ của chồng. Sự vô tâm của anh cũng khiến cho các con không có nhiều tình cảm với bố. Bố đi đâu xa cả tháng chúng cũng không nhớ, ngược lại thấy nhớ bác giúp việc nhiều hơn. Em muốn cho giúp việc nghỉ để chồng quan tâm đến vợ con, nhưng không ai đồng ý. Sự vô tâm của chồng em ngày càng nhiều hơn khiến vợ chồng luôn mâu thuẫn, cãi vã thường xuyên. Em phải giải quyết vấn đề này như thế nào?
Trần Lê Hoài Thương (Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Lâu nay, nhiều nam giới vẫn bị ảnh hưởng bởi quan niệm việc nhà, chăm sóc con cái là của phụ nữ, đàn ông lo việc xã hội. Đặc biệt trong những gia đình có vợ ở nhà đảm nhiệm việc nội trợ, chăm sóc con cái, người chồng sẽ mặc nhiên xem đó là nhiệm vụ của vợ, cũng giống như họ đảm nhiệm việc đi làm kiếm tiền. Do vậy, họ có suy nghĩ “việc ai người đó làm”, và khi trong nhà có thêm người giúp việc thì cũng đồng nghĩa công việc của vợ đã được giảm tải. Người chồng theo đó không phải có nghĩa vụ phải chia sẻ, quan tâm đến công việc gia đình đó nữa. Họ có quyền nghỉ ngơi sau khi đi làm về. Vì thế, có nhiều người cha sinh con ra nhưng chưa một lần biết tắm rửa cho con, không biết cho con ăn như thế nào, chăm sóc, dạy dỗ con học hành ra sao. Bởi tất cả các công việc đó đã có vợ, người thân và giúp việc đảm nhiệm hết. Nam giới đã không biết rằng sự chia sẻ công việc chăm sóc con cái hàng ngày còn giúp tình cảm cha con thêm gắn bó. Tình cảm vợ chồng cũng tương tự như vậy.
Để giải quyết vấn đề này không còn cách nào khác là bạn phải đả thông tư tưởng để anh ấy hiểu rằng, người giúp việc chỉ có thể làm giúp được một số công việc chứ không thể làm thay vai trò của người chồng, người cha trong gia đình hàng ngày. Vì thế, anh ấy không thể ỷ lại hết vào giúp việc như thế. Bạn có thể đả thông bằng nhiều cách, chẳng hạn biết khéo léo “lấy bớt” một số phần việc của người giúp việc hàng ngày để chia cho chồng. Ví dụ bạn có thể thủ thỉ với anh ấy rằng, con trai giờ đã biết phân biệt giới tính và em muốn anh giúp em hàng ngày tắm rửa cho con. Những việc này mẹ và bác giúp việc làm không tiện, lúc hai bố con cùng tắm, anh có thể nói với con cách vệ sinh thân thể của đàn ông thế nào. Hay, hôm nay anh rảnh có thể đưa em đi chỗ nọ, chỗ kia…, mua thứ này, thứ khác… Cách nhờ vả kiểu nâng tầm quan trọng của anh ấy lên sẽ khiến cho anh ấy khó từ chối. Với tư cách là phái mạnh, người đàn ông bao giờ cũng có sẵn tâm lý che chở cho vợ con, chỉ là người vợ chưa biết cách đánh thức tâm lý đó của chồng.
Thu Vân