Chữ hiếu là sợi chỉ đỏ nối liền các thế hệ
(PNTĐ) - Trước khi khép lại Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?”, trong số báo này, Báo Phụ nữ Thủ đô đăng tải ý kiến tham gia của một số chuyên gia tâm lý, chuyên gia về giới... để có cái nhìn khách quan về chủ đề trên.

Trẻ cậy cha, già cậy con”: Hiểu sao cho đúng?
“Trẻ cậy cha, già cậy con” là một câu tục ngữ lâu đời, phản ánh triết lý sống của người Việt xưa - coi gia đình là gốc rễ, là nơi con người nương tựa suốt đời. Trong xã hội nông nghiệp truyền thống, hình ảnh tam đại, tứ đại đồng đường - ông bà, cha mẹ, con cháu cùng sống dưới một mái nhà - là mô hình lý tưởng. Khi ấy, người làm cha mẹ không chỉ chăm con mà còn chăm cháu, cống hiến cả đời cho đại gia đình với niềm tin rằng đến tuổi xế chiều, họ sẽ được con cháu phụng dưỡng như một phần tất yếu của đạo hiếu. Xét trong bối cảnh lịch sử, câu nói này phản ánh đúng hoàn cảnh xã hội xưa: Cha mẹ nuôi con bằng tất cả sức lực vì điều kiện kinh tế nghèo nàn, y học lạc hậu, đi lại khó khăn, còn người già thì không có hệ thống hưu trí hay chăm sóc y tế, buộc phải trông cậy vào con cái.
Tuy nhiên, câu nói “trẻ cậy cha, già cậy con” nếu chỉ hiểu theo nghĩa phụ thuộc đơn thuần lại bộc lộ những giới hạn. Từ “cậy” mang sắc thái bị động, dễ khiến cả hai thế hệ - người già và người trẻ - rơi vào cảm giác nặng gánh trách nhiệm hơn là tình nguyện sẻ chia.
Ngày nay, người trẻ được tiếp cận với giáo dục tốt hơn, có khả năng tự lập và không còn phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ như trước. Điều này giúp cha mẹ bớt lo lắng chuyện “nuôi con ăn học nên người”, có thêm điều kiện về tài chính và thời gian để chuẩn bị tuổi già một cách chủ động. Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng không còn bị bó hẹp trong khuôn khổ “già cậy con”. Với sự phát triển của y học, các thiết bị chăm sóc hiện đại và mô hình dưỡng lão chất lượng, họ có thể sống độc lập, vui khỏe, năng động và không trở thành gánh nặng cho con cháu.
Tuy vậy, trong sâu thẳm văn hóa Việt, chữ hiếu vẫn là sợi chỉ đỏ nối liền các thế hệ. Vì thế, “già cậy ai” không chỉ là câu hỏi hướng tới người cao tuổi, mà còn là tấm gương soi ngược lại từng người con.
Ths tâm lý Đỗ Như Hảo (Giám đốc điều hành Học viện Thành Công)

Quan niệm “già cậy con” còn tạo gánh nặng tâm lý khổng lồ
“Trẻ cậy cha, già cậy con” là một truyền thống lâu đời của nhân dân ta: Cha mẹ yêu thương che chở con cái, con cái lớn lên sẽ báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ mình. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, truyền thống báo hiếu này đang ít nhiều có những biến đổi. Một trong số đó là có những người vừa phải lo chăm sóc cha mẹ già yếu, vừa nuôi con nhỏ và kinh tế gia đình, mà trong tâm lý học, chúng tôi gọi bằng thuật ngữ “thế hệ bánh mỳ kẹp”. Họ thường ở độ tuổi 35-55, cùng lúc phải chăm sóc cha mẹ già yếu và con cái phụ thuộc, trong khi vẫn đang trong giai đoạn đỉnh cao của công việc và trách nhiệm tài chính. Thực tế đã cho thấy những người rơi vào hoàn cảnh này rất dễ chịu áp lực tâm lý nặng nề và lục đục vì kinh tế cạn kiệt.
Một nghiên cứu của Pew Research Center (2013) cho thấy: Gần 47% người Mỹ độ tuổi 40-59 đang đồng thời hỗ trợ tài chính cho cả cha mẹ và con cái. Ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam, nơi chữ hiếu được coi là trụ cột đạo đức, gánh nặng này càng trở nên sâu sắc. Câu nói “trẻ cậy cha, già cậy con” - vốn là biểu hiện của sự gắn bó liên thế hệ - trong hoàn cảnh hiện đại, đôi khi mang theo gánh nặng tâm lý khổng lồ.
Nhiều người trong hoàn cảnh này thường xuất hiện các triệu chứng của hội chứng kiệt sức do chăm sóc, bao gồm: Mệt mỏi mãn tính, mất năng lượng; cảm xúc tiêu cực như cáu gắt, bất lực, tội lỗi; rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng làm việc; tự tách biệt khỏi bạn bè, giảm gắn bó gia đình. Nếu không được hỗ trợ, người chăm sóc có thể bị trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc rối loạn tâm thần chức năng.
Tôi cho rằng, họ không đáng trách, mà đáng được thấu hiểu. Họ đang sống đúng với những giá trị đạo lý - nhưng trong một bối cảnh hoàn toàn khác với thế hệ trước. Vì thế, họ cần được hỗ trợ bằng nhiều cấp độ: Từ hỗ trợ tâm lý cá nhân đến hỗ trợ cộng đồng và nhóm. Việc tái cấu trúc trách nhiệm trong gia đình cũng rất quan trọng. Khi cha mẹ già, không nên để một người chăm sóc hoàn toàn. Ví dụ, một người phụ trách chăm sóc ban ngày, người khác lo kinh tế hoặc thay phiên vào cuối tuần, để mọi thành viên chia sẻ khó khăn, thống nhất lại trách nhiệm.
“Trẻ cậy cha, già cậy con” là một giá trị đẹp, nhưng trong xã hội hiện đại, để giá trị ấy không trở thành áp lực, chúng ta cần ứng xử với nó bằng hiểu biết tâm lý, có sự hỗ trợ thực tế, và một trái tim biết lắng nghe.
ThS Lê Thị Thanh Hà (Giảng viên Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2)
Hiếu thảo với cha mẹ già là bổn phận của con
Không có loại ân huệ nào trên thế giới có thể lớn hơn sự nuôi dưỡng của mẹ cha, không có tình yêu nào trên thế giới này lớn hơn tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Nhiều người con nghĩ rằng cha mẹ chưa già vì họ thấy cha mẹ vẫn còn sức khỏe. Nếu bạn cảm thấy bản thân có thể tự nuôi mình, mải mê công việc mà quên báo đáp công ơn cha mẹ, sớm muộn gì bạn cũng sẽ phải hối hận.
Khi bạn trở thành cha mẹ và nuôi dạy con cái của mình, bạn sẽ biết cha mẹ bạn đã nuôi dạy mình như thế nào trước đó. Hãy nhìn lại xem, bạn đã dành bao lâu để trò chuyện với bố mẹ mình? Đã bao lâu rồi bạn không được uống trà hay ăn cơm cùng cha mẹ… (?!). Khi cha mẹ già đi, cuộc sống sẽ ngày càng khó khăn hơn. Hãy giúp họ mặc quần áo, đắp chăn bông, rửa chân, đưa cha mẹ đi dạo... Chúng ta cứ lầm tưởng rằng kiếm được nhiều tiền sẽ giúp cha mẹ mình có một cuộc sống an nhàn những năm cuối đời. Thế nhưng điều họ cần lại không phải những thứ đó. Họ không cần cuộc sống quá cao sang về vật chất, mà điều họ cần là cảm giác an toàn, là chỗ dựa về tinh thần. Bạn phải nhớ rằng cha mẹ luôn trân trọng từng chút khi được ở cạnh bạn cũng như những người con khác của họ. Họ sẽ coi đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời.
Nếu cha mẹ có thể sống được 30 năm nữa, trung bình mỗi năm bạn sẽ về nhà 2 lần, mỗi lần 7 ngày! Nếu trừ đi thời gian ăn, ngủ và giải trí, bạn sẽ thấy rằng thực tế bạn chỉ có thể dành 72 giờ cho cha mẹ, chỉ có hơn 2.000 giờ trong 30 năm, tức là khoảng 3 tháng! Phải, cha mẹ bạn đã rất vất vả để nuôi bạn, nhưng bạn chỉ có 3 tháng để trả ơn cho họ.
Ngay từ bây giờ, hãy dành cho cha mẹ những sự quan tâm dù chỉ là nhỏ nhặt nhất có thể! Hãy tận hưởng mỗi ngày bên cha mẹ! Nếu bạn không bận, hãy trở về nhà để được gần gũi bên cha mẹ, nấu nướng các món ngon và ăn cùng cha mẹ. Nếu bạn không thể về nhà vì nhiều các lý do khác thì bạn cũng hãy gọi điện thoại mỗi ngày để nói chuyện, tâm sự cùng họ.
Thạch Bích Ngọc (Đại học Quốc gia, TP Hồ Chí Minh)