Chung tay phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đã đạt được, bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em vẫn đang là vấn nạn xã hội nhức nhối. Việc phòng ngừa, ứng phó đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

Chung tay phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em - ảnh 1
Nhiều nạn nhân của bạo lực, xâm hại là phụ nữ, trẻ em. Ảnh: Minh họa

18 năm bị chồng tra tấn tinh thần, thể xác
Chị M.L, quê Hà Nam, sinh năm 1980 sẽ không bao giờ quên được những tháng ngày cơ cực vì bị chồng tra tấn khủng khiếp. Chị L cho biết, chỉ hai ngày sau đám cưới (năm 2003) chị bàng hoàng phát hiện chồng mình nghiện ma túy, cờ bạc. “Khi yêu, anh ta ra vẻ bảnh bao, còn gia đình anh ta cũng giấu kín điểm xấu của con trai mình. Cưới tôi xong, anh ta lập tức công khai sự thật và bắt tôi đưa tiền để chơi bời, hút chích. Tôi không đáp ứng liền bị anh ta thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”. 

Nuốt nước mắt uất nghẹn, chị L nỗ lực đưa chồng đi cai nghiện với hy vọng chồng cai nghiện thành công thì hạnh phúc sẽ trở lại. Hai năm trời, chị ở nhà vò võ nuôi con. Song, lần nào lên thăm chồng, chị cũng bị anh ta dằn vặt, chửi bới, nghi ngờ chị ngoại tình. Lại nghĩ đến đứa con hãy còn quá nhỏ, chị L cắn răng chịu đựng.

Theo chị L, đó là quyết định sai lầm lớn nhất của chị. Bởi, sự tha thứ không đúng chỗ, đúng lúc chỉ kéo dài thêm bi kịch. “Hết thời gian cai nghiện trở về, anh ta vẫn thường xuyên bạo hành, nhẹ là tát, dúi cùi chỏ, nặng hơn là bóp cổ, đạp vào bụng tôi. Rồi anh ta còn quản thúc tôi bằng việc bắt phải cùng đi làm với anh ta. Tôi làm được bao nhiêu tiền, anh ta đều tịch thu hết”. 

Cuộc sống không có yêu thương, không niềm vui, không quan hệ xã hội, không kinh tế… đã khiến chị N rơi vào trạng thái trầm cảm. Nhiều hôm giữa đêm, chị bỏ nhà đi lang thang vô định. Hai lần chị quyết tâm thuê nhà ở riêng nhưng chồng chị mang con nhỏ ra dọa, buộc chị phải trở về. Chị lại cắn răng để chồng đánh, bóp cổ trong đêm mà không dám kêu la vì sợ các con phải chứng kiến bố bạo hành mẹ. 

Một ngày kia, chỉ vì một xung đột nhỏ, chị bị chồng túm tóc quấn quanh cột nhà, điện thoại cũng bị chặt đôi giữa đêm. Sáng hôm sau, lợi dụng lúc chồng không để ý, chị lén mượn điện thoại của người đi đường, gọi cho em gái cầu cứu. Nhờ đó mà chị được giải thoát kịp thời. Tính tới ngày dứt khoát ly hôn, chị đã trải qua 18 năm ròng rã chịu đựng bị bạo hành.

Nhận thức về bạo lực còn hạn chế
Có thể nói, trường hợp chị L, bị người chồng đầu gối tay ấp bạo hành không phải cá biệt. Ngoài những con số về tình trạng phụ nữ, trẻ em bị bạo hành đã nêu ở phần trên của bài viết, theo báo cáo kết quả thực hiện công tác gia đình của Sở Văn hóa và Thể thao, trên địa bàn Hà Nội có 387 vụ bạo lực gia đình trong 3 năm 2019-2021, trong đó bạo lực tinh thần chiếm 37%, bạo lực thân thể chiếm 59,7%; 119 vụ trọng án liên quan đến bạo lực gia đình; 87.215 vụ ly hôn trong 10 năm từ năm 2008-2018, trong đó có 19.520 vụ có yếu tố bạo lực về kinh tế, tinh thần, thể xác hoặc tình dục. Đối với trẻ em, theo báo cáo của Công an Thành phố Hà Nội, từ năm 2019-2021, đã phát hiện 315 vụ xâm hại 359 trẻ em, đã xử lý hình sự 298 vụ chiếm 94,6%, xử lý hành chính 8 vụ chiếm 2,54% và nổi lên là các hành vi xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ lớn 81,6%, các vụ việc bạo hành gia đình chiếm tỷ lệ nhỏ song hậu quả nghiêm trọng đã có trường hợp dẫn tới tử vong. 

Đáng lo ngại hơn là tính chất của các loại bạo lực này ngày càng nghiêm trọng. Có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào, kể cả trên không gian mạng. Thủ phạm là bất kỳ ai, trong nhiều vụ án nghiêm trọng thủ phạm lại chính là người thân trong gia đình, để lại hậu quả khôn lường cho cá nhân người bị bạo lực, gia đình và gây bức xúc dư luận xã hội. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các hình thức bạo lực xảy ra nhiều hơn. Theo “Nghiên cứu về tác động của Covid-19 tới bạo lực gia đình với phụ nữ tại Hà Nội” của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và trường Đại học Y tế Công cộng khảo sát trên 300 phụ nữ bị bạo lực ở Hà Nội năm 2020, phần lớn phụ nữ cho rằng họ bị tần suất các hình thức bạo lực nhiều hơn: 84% phụ nữ cho biết các hành vi kiểm soát xảy ra nhiều hơn; 72% phụ nữ báo cáo họ bị bạo lực kinh tế nhiều hơn; 91% phụ nữ báo cáo họ bị bạo lực tinh thần nhiều hơn; 93% phụ nữ báo cáo tần suất xảy ra bạo lực thể xác nhiều hơn, trong số đó 56% đã từng trải qua bạo hành nhiều hơn 5 lần; 79% phụ nữ báo cáo rằng bị bạo hành tình dục nhiều hơn. 

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tại Hà Nội, Ngôi nhà Bình yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tiếp nhận, hỗ trợ 74 trường hợp, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020. Bạo lực gia đình gồm 4 dạng: Bạo lực tinh thần, bạo lực thể xác, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục. Ở Ngôi nhà Bình yên đã tiếp nhận nạn nhân thuộc cả 4 dạng bạo lực đó. Các nạn nhân không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, trong đó có nạn nhân mới chỉ vài tháng tuổi đã được đi theo mẹ đến Ngôi nhà Bình yên, có nạn nhân đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”. Nhiều nạn nhân đi lánh nạn với những vết thương nặng nề về thể xác, có nạn nhân lại bị sang chấn tâm lý, trầm cảm. 

Đánh giá của Hội LHPN Hà Nội cho thấy, mặc dù tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em đang diễn biến phức tạp, nhưng nhận thức và kỹ năng phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em của nạn nhân, cộng đồng còn hạn chế. Các cuộc điều tra, các báo cáo đều cho thấy phụ nữ và nam giới còn nhận thức về việc chồng có quyền đánh vợ vì một lý do nào đó, vợ phải nghe lời chồng và khi bị bạo lực thì phần lớn phụ nữ không kể cho ai và không tìm đến các dịch vụ hỗ trợ; trẻ em bị xâm hại chủ yếu là trẻ em gái, nhận thức còn hạn chế, chưa đủ khả năng tự bảo vệ mình.

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.