Cô bé tật nguyền viết ước mơ bằng...chân

Chia sẻ

Dù không có tay nhưng Nguyễn Như Linh (SN 2010, trú tại xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn có thể làm mọi việc bằng đôi chân bé nhỏ của mình. Những tấm bằng khen, giấy khen về thành tích học tập… treo kín góc học tập là bằng chứng cho nỗ lực phi thường của bé.

Trong căn nhà mái bằng ở xã Thượng Lâm, Như Linh vừa mới đi học về, đang hỗ trợ bà ngoại chăm sóc em gái vừa 5 tháng tuổi. Chị Nguyễn Thị Như Nương (sinh năm 1989, mẹ Linh) đang đón em gái của Linh. Linh cho biết, đây là buổi học trực tiếp đầu tiên ở trường sau một thời gian học online dài nên cô bé vô cùng hào hứng.

Chị Nương đón con gái thứ hai đi học về rồi vội lúi cúi vào bếp nấu cơm. Thấy mẹ bận rộn, Linh cũng tập tễnh dùng đôi tay chỉ còn phần khuỷu tay cầm chổi dọn nhà, xếp gọn đồ. Cũng với dáng đi lệch vẹo, khấp khểnh ấy, Linh dùng chân mở balo học tập và soạn lại một số sách vở để chiều ôn bài... Linh tự tin: “Em có thể làm được nhiều việc như vệ sinh cá nhân, ăn uống và giúp đỡ bố mẹ việc nhà hay chơi một số trò chơi với các bạn”.

Dù không có tay, bé Linh vẫn có thể tự viết bằng đôi chân bé bỏng của mình 	Ảnh: Q.AnDù không có tay, bé Linh vẫn có thể tự viết bằng đôi chân bé bỏng của mình Ảnh: Q.An

Chị Như Nương kể, chị kết hôn với anh Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1986) năm 2007. Năm 2010, chị mang thai bé Linh. Vợ chồng chị cũng theo dõi thai kỳ rất cẩn thận, siêu âm và thăm khám nhiều lần, kết quả vẫn bình thường. Đến khi thai tháng thứ 8, trong một lần đi khám tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị bàng hoàng khi bác sỹ thông báo thai nhi dị tật, không có hai cánh tay. “Lúc đó, thai đã lớn, hai vợ chồng dù rất sốc song vẫn thống nhất dù thế nào cũng chào đón con ra đời” - chị Nương kể.

Dù đã chuẩn bị kỹ tâm lý, song vợ chồng chị Nương vẫn bị sốc khi nhìn thấy con không có hai tay, bàn chân trái chỉ có 4 ngón và rau bám tràn một bên mặt. Nhìn con, chị Nương khóc cạn nước mắt. Anh Tuấn nén nỗi đau để động viên vợ, thức trắng trông con ở bệnh viện, mong con qua khỏi nguy kịch. “Con bé chào đời nặng 2,7kg, nhưng thể trạng yếu ớt, thường xuyên bị viêm phổi nặng, đôi chân sưng phồng ở các khớp gối.

Chúng tôi thường xuyên phải đưa con điều trị tại bệnh viện, cắt rau bám trên mặt, mổ đặt đinh vít ở các khớp gối chân, điều trị viêm nhiễm đường hô hấp… Thời gian đó, con ở viện nhiều hơn ở nhà. Tiếng khóc của con khi chịu đựng cơn đau như dao cắt vào lòng cha mẹ. Vì thương con, vợ chồng động viên nhau còn nước còn tát. Lúc đó, chỉ mong con khoẻ mạnh, chứ không nghĩ con sẽ biết đi, biết viết và có thể đi học…” - chị Nương nhớ lại.

Năm 2 tuổi, dù chân bị khèo, thiếu ngón, nhưng Linh đã tự vịn đứng dậy. Đôi tay cụt ngũn nắm vào chiếc ghế nhựa tập đi. Mỗi khi muốn di chuyển, Linh phải lết mông trên nền đất khiến quần áo rách bươm. Suốt ngày em chẳng được đi đâu chơi, cứ quanh quẩn trong bốn bức tường đến cô quạnh. Hai vợ chồng chị phải thay phiên nhau nghỉ việc để đưa con ra ngoài chơi, khám phá và tìm sự tự tin, vượt qua bệnh tật. “Hồi mới tập đi, Linh ngã nhiều lắm, nhưng cứ ngã xong, khóc òa rồi chờ bớt đau, con lại vịn đứng lên tập tiếp. Nhìn con chập chững những bước đi đầu tiên, cả gia đình đều lặng đi vì xúc động, không ai dám tin con có thể làm được điều kỳ diệu ấy” - bà Nguyễn Thị Nghi, bà ngoại Linh ngồi cạnh cũng nhớ lại.

Bằng nghị lực và khát vọng sống phi thường, Linh đã khiến mọi người bất ngờ. Chị Nương kể, 3 tuổi, Linh được đến trường mầm non với các bạn. Các cô giáo đã dạy con những nét vẽ đầu tiên. Cũng từ đó, nhen nhóm trong lòng cô bé là niềm đam mê viết chữ và vẽ. Lên lớp 1, được đến trường cùng các bạn, Linh bắt đầu học viết chữ, học toán. “Con bé thông minh, luôn quan sát xung quanh, thấy ai làm gì cũng đều bắt chước làm bằng được. Các trò nghịch của tụi trẻ ở lớp hay ở nhà, từ chơi trốn tìm, xếp hình, đạp xe, thậm chí cả nhảy dây với các bạn hàng xóm, Linh đều hào hứng tham gia. Con bé nghịch lắm, không bó sót trò chơi nào” - bà Nghi cho biết.

Chẳng những có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình, cô bé còn có thể làm được tất tật mọi thứ cho mình, từ vệ sinh cá nhân đến xếp quần áo, quét nhà phụ mẹ, tập đi xe đạp và viết chữ rất đẹp. Cô bé cũng không bao giờ mặc cảm về bản thân mà luôn vui vẻ, hoà đồng và tự tin.

Đồng hành cùng con gái trong quá trình “tự lập”, học viết bằng chân, chị Nương cho biết, thời gian đầu bé học viết chữ bằng chân nên đôi chân mỏi lắm, có lúc sưng phồng, chị phải xoa bóp, mát xa chân cho con suốt. Chị cũng là người bạn đồng hành, giúp con gái tự tin và có thể tự làm mọi việc. Dù đã trải qua lớp học mầm non và có thể viết chữ bằng chân, nhưng khi vào lớp 1, ai cũng lo lắng và nghĩ Linh không theo được các bạn. Song, năm nào học lực của cô bé cũng đứng đầu lớp. Đặc biệt, dù viết bằng chân nhưng chữ của Linh rất đẹp và được chọn thi viết chữ đẹp của trường. Hiện Linh 12 tuổi, học lớp 6 trường Trung học cơ sở Thượng Lâm. Em học giỏi tất cả các môn, tham gia các cuộc thi học sinh giỏi trường.

Chị Như Nương kể, có nhiều bài văn, Linh phải viết đến 4-5 trang giấy khiến đôi chân bị đau nhức, mệt mỏi. Vợ chồng chị thay nhau xoa bóp để đôi chân con mỗi tối không bị co quắp, chuột rút. Chị cũng khuyên con nếu mệt thì nghỉ nhưng con ham học, có hôm, bé học đến 2-3 giờ sáng mới đi ngủ.

Vượt qua những khiếm khuyết của bản thân, cô bé Linh trở thành tấm gương sáng về nghị lực sống cho rất nhiều thế hệ trên quê hương Mỹ Đức. Em cũng là một trong những trường hợp hiếm hoi vinh dự 2 lần được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức vì đã có thành tích vượt khó vươn lên trong học tập và nhiều giấy khen khác về thành tích học tập, được mọi người ngưỡng mộ.

Q.AN - HÀ LAN

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.