Con cái bị xâm hại quyền lợi khi bố mẹ sống ly thân

Chia sẻ

Khi hôn nhân có vấn đề, thay vì ly hôn, một bộ phận vợ chồng đã chọn giải pháp sống ly thân. Sau thời gian ly thân, có vợ chồng gắn kết lại hạnh phúc, nhưng cũng có những cặp vợ chồng kéo dài cuộc sống đồng sàng dị mộng khiến con cái bị xâm hại quyền lợi, thiệt thòi trong cuộc sống.

1Tại Văn phòng Tâm Giao (Báo Phụ nữ Thủ đô), chị Lê Hải Y (29 tuổi, trú tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) ngậm ngùi kể về cuộc sống chật vật của 3 mẹ con hiện nay, trong khi chồng chị vẫn ung dung sống bên ngoài. Chị Y kể, hai vợ chồng chị đều là người Phú Thọ, xuống Hà Nội tìm việc mưu sinh. Chồng chị làm nhân viên của một hãng ôtô lớn, còn chị làm tư vấn bán bảo hiểm nhân thọ. Họ kết hôn năm 2011 và hiện có hai con gái. Gần 5 năm trở lại đây, cuộc sống hôn nhân của họ có vấn đề khi gia đình chồng muốn có cháu trai nối dõi, bởi anh là con một.

Bố mẹ chồng chị nhiều lần đánh tiếng nói con dâu không làm tròn trách nhiệm thì phải để chồng ra ngoài “tìm con trai”, nếu không thì ly hôn. Hạnh phúc nổi giông bão khi anh cũng có tư tưởng giống bố mẹ. Tuy nhiên, việc sinh đẻ của chị không thể tiếp tục vì sau khi sinh con gái thứ hai, chị bị u xơ phải cắt bỏ buồng trứng.

Mẫu thuẫn hôn nhân ngày một lớn, chồng chị đề nghị ly hôn nhưng chị không đồng ý vì không muốn tan đàn xẻ nghé. Giải pháp cuối cùng là vợ chồng ly thân, chị sống với hai con, còn anh chuyển ra ngoài.

- Trong quá trình ly thân, anh ta không ít lần đi tìm “đối tác” sinh con nối dõi, nhưng đến giờ mong ước đó vẫn chưa thành hiện thực. Tuy nhiên điều tôi muốn nói là trách nhiệm của anh ta đối với hai đứa con gái. Công việc bán bảo hiểm của tôi không thuận lợi như trước, thu nhập giảm lại thêm dịch bệnh Covid-19, vì thế từ ngày sống ly thân cuộc sống của ba mẹ con tôi gặp nhiều khó khăn. Chồng tôi không đoái hoài tới các con, không thực hiện nghĩa vụ làm cha chu cấp cho con hàng tháng mà bỏ mặc tôi xoay sở - chị Y kể.

Trong thời gian dịch bệnh, hai đứa con phải học online ở nhà, cần có máy tính dùng. Chị nhiều lần liên lạc với chồng, bảo anh hỗ trợ tiền mua sắm đồ dùng học tập cho con, nhưng anh vẫn làm ngơ. Chị đã phải vay mượn để mua máy tính cho các con.

Cứ thế, những món nợ chị vay mượn để trang trải cuộc sống của ba mẹ con ngày một nhiều bởi sự vô trách nhiệm của anh. Theo chị Y, từ ngày vợ chồng sống ly thân, hai đứa con gái không chỉ chịu thiệt thòi về vật chất, mà về mặt tình cảm, chúng cũng không nhận được sự quan tâm, yêu thương của bố. Lâu nay,các con chị có cha mà sống chẳng khác gì trẻ mồ côi…

Tại Văn phòng Tâm Giao, chị Y hỏi về “thủ tục” để kiện chồng, đòi tiền cấp dưỡng nuôi con. Bởi chị không muốn hai đứa trẻ tiếp tục bị thiệt thòi nếu vợ chồng chị tiếp tục sống ly thân lâu dài.

Con cái bị xâm hại quyền lợi khi bố mẹ sống ly thân - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

2 Chị Y không phải là trường hợp duy nhất tìm đến Văn phòng Tâm Giao xin tư vấn thủ tục “kiện chồng” về việc bỏ bê trách nhiệm với con cái khi vợ chồng ly thân. Cùng cảnh ngộ, chị Mai Thị Q (nhân viên bán hàng siêu thị, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hạnh phúc hôn nhân của vợ chồng chị đứng bên bờ vực thẳm hơn 3 năm nay. Biết không thể níu kéo, nhiều lần chị Q đề nghị chồng ly hôn.

Trước khi ra gửi đơn ra Toà, chị thoả thuận việc nuôi dưỡng con. Theo đó, chị muốn được nuôi con út còn bé, chồng chị sẽ đảm nhiệm nuôi hai đứa lớn. Vì anh làm ra kinh tế, làm việc trong môi trường giáo dục, nếu sống với bố, hai con sẽ có điều kiện học tập hơn. Thế nhưng, chồng chị không đồng ý với lý do một mình anh không thể nuôi hai con và chỉ chấp nhận nuôi dưỡng một đứa.

Do không thống nhất được việc nuôi con nên họ dừng lại chuyện ly hôn mà chuyển sang sống ly thân để tránh mâu thuẫn hàng ngày. Chồng chị ra ngoài thuê nhà, còn bốn mẹ con vẫn ở lại căn nhà cũ. Cứ nghĩ, dù sống ly thân nhưng chồng chị sẽ phải có trách nhiệm đóng góp để nuôi con như trước đây. Thế nhưng từ lúc chuyển đi, anh bỏ mặc con cái cho chị. Mỗi khi chị gọi điện thắc mắc chuyện đóng góp nuôi con, chồng chị đều bảo tất cả tài sản, nhà cửa anh đều để lại cho mấy mẹ con hết. Hiện tại, anh ta phải thuê nhà sống nên không đủ điều kiện để “cấp dưỡng” nuôi con.

Chị Q cho biết, mang tiếng là tất cả tài sản đều để lại cho chị. Nhưng thực tế, căn nhà chỉ vỏn vẹn 30m2 cùng với một số đồ dùng không mấy giá trị. Chừng ấy tài sản cùng với thu nhập của một nhân viên bán hàng siêu thị, chị không thể đảm đương cùng lúc nuôi 4 mẹ con. Vì thế, chị cần chồng trợ giúp để nuôi các con, nếu không chị sẽ phải kiện anh để phân xử trách nhiệm nuôi con cho rõ ràng.

3 Luật Hôn nhân gia đình quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con cái. Theo đó, cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập; trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên… Đồng thời, con có quyền được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức. Do đó, khi sống ly thân, vợ chồng vẫn phải có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái cùng nhau.

Hiện nay, vấn đề cấp dưỡng nuôi con khi cha mẹ không sống chung cùng nhau được quy định trong luật khi vợ chồng ly hôn; còn trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con khi vợ chồng sống ly thân chưa được quy định. Do đó, xét về nghĩa vụ, vợ chồng vẫn phải có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái theo đúng quy định của pháp luật trong thời kỳ tồn tại hôn nhân.

Trên góc độ pháp luật, việc kiện đòi bồi thường lại số tiền cấp dưỡng nuôi con trong thời kỳ ly thân là không thể thực hiện được vì pháp luật chưa quy định. Đây là “kẽ hở” của pháp luật khiến cho một bộ phận cha/mẹ trốn tránh trách nhiệm của mình đối với con cái. Và cũng là bất cập lớn của tình trạng ly thân tồn tại lâu nay, gây thiệt thòi lớn cho con cái, nhức nhối trong đạo đức gia đình, xã hội. Do đó, Luật cần được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.

THU GIANG

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.