Con cái không nhất thiết phải sống chung với cha mẹ
PNTĐ-Đọc câu chuyện của gia đình bà Ngân, tôi không ủng hộ quan niệm và cách đối xử với con cái của bà.Theo tôi, con cái không nhất thiết cứ phải sống chung với bố mẹ mới là có hiếu.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tôi năm nay 26 tuổi đang chuẩn bị lập gia đình và cũng có ý định ra ngoài sống riêng sau khi cưới vợ. Từ thực tế của gia đình mình, tôi nghĩ thể hiện lòng hiếu với bố mẹ là làm thế nào để bố mẹ và con cái đều có cuộc sống yên vui, chứ không phụ thuộc vào chuyện sống chung.
Bố mẹ tôi sinh được hai người con trai và cũng luôn suy nghĩ sẽ sống chung với một trong hai anh em tôi khi về già. Do đó, tiêu chí lấy vợ của anh em tôi là phải tìm được một cô gái hợp với bố mẹ trước, như vậy mới mong có sự hòa thuận khi sống chung cùng nhau. Tôi đã từng chứng kiến không ít lần anh trai chia tay bạn gái chỉ vì chị ấy bị bố mẹ chê. Cái sự chê đó chỉ tập trung quanh mấy điều: không biết nội trợ, quá hiện đại, xa rời nếp nhà truyền thống… Kết quả là phải đến năm 32 tuổi, anh trai tôi mới cưới được vợ có những tiêu chí được bố mẹ “ưng mắt, ưng bụng”. Ai cũng nghĩ cuộc sống của vợ chồng anh và bố mẹ tôi sẽ “cơm lành canh ngọt” lâu dài khi mọi người đã có thiện cảm ban đầu về nhau.
Nhưng cũng như gia đình bà Ngân, cuộc sống chung của bố mẹ tôi với vợ chồng anh trai chỉ vui vẻ được một thời gian đầu, sau đó bắt đầu lủng củng. Nguyên nhân xuất phát từ sự khác biệt giữa cách sống của hai thế hệ già - trẻ. Bố mẹ tôi muốn những bữa cơm gia đình đầy đủ các thành viên nhưng vợ chồng anh trai không thể thực hiện điều đó một cách chỉn chu. Bởi anh chị có những mối quan hệ làm ăn, xã giao, bạn bè bên ngoài, có những thời điểm họ không thể duy trì bữa cơm gia đình đầy đủ theo ý bố mẹ. Vậy là bố mẹ tôi giận dỗi, trách móc vợ chồng anh không quan tâm, không tôn trọng ông bà.
Mẹ tôi lúc nào cũng so sánh con dâu nhà khác với con dâu nhà mình khiến chị dâu tôi nhiều lần bất bình. Đến khi chị dâu sinh con, mâu thuẫn lại tiếp tục phát sinh. Mẹ tôi chăm sóc cháu và con dâu theo kinh nghiệm của bản thân và dân gian; còn chị dâu tôi lại thiên về khoa học. Vì vậy, ngay trong tháng ở cữ, mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu trở nên căng thẳng. Tương tự chuyện chăm sóc em bé sau này cũng vậy khiến giữa mẹ chồng - nàng dâu luôn tồn tại một cuộc chiến ngầm.
Dần dần, vợ chồng anh khục khặc với bố mẹ nhiều hơn. Nhiều lần quá bức xúc trước sự vô lý của mẹ, anh cãi lại bằng thái độ hỗn hào khiến bố tôi tức giận. Ông cho rằng con trai nghe vợ nên không còn tôn trọng bố mẹ, cứ thế mắng chửi anh nhiều hơn. Có những hôm uống say bên ngoài về, anh đập bàn ghế, ném vỡ bát đũa vì tức vợ, giận bố mẹ. Kết quả, anh trở thành đứa con trai bất hiếu trong mắt bố mẹ tôi. Cuối cùng không thể chịu đựng nổi cuộc sống căng thẳng ấy, vợ chồng anh dọn ra ngoài sống riêng.
Thời gian đầu sống riêng, mỗi lần vợ chồng anh về thăm nhà, bố mẹ không nhìn mặt nhưng rồi tình yêu thương với đứa cháu đã khiến họ dẹp bỏ dần lòng tự ái và sự cố chấp đối với con cái. Vợ chồng anh tôi cũng mượn đứa con để lấy lại tình cảm tốt với ông bà. Cuối tuần, lấy cớ đưa con về thăm ông bà, anh trai và chị dâu mua đồ về nấu nướng liên hoan cuối tuần rất vui vẻ. Lúc nào anh trai bận thì một mình chị dâu đưa con về. Vào các ngày lễ Tết, họ lại mua quà “mượn danh” cháu tặng ông bà. Về tinh thần và vật chất, vợ chồng anh đều quan tâm đầy đủ cho bố mẹ. Có lẽ không còn cảnh va chạm hàng ngày nên giữa vợ chồng anh và bố mẹ tôi tránh được những mâu thuẫn, xích mích. Giờ thì chị dâu tôi đã trở thành con dâu hiền thảo trong mắt mẹ tôi, anh trai vẫn là người con có hiếu.
Vì thế, tôi nghĩ bà Ngân không nên nặng nề chuyện con trai không sống chung với bố mẹ khi về già mới là có hiếu. Cha mẹ đừng nghĩ con cứ sống riêng là bất hiếu, để rồi có những hành xử không phải với con cháu, gây nên những đổ vỡ tình cảm không đáng có.
Nguyễn Văn Quyết
(Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
(Bắc Từ Liêm, Hà Nội)