Con gái không chốn dung thân vì cha mẹ “bỏ quên” quyền thừa kế

Chia sẻ

Con gái không được cha mẹ đẻ cho tài sản, còn gia đình chồng từ chối để lại tài sản thừa kế cho con dâu. Sự bất bình đẳng trong quyền thừa kế đang khiến một bộ phận con gái lâm vào cảnh không chốn dung thân khi cuộc sống gặp bất trắc.

Con gái không chốn dung thân vì cha mẹ “bỏ quên” quyền thừa kế - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

Không được hưởng tài sản thừa kế: cha mẹ mất Con gái ra đường

Rất cảm ơn báo Phụ nữ Thủ đô đã đưa vấn đề này ra thảo luận để mọi người, nhất là các bậc làm cha mẹ rút kinh nghiệm và thêm bài học trong việc phân chia tài sản cho con cái. Bởi sự không công bằng của cha mẹ trong vấn đề này sẽ đẩy con cái mình vào bi kịch, đặc biệt với những cô con gái không may mắn trong hạnh phúc riêng.

Thực tiễn từ gia đình tôi là một ví dụ điển hình. Cha mẹ tôi sinh được hai con gái, một con trai. Tôi là con gái cả, em gái thứ bị khuyết tật ở chân và cậu em trai út. Lớn lên, tôi lấy chồng, xây dựng hạnh phúc riêng, còn em gái do hình thức bị khiếm khuyết nên sống cảnh quá lứa lỡ thì cùng cha mẹ và em trai. Sau đó, cha mẹ tôi già yếu lần lượt mất đi, mảnh đất cùng ngôi nhà đang ở là tài sản duy nhất thì họ mặc định để lại cho con trai út. Sau khi cha mẹ tôi mất, em trai tôi chuyển quyền sở hữu sổ đỏ mảnh đất và ngôi nhà sang tên mình. Em gái tôi vẫn ở cùng vợ chồng em trai út như trước.

Cách đây một năm, vợ chồng em trai tôi bán mảnh đất đang ở để mua một căn nhà khác, số tiền còn lại dùng làm vốn đầu tư kinh doanh. Bấy giờ cuộc sống mâu thuẫn nên vợ chồng em trai út không muốn chị gái quá lứa lỡ thì sống cùng nữa. Bỗng chốc, em gái tôi không chốn dung thân vì không có chỗ ở. Bởi số tiền bán đất của cha mẹ để lại, em trai cũng không chia cho chị gái một đồng nào. Em trai tôi cho rằng đó là tài sản thừa kế của riêng mình, chị gái không được cha mẹ chia nên không được hưởng.

Tôi không thể đưa em gái về sống cùng mình vì đang sống cùng bố mẹ chồng, nhà cửa chật chội. Cuối cùng, em gái tôi phải dọn ra ngoài thuê trọ ở, mỗi tháng tôi phụ giúp một ít. Với thu nhập 2,5 triệu đồng từ công việc dọn dẹp vệ sinh cho một công ty, cuộc sống của em gái tôi rất vất vả. Thiết nghĩ, nếu cha mẹ tôi công bằng trong việc để lại tài sản thừa kế cho con trai và con gái thì cuộc sống của em gái tôi cũng không đến nỗi không chốn dung thân như ngày hôm nay.

Câu chuyện này không chỉ diễn ra duy nhất trong gia đình tôi, mà trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều trường hợp tương tự. Tại sao cùng là con cái do mình sinh ra, nhưng con trai thì cha mẹ có "trách nhiệm" lo nhà cửa, tài sản, còn con gái thì lại bị "bỏ quên" quyền được hưởng tài sản thừa kế trong gia đình? Những cô gái sinh ra bị thiệt thòi về hình thức, sức khỏe như em gái tôi, thay vì được cha mẹ "ưu ái" hơn trong việc phân chia tài sản thừa kế để hỗ trợ cuộc sống sau này, thì lại bị họ bỏ lại phía sau, không chốn dung thân khi cha mẹ mất đi.

Nguyễn Thị Mai Loan
(Đông Triều, Quảng Ninh)

Con dâu may rủi hưởng tài sản nhà chồng

Lâu nay, cha mẹ vẫn cho rằng "con gái là con người ta", lấy chồng thì hưởng phước bên nhà chồng. Vì vậy, họ không để lại tài sản thừa kế cho con gái. Nhưng, họ lại không biết rằng con gái được hưởng tài sản bên nhà chồng hay không lại phụ thuộc vào độ may rủi của hôn nhân.

Pháp luật quy định, khi kết hôn, vợ chồng có quyền bình đẳng trong việc sở hữu tài sản chung. Và để đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ khi hôn nhân có vấn đề, nếu ly hôn, họ được chia một nửa tài sản chung đó. Thế nhưng, thực tế, không ít cha mẹ đã phân định rõ ràng tài sản riêng cho con trai khi kết hôn. Vì thế, trong khối tài sản mà cha mẹ chồng để lại cho con trai thừa kế, con dâu vẫn không được thừa hưởng nếu như người chồng không nhập tài sản riêng đó thành tài sản chung. Khi hôn nhân không hạnh phúc, phải ly hôn, người vợ không được chia số tài sản mà cha mẹ chồng để lại. Nhiều phụ nữ khi ly hôn lâm vào cảnh không chốn dung thân, tay trắng, vì trở về nhà cha mẹ đẻ không có chỗ, còn tài sản nhà chồng lại không được hưởng.

Trường hợp em gái chồng tôi là ví dụ điển hình. Cha mẹ chồng tôi có hai con trai, một con gái. Khi ông bà mất, di chúc để lại mảnh đất cùng ngôi nhà hiện có cho hai con trai, còn cô con gái đã lấy chồng nên không có phần. Sau đó, chồng tôi và em trai đã chia đôi mảnh đất đó xây dựng nhà để ở, anh em sống kiến giả nhất phận. Cô em chồng kết hôn 6 năm thì hôn nhân đổ vỡ. Khi ly hôn, cô không được chia tài sản bên nhà chồng do ngôi nhà đang ở là tài sản riêng bố mẹ chồng cho con trai. Số tài sản cô tạo dựng, đóng góp thêm hầu như không có vì bao nhiêu năm nay ở nhà nội trợ. Tài sản chung của hai vợ chồng chỉ có đồ dùng sinh hoạt (giá trị thấp) trong nhà. Ly hôn xong, cô chỉ có vỏn vẹn 10 triệu - số tài sản chung được chia từ cuốn sổ tiết kiệm 20 triệu đồng mà chồng đưa cho cô giữ mấy năm nay.

Những người như em chồng tôi, nếu không có anh em bảo bọc yêu thương hỗ trợ thì sẽ trở thành người không chốn dung thân sau khi rời khỏi nhà chồng. Vì thế, nếu cha mẹ cứ quan niệm, con gái lấy chồng sẽ hưởng tài sản nhà chồng, không có quyền hưởng tài sản của cha mẹ đẻ là sai lầm. Quan niệm này sẽ khiến con gái họ thiệt thòi cả hai bên. Bởi không phải con dâu nào cũng may mắn được nhà chồng cho hưởng tài sản thừa kế, và người chồng nào cũng rộng lượng nhập tài sản riêng của mình thành tài sản chung. Nếu phụ nữ không có sự tích lũy tài sản cho bản thân, họ sẽ thiệt đơn thiệt kép trong vấn đề hưởng tài sản thừa kế từ cha mẹ.

Nguyễn Thu Uyên
(Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

(PNTĐ) - Ly hôn là giải pháp cuối cùng cho một cuộc hôn nhân không còn tiếng nói chung. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng trẻ, khi mới chỉ xảy ra mâu thuẫn nhỏ nhặt, thay vì tìm cách hàn gắn  hạnh phúc, ngồi lại với nhau để tìm giải pháp thì lại vội vã chọn ly hôn...