Con hư vì tiền mừng tuổi?

Chia sẻ

Chuyện trẻ xem tiền mừng tuổi là “tài sản riêng” giữ lại tiêu xài không muốn để bố mẹ quản, rất phổ biến sau mỗi dịp Tết. Kéo theo đó là những “cuộc chiến” quản tiền mừng tuổi của con đầy nan giải trong các gia đình.

Ngày nay, nhiều trẻ nhận được phong bao mừng tuổi có mệnh giá lớnNgày nay, nhiều trẻ nhận được phong bao mừng tuổi có mệnh giá lớn (Ảnh: minh họa)

Sốc vì con dùng tiền mừng tuổi chơi lô đề, nghiện game

Chị Lê Thu Hiền (Đống Đa, HN) kể về "cú sốc" khi phát hiện con trai học lớp 7 trở thành "mọt game" sao nhãng học hành bởi số tiền mừng tuổi trong dịp Tết. Tết năm nào, con trai chị cũng nhận được một số tiền mừng tuổi khá lớn từ người thân. Vì con còn nhỏ nên chị thường mua heo đất để con bỏ tiết kiệm. Cuối năm, chị "mổ heo" rồi gửi ngân hàng cho con. Năm ngoái, con trai chị lên lớp 7, số tiền mừng tuổi của con vẫn được đút heo đất như mọi năm. Đúng thời điểm dịch bệnh, con nghỉ ở nhà học trực tuyến, đó cũng là khoảng thời gian con trai chị được sử dụng máy tính cả ngày, lẫn đêm. Anh chị cứ ngỡ con sử dụng máy tính để học tập nên không kiểm soát chặt.

Nhưng đến khi cô giáo gọi điện thông báo con học hành chểnh mảng, thường xuyên không vào lớp học trực tuyến, hoặc có vào học nhưng trong tình trạng tắt mic, tắt camera khiến cô khó kiểm soát. Qua một phụ huynh khác trong lớp, chị mới biết con thường xuyên chơi game, còn nộp tiền game cho các bạn cùng chơi với mình. Chị nhờ người kiểm tra tài khoản game của con và tá hỏa khi biết con đã nhiều lần nạp số tiền lớn để chơi game online. Điều tra tiếp, chị càng sốc khi biết toàn bộ số tiền tiết kiệm trong heo đất đã bị con dùng nhíp moi ra dần dần để mua thẻ điện thoại nộp vào tài khoản game. Đập heo đất, chị nhẩm tính sơ qua số tiền 30 triệu đã bị con trai rút không còn một đồng nào.

Vị phụ huynh cùng lớp của con còn tố rằng, con trai chị còn mách chiêu rút tiền heo đất tiết kiệm tiền mừng tuổi để mua thẻ điện thoại nộp vào tài khoản game cho nhiều bạn bè trong lớp. Vị phụ huynh đó tình cờ phát hiện ra con mình đang rút tiền mới phát hiện ra sự thật động trời của đám trẻ.

Anh Trần Lê Minh (Hà Đông, Hà Nội) kể về cậu con trai 11 tuổi sa vào tệ nạn lô đề cũng từ món tiền mừng tuổi vào dịp Tết. Lâu nay, anh chị vẫn giữ hộ tiền mừng tuổi của con. Nhưng, khi con trai vào cấp 3 thì không còn đưa tiền mừng tuổi cho bố mẹ mà đòi giữ để chi tiêu cá nhân. Nghĩ con cũng cần có tiền phòng thân khi để sửa xe, uống nước khi đi học nên anh chị đồng ý. Không ngờ, một lần ngồi chơi ở quán trà đá gần cổng trường, con trai anh bị bạn bè rủ chơi lô đề. Ban đầu, vì tò mò nên nó đánh vài ngàn cho vui, nhưng sau đó thì bị lôi kéo ham mê luôn. Số tiền mừng tuổi sau Tết nhanh chóng được lấy ra "làm vốn" đánh lô đề. Chơi hết tiền, nó còn tìm cách trộm tiền mừng tuổi trong heo đất của em để chơi tiếp.

Đau đầu vì con muốn giữ "tài sản riêng"

Hiện nay, không ít trẻ sở hữu một món tiền mừng tuổi khá lớn sau mỗi dịp Tết. Bên cạnh các gia đình dễ dàng quản tiền mừng tuổi của con thì cũng có nhiều gia đình đau đầu vì vấn đề này. Bởi đa số trẻ không muốn bố mẹ quản số tiền mà chúng cho rằng đó là "tài sản riêng" của mình.

Chị Minh Nga (nội trợ) kể gia đình chồng chị rất khá giả, Tết năm nào, các con chị cũng được người thân mừng tuổi cho một số tiền rất lớn. Khi các con còn nhỏ, chị dễ dàng quản tiền mừng tuổi của con, nhưng từ khi chúng lên cấp 2, cấp 3 thì rất khó để làm việc đó. Đầu tiên là con trai chị, Tết năm 13 tuổi, thằng bé không chịu đưa mẹ tiền mừng tuổi để nuôi lợn tiết kiệm mà giữ lại làm "của riêng". Chị gợi ý mở tài khoản tiết kiệm online để con quản lý, khuyến khích con dùng tiền đó để mua sách học, mua máy tính, giày dép… Cứ ngỡ, con sẽ nghe theo, ai ngờ nó dùng tiền đó rủ bạn bè tiêu xài phung phí vào các trò chơi vô bổ, tiền mất tật mang.

Ra Tết, vợ chồng chị đau đầu với "cuộc chiến" quản tiền mừng tuổi. Chị muốn kiểm soát số tiền vì sợ các con tiêu không đúng mục đích, hư hỏng trong khi hai đứa trẻ kiên quyết không đưa tiền cho bố mẹ. Chị Thu Hiền cũng không biết làm cách nào để quản số tiền mừng tuổi vì thằng bé giấu hết tiền làm “của riêng”.

Tình trạng trẻ muốn tự do sở hữu số tiền này thay vì đưa cho bố mẹ quản ngày một nhiều. Đặc biệt trong điều kiện trẻ sớm tiếp cận với việc các chiêu thức quảng cáo bán hàng trên mạng xã hội, việc mua sắm online dễ dàng. Nhiều trẻ theo đó đã tiêu xài lãng phí số tiền mừng tuổi lớn trong thời gian ngắn.

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, sở dĩ có tình trạng này là do cách ứng xử của người lớn trong vấn đề mừng tuổi cho trẻ. Việc coi trọng giá trị vật chất của người lớn đôi khi biến những đứa trẻ chỉ chăm chăm vào mệnh giá số tiền mừng tuổi mình nhận được thay vì ý nghĩa tốt đẹp của nó. Không ít trẻ, khi nhận tiền mừng tuổi thì bóc phong bao ra xem rồi vô tư "chê" ít khiến khách xấu hổ. Rồi chuyện trẻ "yêu" người mừng tuổi nhiều, "ghét" người mừng tuổi ít… Việc bố mẹ quản tiền mừng tuổi của con theo kiểu "cưỡng đoạt" cũng là nguyên nhân khiến con không muốn để bố mẹ giữ hộ.

Xây dựng cho con một kế hoạch giữ và sử dụng tiền mừng tuổi hợp lý sau Tết là điều mà bố mẹ cần làm. Tuy nhiên, để trẻ chịu hợp tác thì bố mẹ cần có những cam kết và kế hoạch rõ ràng. Làm thế nào để trẻ hiểu rằng, tiền mừng tuổi là sự cầu mong may mắn, những điều tốt đẹp của người lớn dành cho trẻ, dù ít hay nhiều đều được quý trọng. Bố mẹ có thể dạy con chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình như dùng tiền mừng tuổi để làm từ thiện, ủng hộ các trường hợp khó khăn. Với những trẻ muốn giữ "tài sản riêng", bố mẹ có thể hướng dẫn con đầu tư vào các khoản sinh lời như gửi tiết kiệm, mua sắm đồ dùng riêng của mình phục vụ cho học tập, giải trí lành mạnh, mua quà tặng cho người thân trong các dịp kỷ niệm...

THU GIANG

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.