Con thích làm người lớn

Chia sẻ

PNTĐ-Trước, con chỉ ước mình làm người lớn, nhưng có đâu nghĩ rằng, khi mình lớn rồi thì ngày phải xa mẹ mỗi lúc một gần. Giờ, con đã hiểu tấm lòng của mẹ...

 
Con thích làm người lớn - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Ngày con còn nhỏ, mẹ rất hay nhắc nhở con phải làm điều này, điều kia. Nào thì con phải chăm ngoan, nghe lời bố mẹ, con phải học giỏi để không phụ công sức thầy cô và sau này có một tương lai tốt. Thường thì con rất ghét phải nghe những lời dạy bảo đó. Vì thế mà con chỉ ước ao mình được làm người lớn.
 
Trong mắt con, người lớn thật sướng. Người lớn chẳng phải học. Người lớn có nhiều tiền để tiêu. Người lớn có thể sắp xếp cuộc sống theo ý mình. Người lớn dễ dàng mắng trẻ con mỗi khi chúng làm điều gì không phải (theo cách nghĩ của người lớn).
 
Mỗi lần nghe con nói điều ấy, mẹ lại bảo: “Làm người lớn không dễ đâu con. Người lớn phải lo toan, hoàn thành rất nhiều trọng trách. Người lớn có tiền nhưng không phải tiêu cho riêng mình. Người lớn mệt mỏi nhưng không được phép ốm. bởi vì, người lớn còn phải nuôi “người nhỏ”. Người lớn không ước gì, chỉ mong các con mình khôn lớn, trưởng thành, mai này có cuộc sống hạnh phúc”.
 
Vì còn nhỏ, nên con chẳng tin lắm những điều mẹ nói. Con vẫn ham chơi hơn ham học. Mỗi lần bị mẹ mắng là phụng phịu, ấm ức cãi lại. Nhà có miếng gì ngon, bao giờ con cũng tự cho mình quyền được ăn hết. Nhưng, khi có việc thì tìm cách “đùn” lại cho mẹ.
 
Nhiều năm qua đi, cuối cùng, con cũng trở thành người lớn. Con lấy chồng, sinh được 2 con trai, con gái. Từ khi lũ trẻ ra đời, cuộc sống của con đảo lộn. Con không còn thời gian sống riêng cho bản thân. Hàng tháng, câu hỏi thường trực trong đầu con là phải làm gì để có đủ tiền nuôi các con của mình. Nỗi lo toan mỗi năm trong con cũng một dày thêm. Hồi lũ trẻ nhỏ, con lo chúng gầy yếu, tháng này chậm tăng cân. Khi chúng đi học tiểu học, con lại lo chúng lười biếng, học không tiến bộ, hay ham chơi đàn đúm với bạn xấu. Đêm khuya, khi lũ trẻ ngủ say, con lại thao thức tự hỏi mình phải làm gì để trở thành một bà mẹ tốt? Liệu con có đủ khả năng để nuôi dạy chúng trưởng thành?
Không biết tự bao giờ, con bắt đầu trở thành hiện thân của mẹ ngày xưa. Con suốt ngày càm ràm, nhắc lũ trẻ phải thế này thế kia. Nhưng, lũ trẻ ham chơi, lời mẹ dặn vào tai trái thì ra tai phải. Con nói quá, chúng còn nổi quạu:
 
“Làm trẻ con khổ quá. Con thích làm người lớn như mẹ cơ. Mẹ thích làm gì thì làm, chơi gì thì chơi. Người lớn sướng hơn trẻ con”. Nhiều lúc, lũ trẻ còn khiến con bật khóc. Đó là khi tiền trong túi sắp hết, nhưng chúng cứ mè nheo đòi mẹ mua quà. Khi con không đồng ý thì chúng vừng vằng, trách con ky bo. Cả lúc con mệt mỏi, thậm chỉ chỉ muốn nằm trên giường, ngủ một giấc thật sâu chẳng phải nghĩ đến cơm áo gạo tiền, thì lũ trẻ vẫn vô tâm chơi đùa mà không nghĩ đến việc hỏi thăm mẹ. Nếu có sai chúng làm việc này việc nọ thì chúng lại vùng vằng, hệt như đang bị mẹ “bóc lột”. Nhiều lúc cô đơn, con lại trào nước mắt nghĩ về chính mình ngày xưa. Con cũng đâu có thấu hiểu lòng mẹ. Con chỉ biết phàn nàn, đòi hỏi ở mẹ chứ chưa bao giờ nghĩ xem, mình cư xử vậy đã xứng là con có hiếu hay chưa.  
 
Hôm nay, con lại về thăm mẹ. Nhìn mẹ đi chầm chậm, lưng còng thêm, tai đã nghễnh ngãng hơn khi con phải gọi to vài lần mới nghe thấy tiếng, con ứa nước mắt thương mẹ. Trước, con chỉ ước mình làm người lớn, nhưng có đâu nghĩ rằng, khi mình lớn rồi thì ngày phải xa mẹ mỗi lúc một gần. Giờ, con đã hiểu tấm lòng của mẹ, thì mẹ đã không còn nhiều tỉnh táo, mạnh khỏe để nhận được lời cảm ơn từ con. Con muốn được trở lại ngày xưa, khi mình chỉ là đứa trẻ. Chắc chắn, con sẽ ngoan ngoãn, sẽ vâng lời, sẽ biết trân trọng từng lời mẹ dạy. Nhưng, điều đó là không thể.
“Sao mẹ cứ như cô giáo, lúc nào cũng muốn dạy bảo con vậy”.Tối nay, lũ trẻ lại tiếp tục nói với con những điều ấy.
 
Con biết, có giải thích với đàn con chưa đầy 10 tuổi đầu này như thế nào, chúng cũng chưa thấu hiểu. Nhưng rồi, lại như con, khi một ngày chúng đã là người lớn, lại thực hiện trọng trách làm mẹ, làm cha, thì con cũng đã già như mẹ bây giờ.
 
    Thái Anh

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.