Con trai nghỉ việc, làm hậu phương cho vợ có gì sai?

Chia sẻ

Nhìn bề ngoài, đến tuổi nghỉ hưu, tôi đang có cuộc sống viên mãn bên con cháu. Vợ chồng con trai có kinh tế, các cháu học hành ngoan ngoãn, sống tình cảm với ông bà.

Thế nhưng, lâu nay tôi vẫn mang nỗi buồn khổ khi con trai nghỉ việc về làm hậu phương cho vợ. Con dâu tôi mở công ty riêng, chuyên về thiết kế thời trang.

Nghĩ lại trước đây bỏ bao nhiêu công sức để đầu tư cho con trai ăn học, rồi lo công ăn việc làm ổn định. Vậy mà, cưới vợ được vài năm, chẳng hiểu hai vợ chồng chúng bàn nhau thế nào mà con trai "tự nguyện" nghỉ việc, ở nhà chăm sóc con cái, lo công chuyện gia đình làm hậu phương cho vợ "làm công to việc lớn" bên ngoài. Vẫn biết con dâu giỏi giang, làm kinh tế giỏi, nhưng nhìn cảnh con trai suốt ngày đứng sau lưng vợ, tôi lại thấy đau lòng. Mỗi lần ra ngoài, mọi người hỏi thăm về con trai, tôi lại thầm xấu hổ lẫn buồn lòng. Nhiều lần, tôi bảo con trai nên đi làm trở lại, không ở nhà làm những việc của phụ nữ nữa. Nhưng, con đều bác bỏ, bảo thời hiện đại, vợ chồng đều có thể làm hậu phương cho nhau, miễn là cuộc sống gia đình hạnh phúc. Làm thế nào để tôi có thể thay đổi được quan điểm "đứng sau vợ" của con trai mình?

Nguyễn Thị Yến
(Hoàng Mai, Hà Nội)

Quan niệm đàn ông luôn phải đứng trên đàn bà, phải làm công to việc lớn bên ngoài xã hội, không được làm việc nhà của đàn bà, hay phụ nữ khi kết hôn chỉ nên đứng sau chồng, làm hậu phương vững chắc cho chồng phấn đấu… đều là quan niệm cũ lạc hậu, mang nặng định kiến giới, ngăn cản sự bình đẳng tiến bộ trong gia đình. Tâm Giao nghĩ, bác nên mừng vì mình đã nuôi dạy được một cậu con trai mang tư tưởng tiến bộ bình đẳng giới, thay vì buồn khổ như hiện nay.

Quan niệm "thời hiện đại, vợ chồng đều có thể làm hậu phương cho nhau, miễn là cuộc sống gia đình hạnh phúc" của con trai bác rất văn minh và cũng là mục đích hướng đến trong việc xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc hiện nay. Trong gia đình không phân biệt ai là trụ cột, ai là người đứng trên, ai là kẻ ngồi dưới, mà vợ chồng đều bình đẳng trong quyền và nghĩa vụ, có thể ủng hộ nhau trên mọi phương diện, để ai cũng được phát huy mặt tốt của mình. Hiện nay, cuộc sống của gia đình bác rất hạnh phúc, viên mãn đúng như người ngoài nhìn vào, chỉ là bản thân bác còn mang nặng định kiến nên tâm tư mới sinh ra buồn khổ. Khi các con đã thuận vợ thuận chồng đưa ra những quyết định ấy thì bác hãy vui vẻ ủng hộ, để mọi người đều vui vẻ. Con trai bác thấy việc lui về làm hậu phương cho vợ là đúng đắn mà vị trí của mình cũng chẳng thấp kém, ngược lại càng khiến cho gia đình hạnh phúc hơn. Do đó, bác hãy suy nghĩ tiến bộ giống như con trai, ủng hộ con dâu. Việc này còn giúp bác trở thành một người mẹ chồng tân tiến, tuyệt vời không chỉ trong mắt con dâu mà với mọi người bên ngoài xã hội nữa đấy.

TÂM GIAO

Tin cùng chuyên mục

Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.