Đại tổ ấm và niềm vui rực rỡ

Chia sẻ

Gia đình cụ Nguyễn Văn Giáo ở thôn Từ Hồ, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) là một đại gia đình tuyệt diệu và lạ kỳ nhất mà tôi từng biết. Đó thực sự là một “đại tổ ấm” mà mỗi thành viên đều rất đỗi tự hào. Không chỉ bởi cuộc sống của đại gia đình sung túc, mà sự hiếu thuận, bình đẳng, gia phong luôn được gìn giữ để "chưng cất" niềm hạnh phúc.

Những sự lạ tuyệt vời

Đến gia đình cụ Giáo, nhiều người sẽ ngỡ ngàng bởi cách sống và “quản trị” cuộc sống rất công phu, khiến các thành viên đều rất đỗi hài lòng, vui vẻ. Cũng sẽ có người ngỡ ngàng trước hết bởi cách xây nhà. Trên khoảnh đất rộng 2.500m2, năm 1995, cụ Giáo xây dựng năm ngôi nhà cho năm con trai, vợ chồng cụ Giáo và cụ thân sinh ông sống ở ngôi nhà giữa cùng gia đình con trai cả. Do đường cái trước nhà tôn cao, khu nhà thành ra bị thấp. Năm 2006, đại gia đình chung tay tôn nền, xây lại 5 ngôi nhà kiểu biệt thự đều tăm tắp, lối kiến trúc, kích cỡ và nội thất giống hệt nhau. Điều đặc biệt là không có bất cứ cái gờ tường nào được xây lên để chia không gian các căn nhà. Điều đó thể hiện sự đoàn kết, chan hòa và tất cả không gian sinh hoạt là của chung.

Cụ Nguyễn Văn Giáo tự hào: “Chúng tôi muốn sống quây quầy để tiện chăm sóc, bảo ban nhau. Với đại gia đình, gồm 5 gia đình của 5 người con trai, vợ chồng tôi coi sóc chung nên trên thuận, dưới hòa, chả bao giờ to tiếng chứ đừng nói đến chuyện cãi nhau”. Cụ Giáo cũng kể, lúc chuẩn bị xây dựng 5 ngôi nhà, có người góp ý, nên xây cho các con cách nhau ra để đỡ phải sống đông người, dễ dẫn đến xô xát. Cụ cũng vui vẻ cảm ơn, rồi vẫn quyết định xây theo ý mình và các con đã bàn. Bởi cụ và các thành viên tin mọi người đều muốn sống cùng nhau.

Điều lạ hơn nữa là suốt mấy chục năm, hàng chục thành viên trong gia đình cụ Giáo đều làm việc, để tiền chung, tiêu chung, ăn cơm chung. Mỗi bữa cơm đều có từ ba đến bốn mâm. Từ những năm 1988, tiền kiếm được đều do cụ Giáo giữ và cần mua sắm, chi tiêu thì cụ lên chi tiết các mục. Sau này, cụ “bàn giao” cho bà Tạ Thị Hoa - con dâu cả giữ tiền và chi dùng.

Chẳng là gia đình cụ Giáo có một xưởng mộc, một siêu thị nhỏ, hai con trai là Nguyễn Văn Dung và Nguyễn Văn Thì làm việc nhà nước nhưng chuyện chi tiêu, làm việc và sinh hoạt lại rất thoải mái, chẳng ai tị nạnh ai. Nhất là các chị em là con dâu, đều có cách phân công nhau hợp lý, từ làm việc, đi chợ, nấu cơm, chăm lo cho gia đình. Cách đây lâu lắm, một người con xin ăn riêng. Cụ Giáo liền cầm cả bó đũa bẻ trước mặt các con nhưng không được. Sau đó cụ bẻ riêng từng chiếc, rất dễ dàng. Các con hiểu ý, từ đó không ai xin ăn riêng nữa.

Một câu hỏi mà nhiều người từng hỏi vợ chồng cụ Giáo, ngoài đời thường có sự va chạm, xích mích giữa mẹ chồng và nàng dâu, giữa các nàng dâu với nhau, thậm chí giữa các người con trai, vậy đại gia đình cụ Giáo làm gì để hóa giải mâu thuẫn có thể xảy ra? Cụ Giáo bảo: “Đó cũng là điều trời cho gia đình tôi. Có lúc chính tôi cũng thấy đại gia đình mình may mắn, vì mỗi người đều biết nhường nhịn, nghĩ cho gia đình nên đã không có mâu thuẫn”.

Đại gia đình Cụ Nguyễn Văn GiáoĐại gia đình Cụ Nguyễn Văn Giáo (Ảnh: NVCC)

Bí quyết để sống vui

Để đại tổ ấm hòa thuận, yên ấm, lúc nào cũng vui vẻ, theo cụ Giáo, điều đó không quá khó. Cụ Giáo lý giải: “Sông có khúc, người có lúc, nhưng mỗi thành viên đều được giáo dục và tuân thủ nền nếp, gia phong, người trước phải hy sinh, làm gương cho người sau. Người sau hiếu thuận với bề trên và làm gương cho người sau nữa thì mọi chuyện đều ổn”.
Hàng xóm, người quanh thôn, người dân trong xã đều nể gia đình cụ Giáo. Nhiều người khen tất cả con, cháu, chắt đều vâng phục sự “chỉ đạo” của cụ. Qua tìm hiểu, nếp sống hòa nhã, người này chia sẻ với người kia đã được vun đắp từ thời cụ thân sinh cụ Giáo. Cụ Giáo nhớ lại: “Bố tôi ngày xưa luôn nhắc nhở anh em con cháu phải đoàn kết. Sau này, với thế hệ tôi và con cháu, do biết bảo ban nhau làm ăn nên kinh tế phát triển, các thành viên không ai phải lo đói. Vợ chồng tôi sống vui vẻ, đến nay vợ chồng tôi đều hơn 90 tuổi, vậy mà chả phải đi viện bao giờ”.

Bà Đỗ Thị Nhiên, con dâu thứ tư của cụ Giáo tự hào: “Anh con trai trưởng của cụ là anh Nguyễn Văn Dung là người con trai duy nhất làm ở Hà Nội, nhưng rất mực lo cho gia đình. Trừ đi công tác, còn hằng ngày anh ấy vẫn đi ra Hà Nội làm từ sáng sớm, tối lại về nhà với mọi người. Anh ấy rất tốt, nếu mua cho vợ một cái áo, thì bốn người em dâu còn lại cũng có một chiếc!”.

Một điều khác, mọi thành viên trong đại gia đình đều có tiếng nói, không phân biệt đàn ông, đàn bà. Mỗi người phụ nữ đều có quyền đóng góp ý kiến cho việc gìn giữ hạnh phúc. Bà Tạ Thị Hoa, con dâu cả của cụ Giáo với khuôn mặt phúc hậu, cho hay: Gia đình và nền tảng gia đình là điều vô cùng quan trọng. Khi vị thế của các thành viên, trong đó có những người con dâu, cháu dâu đều được nêu cao, đều thấy tổ ấm của mình an lành, thì sẽ đều hướng đến mục tiêu chung là vun đắp cho tổ ấm ấy được bền vững.

Mấy năm nay, do các cháu của cụ Giáo đông, đã lập gia đình, sinh con và mở rộng công ty để làm ăn nên đại gia đình không ăn cơm và tiêu tiền chung nữa. Cụ Giáo bảo, khi quá đông người mà ăn cơm chung thì người nọ phải chờ người kia, cũng bất tiện. Để có quyết định như thế, cụ đã phải bàn bạc kỹ lưỡng cùng con trai, con dâu và được tán thành.

Gia đình hạnh phúc thì ngày nào cũng là mùa xuân. Song, với đại gia đình cụ Giáo, việc chuẩn bị đón xuân khá kỹ lưỡng. Không khí đón Tết được chuẩn bị rộn ràng từ ngày 25 tháng Chạp. Các cháu làm nhiệm vụ tập trung dọn vườn cảnh, trang trí nhà cửa, mua đào, quất và hoa. Về thực phẩm, năm chị em dâu tổ chức sắm đủ để có thể nấu được các món đặc trưng theo truyền thống văn hóa Việt Nam. Ngồi bên chồng, cụ Giáo bà chợt nói với tôi: “Chuẩn bị cho Tết như thế cũng là cách giáo dục truyền thống gia đình. Cũng là cách gieo niềm vui và gặt niềm vui rực rỡ, phải không anh nhỉ?”.

NGUYỄN VĂN HỌC

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.