Diễn đàn “Trụ cột gia đình thời hiện đại”:

Đàn ông đang chịu bất bình đẳng vì vai trò trụ cột

Chia sẻ

(PNTĐ) -Xã hội hiện đại đang hướng đến bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực. Vì vậy, trong gia đình, vai trò trụ cột cũng nên bình đẳng thay vì mặc định riêng nam giới đảm nhiệm. Theo đó, xã hội nên “giải phóng” gánh nặng trụ cột cho nam giới, giống như phụ nữ đang “giải phóng” dần gánh nặng việc nhà.

Đàn ông đang chịu bất bình đẳng vì vai trò trụ cột - ảnh 1
Nam giới hiện đại đang chịu bất bình đẳng giới vì gánh nặng trụ cột gia đình     Ảnh minh họa

Cần “giải phóng” gánh nặng trụ cột cho nam giới
Lâu nay, vai trò trụ cột gia đình vẫn gắn liền với đàn ông, và nó trở thành một nhiệm vụ bất khả kháng của họ. Điều này dẫn tới câu chuyện trong mỗi gia đình đều mặc định đàn ông có nghĩa vụ làm trụ cột và họ phải làm tốt điều đó thì mới được xem là người đàn ông tốt, chuẩn mực. Tuy nhiên, từ góc độ bình đẳng giới, chính vai trò trụ cột lại đang khiến đàn ông chịu bất bình đẳng, nhưng lâu nay xã hội không nhìn nhận sự bất bình đẳng đó. 

Điều này đã được nghiên cứu khoa học “Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam đang hội nhập” được Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội thực hiện chỉ ra. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng khoa học hiểu biết hơn về nam giới, phục vụ cho việc xây dựng chính sách và chương trình thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. Theo đó, nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, đàn ông Việt Nam bị gắn chặt với vai trò trụ cột gia đình. Ví dụ, trong gia đình nam giới có bổn phận làm trụ cột gia đình, kiếm đủ tiền để nuôi vợ con, phải lấy vợ, sinh con, thờ cúng tổ tiên. Trong sự nghiệp, nam giới phải phấn đấu có vị trí, có bằng cấp cao, là lãnh đạo, hoặc làm công việc có tay nghề cao, luôn ưu tiên sự nghiệp hàng đầu… Một người đàn ông phải làm tốt được những tiêu chí đó thì mới được xã hội và gia đình coi trọng, ngược lại sẽ bị xem là bất tài, vô dụng. Đây chính là gánh nặng và cũng là sự bất bình đẳng vô hình mà nam giới đang phải gánh chịu lâu nay. 

Trong xã hội hiện đại, vai trò trụ cột gia đình có nên “đóng đinh” cho đàn ông đảm nhiệm như lâu nay? Khi mà những người vợ, người chồng cùng có cơ hội phấn đấu, làm kinh tế như nhau, phụ nữ "đổi ngôi" vai trò trụ cột gia đình được không? Nếu "đổi ngôi", vị thế đàn ông liệu có bị hạ thấp, hay "mất đi" như nhiều người vẫn lo lắng? Phụ nữ nắm vai trò "trụ cột" được nhiều hay mất nhiều?...
 Để có cái nhìn đa chiều, mời bạn đọc tham gia thảo luận về vấn đề này. Ý kiến thảo luận gửi về chuyên mục “Diễn đàn gia đình”, báo Phụ nữ Thủ đô, số 7, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội, hoặc gửi về E-mail: baophunuthudo@gmail.com. Ý kiến được đăng tải sẽ nhận nhuận bút và báo biếu theo quy định của tòa soạn.
 

Điều này đang dẫn tới hai hệ lụy. Thứ nhất, nam giới sẽ phải gồng mình để hoàn thành trọng trách mà mình phải đảm nhận, bất chấp đó là gánh nặng quá tải với họ như thế nào. Gắn liền với đó, nam giới sẽ tự cho mình có quyền quyết định tất cả mọi vấn đề, và giữ ngôi vị độc tôn trong gia đình. Thứ hai, khi họ không làm tốt vai trò trụ cột và bị vợ, hoặc phụ nữ trong gia đình thay thế thì sẽ phản kháng theo hướng tiêu cực vì cho rằng điều đó đe dọa đến vị trí độc tôn của mình.  

Như vậy, đàn ông đang bị đối xử bất bình đẳng trong vai trò trụ cột so với phụ nữ. Do đó, cần “giải phóng” gánh nặng trụ cột cho họ khi xã hội đã bình đẳng mọi quyền lợi và nghĩa vụ của hai giới. Vai trò trụ cột không nên đặt lên vai một mình nam giới, mà phụ nữ cũng có thể san sẻ, thậm chí có thể “đổi vai” trụ cột nếu như họ có điều kiện làm tốt hơn. 

Lê Mai Hương (Thủy Nguyên, Hải Phòng)

Đổ vỡ hạnh phúc vì chồng không làm tốt trụ cột
Có một thực tế đang diễn ra ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại đó là nhiều gia đình đổ vỡ hạnh phúc vì người chồng không làm tốt vai trò trụ cột. Thông thường đàn ông làm ra kinh tế thì mới giữ vững vai trò trụ cột của mình, còn không thì sẽ bị chính người vợ coi thường, “rẻ rúng”. Từ đó, hạnh phúc bất ổn, thậm chí nhanh chóng đổ vỡ. 

Cách đây 6 năm, anh trai tôi kết hôn và trở thành trụ cột kinh tế gia đình khi chị dâu tôi ở nhà nội trợ. Thời điểm đó, công việc của anh trai tôi thuận lợi, kiếm ra nhiều tiền, lại yêu chiều vợ nên tháng nào cũng đưa cho chị dâu tôi tiền tiêu dư giả. Hai năm gần đây, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, công ty của anh trai tôi bị phá sản khiến kinh tế gia đình khó khăn. Anh tôi thất nghiệp gần 8 tháng, đó cũng là quãng thời gian hôn nhân của anh chao đảo dữ dội bởi sự chì chiết, sỉ vả của vợ. Chị dâu tôi chẳng những không thấu hiểu những khó khăn của chồng, ngược lại còn chỉ trích anh bất tài vô dụng, không làm ra tiền khiến cuộc sống của chị khốn khổ theo. Để có tiền đưa cho vợ chi tiêu như trước, anh tôi đã phải bán xe ô tô, đồ đạc có giá trị lớn, nhưng vẫn không làm cho vợ hài lòng. Càng ngày, sự coi thường của vợ càng lớn khiến anh mặc cảm, buồn chán mượn rượu giải sầu. Hai vợ chồng cãi vã, dùng đến bạo lực để “nói chuyện” với nhau thường xuyên.

Trong những lần vợ chồng mâu thuẫn, anh bảo nếu vợ muốn ăn ngon mặc đẹp thì hãy tự đi kiếm tiền, và tại sao lúc nào cũng chỉ là mình anh làm việc đó còn vợ thì đứng ngoài cuộc. Chị dâu tôi bảo vì anh làm trụ cột gia đình nên đương nhiên phải có nghĩa vụ kiếm tiền. Chị là phụ nữ làm nội trợ nên không có trách nhiệm gánh vác kinh tế. Cuộc hôn nhân của anh trai tôi bế tắc khi người thân bên nhà vợ cùng hùa vào chê bai, coi thường anh không kiếm được tiền để lo cho vợ con.

Thiết nghĩ, để đảm bảo hạnh phúc gia đình, chúng ta không nên cứ mãi mặc định vai trò trụ cột nghĩa vụ suốt đời của nam giới. Hãy để đàn ông và phụ nữ cùng bình đẳng trong vai trò trụ cột thì hạnh phúc mới bền vững. 

Vương Kiến Thành (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.