Dạy con đạo hiếu, cha mẹ phải làm gương

Chia sẻ

Anh Phạm Đình Tú (SN 1961, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng lại rẽ sang công việc giáo dục mầm non, với mục đích giúp trẻ sớm được hình thành nhân cách từ việc dạy lễ nghĩa và đạo hiếu.

Vợ chồng anh Tú cùng các con kính cẩn quỳ mừng thọ bố mẹ nhân dịp năm mớiVợ chồng anh Tú cùng các con kính cẩn quỳ mừng thọ bố mẹ nhân dịp năm mới

Bố mẹ là “nhạc trưởng” dạy con lễ nghĩa trong gia đình

Gia đình anh Phạm Đình Tú hiện có ba thế hệ sống chung, gồm có bố mẹ, vợ chồng và các con anh. Trong gia đình tam đại đồng đường ấy luôn tràn ngập tiếng cười, tình yêu thương, sự hòa thuận và thấu hiểu lẫn nhau. Đặc biệt, các con anh – bé lớn học lớp 5, bé út 2 tuổi nhưng sớm học được các quy tắc lễ nghi trong gia đình, biết quan tâm, yêu thương và đối xử hiếu thuận với bố mẹ, ông bà bằng những hành động thiết thực.

Anh cười: “Dạy con đạo hiếu, cha mẹ hãy làm gương”. Để con học được thói quen và ý niệm tốt, vợ chồng anh luôn nhắc nhở nhau cùng làm việc tốt với mẹ bằng cái tâm của mình. Vợ anh luôn được mọi người dành lời khen ngợi bởi sự hiếu thảo, quan tâm và chăm sóc hết lòng cho mẹ chồng, từ bữa cơm, giấc ngủ hằng ngày.

Ba tháng trước, mẹ anh bị đau ruột thừa, phải nhập viện mổ. Khi kiểm tra, bác sỹ còn phát hiện ra mẹ anh bị u gan và ung thư phổi. Đó là lúc dịch Covid-19 đang trong giai đoạn phức tạp. Mẹ anh được điều trị ở bệnh viện Bạch Mai. Khi bệnh viện yêu cầu chỉ một người chăm sóc và cách ly với bên ngoài để tránh lây lan dịch. “Suốt 2 tháng chăm sóc mẹ tại bệnh viện, tôi ước gì có thể đổi lấy 10 năm tuổi thọ để mẹ được khỏe mạnh, bình yên. Lúc bác sỹ làm sinh thiết phổi lấy khối u, chẳng may mẹ tôi bị tràn máu vào phổi. Tim tôi thắt lại, đau nhói, ngày ngày cầu nguyện để mọi chuyện được yên ổn. May mắn, mẹ tôi đã dần khỏe lại” - anh cho biết.

Khi mẹ anh xuất viện, vợ chồng anh chia nhau chăm sóc mẹ. Hàng ngày, vợ anh nấu những món ăn hợp khẩu vị, đủ chất và đảm bảo sức khỏe cho bà, các cháu bóp vai, nắn chân, kể chuyện vui cho bà nghe. Theo anh Tú, mỗi ngày, các con được học kiến thức ở trường nhưng về nhà, bố mẹ sẽ là “nhạc trưởng” để dạy con lễ nghĩa, nề nếp gia phong. Đơn cử như trong bữa cơm, các con sẽ mời ông bà bố mẹ, lấy ghế, sắp bát. Anh dạy con biết nhường món ngon cho người cao tuổi nhất là ông bà nội, biết chia sẻ đồ ăn, đồ chơi cho người thân trong gia đình. Trước khi đi ngủ, các con sẽ chúc mọi người ngủ ngon. Các con biết làm việc nhà để hỗ trợ cha mẹ.

Dạy nhân cách cho trẻ bắt nguồn từ chữ hiếu

Anh Tú kể, khi con trai thứ hai tròn 3 tuổi, cháu đã biết đọc và nhớ khoảng 30 quốc kỳ các nước. Con đặc biệt yêu thích các cuốn sách sinh học, thiên văn, địa lý. Mọi người thường gọi con anh là “thần đồng”. Thế nhưng, một lần đi ăn giỗ, khi ra về, con anh nhất định không chịu chào bất cứ ai. Bữa đó, vợ chồng anh căng thẳng vô cùng. Trong đầu anh luôn tự hỏi, tại sao con lại là cậu bé tài năng, biết rất nhiều thứ nhưng việc đơn giản nhất là chào hỏi thì lại không biết. Tại sao con anh lại thích thì làm, không thích thì thôi, dù anh đã nhắc nhở rất nhiều?

Xung quanh anh cũng có rất nhiều đứa trẻ không quen chào người lớn. Anh nhận thấy, các cha mẹ vất vả cho các con học thêm kỹ năng, năng khiếu… nhưng lại ít chú trọng dạy lễ nghĩa cho con. Kết quả là các con giỏi về chuyên môn, tài năng nhưng chưa phải đứa trẻ nào cũng biết đạo lý. Vì vậy, anh luôn thôi thúc ý nghĩ phải dạy con trẻ nhân cách từ những thứ nhỏ nhất. “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, con cần được dạy đạo đức trước khi được dạy những thứ khác trên đời. Anh bắt đầu tìm hiểu về đạo Phật và đứng lớp dạy trẻ về lễ nghĩa, tổ chức những buổi đại lễ tri ân cha mẹ, vợ chồng trong suốt hai năm 2014 – 2015.

Sau một thời gian duy trì các lớp học tập đạo đức văn hóa truyền thống cho cộng đồng, anh nhận thấy, học tập và thực hành những cách thức ứng xử chuẩn mực của người xưa là một cách nghiêm túc, ngày càng có nhiều gia đình hạnh phúc hơn, biết hài hòa cân bằng cuộc sống hơn, giải quyết tốt hơn các xung đột mâu thuẫn trong gia đình và các mối quan hệ ngoài xã hội. Các bạn nhỏ khi được tiếp nhận giáo dục nhân cách đạo đức cũng trở nên ngoan ngoãn, lễ phép và hiếu thảo hơn.

Vì thế, năm 2016, anh sáng lập ra trường mầm non Khai Trí với mục đích dạy trẻ về nhân cách, đặc biệt dạy đạo hiếu trong gia đình ngay từ khi còn nhỏ. Mô hình giáo dục lấy nhân cách để làm nền tảng không chỉ cần thiết đối với từng gia đình, mà còn đặc biệt cần thiết đối với xã hội trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. “Dạy nhân cách cho trẻ bắt nguồn từ chữ hiếu. Chữ Hiếu đang ngày càng bị mai một bởi nhiều hệ tư tưởng, đặc biệt là hệ tư tưởng phương Tây. Trong khi đó, trẻ từ 0-6 tuổi là giai đoạn vàng để phát triển nhân cách. Tôi hi vọng, với tâm huyết của mình, chúng tôi sẽ đào tạo một thế hệ trẻ luôn có lễ nghĩa và lý tưởng sống, giữ gìn được những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống sau này”.

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.
Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

Giải mã “cơn sóng ngầm” tội phạm trẻ

(PNTĐ) - Gần đây, không ít gia đình phải đối diện với “cơn sóng ngầm” đầy thách thức: Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng trẻ hóa và diễn biến phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vết rạn trong mối quan hệ gia đình, đặt ra bài toán cấp thiết về trách nhiệm định hướng, chở che con trẻ trước những vấp ngã nhỏ có nguy cơ trở thành những hệ lụy khôn lường.
Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

Con cái là khoản đầu tư “lỗ” của cha mẹ

(PNTĐ) - Diễn đàn “Trẻ cậy cha, già cậy ai?” nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, trong xã hội hiện đại, cả cha mẹ và con cái nên thay đổi quan niệm cha mẹ về già phải cậy con, mà hãy nên chủ động tương lai, chuẩn bị cuộc sống tự do, tự tại, dành một khoản tiền để dưỡng già, bởi con cái cũng phải lo tương lai của chúng.