Đi qua con đường hôn nhân không bằng phẳng

Nhà văn Hoàng Anh Tú
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hôn nhân là một con đường rất nhiều ổ gà, cạm bẫy. Người ta đi cùng nhau. Người chồng tốt hay người vợ tốt là người cẩn thận nhìn và tránh ổ gà. Tốt hơn thì sẽ nhìn ra nhiều ổ gà và giúp người kia tránh.

 Càng đi, con đường sẽ càng khó. Bởi ngoài ổ gà còn hằng hà sa số những cạm bẫy, ngã rẽ, đường cắt ngang... Càng đi, con đường càng lắm những chông gai. Thậm chí còn phải đấu tranh với những cơn buồn ngủ mang tên nhàm chán. Tôi gọi đó là những chớp tắt của hôn nhân.

KHÔNG CON ĐƯỜNG NÀO BẰNG PHẲNG CẢ

Trước khi cưới vợ tôi vẫn nghĩ rằng hôn nhân là một con đường bằng phẳng. Người ta cưới nhau ầm ầm đó thôi. Các cụ sống với nhau đến bạc đầu răng long đó thôi. Bố mẹ mình cũng hơn 40 năm chạy tốt đó thôi.

Ừ thì vợ chồng sẽ có lúc cãi nhau to đấy. Chả sao cả. Hai người cưới nhau rồi là bước vào một căn phòng chung, khoá trái cửa lại, ném chìa khoá đi. Và cứ thế sẽ sống với nhau đến cuối đời. Giả sử như trong hai đứa, một người chết trước, người còn lại cũng sẽ không bỏ đi, vẫn sẽ ở lại suốt đời trong căn phòng đó. Cãi nhau hay mâu thuẫn gì đi chăng nữa, chẳng ai bỏ ai đi đâu.

Nhưng rồi chính hôn nhân đã dạy lại tôi rằng: Không phải thế đâu! Chẳng có con đường nào bằng phẳng cả. Mà trái lại, con đường của hôn nhân khó đi chết đi được. Là những trận cãi nhau mà cuối cùng cả hai chẳng hiểu rốt cuộc chúng ta đang cãi nhau vì lý do gì? Bởi bắt đầu từ cái ly chưa rửa có thể thành tư cách làm chồng. Có khi chỉ vì một câu buột miệng của vợ cũng thành sóng gió mãi vài tuần sau.

Đi qua con đường hôn nhân không bằng phẳng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tôi càng sợ hãi hơn khi phát hiện ra rằng tình yêu của mình dành cho vợ ngày một bị bào mòn. Và nhận ra hình ảnh của mình trong mắt vợ ngày một xấu đi. Chỉ là chẳng có hạt mưa nào tự nhận mình góp phần tạo ra cơn lũ. Tôi cố thủ với lý lẽ của tôi. Rằng tôi không cờ bạc rượu chè, chung thuỷ với vợ, lo việc nhà đầy đủ, chăm con tử tế sao vợ có thể… chán tôi? Vợ tôi thì khư khư với ý nghĩ: Chồng không còn như bạn trai hồi đang cưa cẩm mình.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Hôn nhân nào cũng có câu chuyện của mình và câu chuyện nào cũng rặt tiếng thở dài. Là bởi chúng ta chỉ nhìn thấy những thương tổn ở mình thay vì để tâm đến thương tổn của đối phương. Là chúng ta chỉ thấy chúng ta đau thay vì đau với nỗi đau bạn đời mình đang phải trải qua. Là ta cứ đúng sai, tranh thắng với nhau để rồi cả hai đều thua cuộc.

Có những thứ bất ngờ xảy đến với hôn nhân

Nhiều năm đọc những tâm sự của phụ nữ gửi cho mình tôi nhận ra hôn nhân vốn chẳng phải chỉ toàn trời yên bể lặng cả đâu. Có những thứ bất ngờ xảy đến không thể đoán định.

Như bỗng dưng ta… chán nhau. Bởi tình yêu là cảm xúc con người. Mà cảm xúc đó thì chẳng bao giờ bất biến. Nó trồi sụt mỗi ngày. Người ta có thể chán nhau do… chán bản thân mình. Hoặc vì đôi phen thất vọng tạm thời. Có khi lại là một tủi thân khi thấy chồng nhà người ta quan tâm đến vợ nhà người ta. Đáng sợ nhất là nếu nó chán dần đều.

Như đôi cơn say nắng. Tình yêu là thứ cảm xúc mà, ai có thể khoá van lại được kia chứ? Đúng, chúng ta chỉ có thể ngăn mình ngoại tình chứ không thể ngăn mình tự nhiên say nắng cả. Mà những cơn say nắng như thế nhiều khi làm cho hình ảnh bạn đời bỗng mờ nhoà đi lúc nào không hay.

Như sau mỗi trận cãi nhau, vết thương chúng ta tạo ra cho nhau nhiều khi chẳng biến mất như ta tưởng. Làm hoà rồi đấy, vui vẻ lại rồi đấy nhưng vết thương vẫn nằm đó. Những chớp tắt của hôn nhân đến từ những chớp tắt của cảm xúc. Bớt yêu nhau đi một chút thôi đôi khi cũng thành cơn cớ để lạc nhau. Chớp tắt ấy có khi làm cuộc hôn nhân đổ kềnh ra. Thương vong xảy đến.

Chớp tắt ấy có khi làm lệch đường đi của hai người. Lạc nhau từ đấy. Chớp tắt ấy có khi làm một trong hai mỏi mệt. Buông tay từ đấy. Chớp tắt lại đôi phen làm nản lòng. Người đi kẻ ở là thế. Chớp tắt có thể là tổn thương kéo dài. Chớp tắt có khi lại là cậu đồng nghiệp quá dễ thương, cuốn hút.

Chớp tắt có khi lại là một bữa cà phê không chủ đích mà lại thành cơn say nắng oan khiên. Chớp tắt có khi là sự không đồng điệu, mất đồng cảm, bỏ quên nhau. Chớp tắt có khi lại từ việc người đi nhanh, kẻ lề mề. Chớp tắt làm xa nhau, lạc nhau, lạ nhau, đau nhau, mất nhau...

Đi qua con đường hôn nhân không bằng phẳng - ảnh 2
Ảnh minh họa

GIỮ LẠI NHAU TRONG TỔ ẤM NÀY

Tôi nghĩ chúng ta cần lắm những chớp tắt kia để nhắc mình đừng ngủ quên trong cuộc hành trình làm vợ, làm chồng này. Để người chồng nhận ra đám cưới xong không phải là xong. Đám cưới chỉ là ngày khai sinh ra cuộc hôn nhân này. Là bắt đầu hành trình làm chồng. Hành trình để cùng người phụ nữ là vợ mình được đi cùng nhau xa nhất có thể.

Và người vợ nữa, đừng cưới xong nghiễm nhiên thành… nóc nhà. Cũng cần phải nỗ lực thật nhiều để giữ ấm ngôi nhà này. Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm không phải chỉ là nhiệm vụ giữ ấm ngôi nhà là của phụ nữ đâu. Mà nhà cần trụ vững.

Chồng là trụ nhà. Vợ có thể là nóc nhà nếu che mưa che nắng giữ hơi ấm bên trong. Đôi khi vợ cũng nên làm trụ, chồng cũng làm nóc. Thay phiên nhau mà giữ ấm ngôi nhà này vậy.

Chớp tắt để biết cuống quýt mà nắm lấy tay nhau. Thậm chí ngã lăn ra đường còn bò dậy mà đỡ nhau. Dìu nhau đi tiếp. Qua những thương tổn. Bằng lòng thứ tha. Bằng ước vọng người kia sẽ vì thế mà ghi tạc, đổi thay. Bằng cả lòng tin thêm một lần nữa. Hôn nhân vì thế mà cũng nồng đượm hơn sau những chớp tắt biết giật mình thức tỉnh như vậy!

Chớp tắt của hôn nhân là một phần trong hành trình của hôn nhân vậy. Tôi vẫn cho rằng chúng ta đừng cố hoàn hảo cuộc hôn nhân của mình. Đừng dùng thước đo của những cuộc hôn nhân khác mà đo chồng, đo vợ mình. Bạn chính là một chiếc thước đo hạnh phúc của chồng, của vợ. Bằng đổ đầy vào vợ mình đi, bằng mình. Bằng vừa khít chồng đi, bằng mình.

Trên hành trình của cuộc hôn nhân, tôi nghĩ, chúng ta đều cùng nhau trưởng thành là vậy. Để nhiều năm về sau, thứ chúng ta nhớ lại có thể có những giọt nước mắt nhưng sẽ là những giọt nước mắt của ngọt ngào vì chúng ta đã đi qua được nhiều phen chớp tắt cùng nhau vậy!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.