Điểm tựa của con
(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.

“Các khảo sát cần thực hiện trên cả phụ huynh lẫn con cái của họ nhưng sinh viên như em thì “nghèo” quan hệ với các bậc phụ huynh lắm. Em đã rất áp lực và căng thẳng vì điều này, mà thời gian nộp khóa luận thì ngày một tới gần. Vậy là em kể với bố mẹ. Mặc dù không hiểu hết được những kiến thức con gái đang học, nhưng bố mẹ em vẫn đồng ý, ngay lập tức bắt tay vào giúp sức!” - Hằng Nga kể.
Chỉ trong một thời gian ngắn, cả gia đình “tổng lực” giúp con gái hoàn thiện các khảo sát. Bố Nga nhắn tin, gọi điện nhờ vả từng người mà ông quen biết, thân thiết. Câu mở đầu trong những dòng tin nhắn luôn là: “Nhờ mọi người bớt chút thời gian làm bài khảo sát, đề tài nghiên cứu tâm lý của cháu nhà tôi”. Mọi đối tượng đều được ông nhắn tin, bất kể người đó độc thân hay đã kết hôn, có con hay chưa, con đã lớn hay đang trong 10-18 tuổi. Bố mẹ Nga cũng tự tay làm phiếu để con gái có thêm thông tin phục vụ cho khóa luận.
Mẹ Nga hăng hái một, thì bố Nga phải hăng gấp mấy lần. “Bố em gửi nhiều đến nỗi, có bác họ hàng nhắn tin hỏi em xem có phải tài khoản mạng xã hội của bố bị hack không, hay là bị lừa đảo không! Trước đây, trong mắt em, bố là một “tượng đài” lừng lững chở che cho cả nhà, gánh vác tất cả nhọc nhằn, tưởng chừng không gì có thể làm ông chùn bước. Nhưng giờ đây, có lúc ông lại lúng túng, bỡ ngỡ trước thế giới mới mẻ, xa lạ của các con”- Hằng Nga xúc động tâm sự. Kể cả cách làm khảo sát, không phải vừa mới mở bảng ra bố đã biết làm ngay. Nga phải giải thích cho bố mẹ về cách làm, cách truy cập vào đường link, nói với bố mẹ tại sao người này phù hợp với nhu cầu khảo sát, người kia thì không
Ra trường và sẽ làm công việc liên quan đến tâm lý học, câu chuyện cả nhà cùng nhau làm khảo sát giúp Nga nhận ra rằng, khoảng cách thế hệ trong gia đình không phải là 30 năm tuổi tác mà còn là cả một thế giới. “Em đang đi trên con đường mà bố mẹ không còn đủ vốn sống để dẫn lối nhưng họ vẫn luôn ở đó, chưa bao giờ ngừng dõi theo. Dù không thể hiểu hết con đường con cái mình chọn, họ vẫn sẵn sàng là điểm tựa vững chắc phía sau”.