Đoàn tụ gia đình từ chuyến hồi hương đáng nhớ

Chia sẻ

Đến giờ, chị Vũ Thị Quý vẫn không tin mình đã an toàn trở về trong vòng tay của gia đình. Sau 5 ngày ròng rã di chuyển từ Ukraina sang Ba Lan để về nước, chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc từ lo lắng, sợ hãi đến hạnh phúc, 4 mẹ con chị đều mạnh khỏe và bình an về Việt Nam đoàn tụ với gia đình.

4h30 sáng ngày 10/3, tại khu vực sảnh Ga quốc tế (Sân bay Quốc tế Nội Bài) những băng ghế dài đã chật kín chỗ ngồi. Đó đều là người thân của 300 hành khách đang từ Warsaw (Ba Lan) về nước; trong dòng người đó có ông Lê Văn Cừ, bà Lê Thị Đan cũng đang thấp thỏm, hồi hộp chờ đón chị Quý - con dâu của ông bà và 3 cháu nội.

Mặc dù được thông báo 6h15 máy bay mới hạ cánh, nhưng họ vẫn tới sớm và rất mong chờ đến giờ gặp lại con, cháu và người thân của mình sau một thời gian dài xa cách. 6h, chuyên cơ mang số hiệu QH9066 của Hãng hàng không Bamboo Airways đưa công dân Việt Nam sơ tán từ Ukraina đã hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Nội Bài. Trước đó máy bay cất cánh từ Sân bay Quốc tế Frederic Chopin Warsaw của Ba Lan.

Sau hơn 10 giờ bay, 300 người Việt từ Ukraina lần lượt bước ra sảnh đón ở sân bay Nội Bài trong niềm vui chào đón của hàng trăm người thân, nụ cười xen lẫn nước mắt hạnh phúc ngày đoàn tụ.

Bốn mẹ con chị Quý là những người cuối cùng đi ra, niềm vui mừng khó tả sau bao vất vả đi bộ, đi tàu 5 ngày 5 đêm sơ tán sang biên giới Ba Lan để lánh nạn, chị và các con đều đã an toàn trở về nhà.

Gia đình chị Vũ Thị Quý sum họp tại Ukraina khi chiến sự chưa xảy ra 	Ảnh: NVCCGia đình chị Vũ Thị Quý sum họp tại Ukraina khi chiến sự chưa xảy ra  Ảnh: NVCC

Chị Quý bồi hồi nhớ lại: “Ga khi ấy rất đông. Chồng tôi đưa 4 mẹ con đi phải bế cháu bé mới sinh giơ lên trời để không bị dòng người ép lại. Nhiều người lớn cũng phải tạo thành vòng tròn để vây trẻ em ở bên trong. Có gia đình bỏ lại cả ô-tô để lên tàu. Lúc này, không ai tiếc của nữa. Trong đầu tôi cũng chỉ có ý nghĩ duy nhất là các con phải được mạnh khỏe để trở về”.

Gần 1 tuần nay, bà Đan đều không ngủ được vì lo lắng cho các con, các cháu, cứ hễ rảnh việc bà lại gọi điện hỏi thăm tình hình bên đó. Nhất là hôm nghe tin con cháu được bay về nước, bà vừa vui nhưng cũng không tránh khỏi thấp thỏm lo âu, có lẽ chỉ khi tận mắt nhìn thấy họ, được chạm vào da vào thịt thì mới yên tâm phần nào.

Không giấu nổi xúc động, bà Đan ôm chầm lấy con dâu và các cháu nội, ông Cừ cũng bước đến, cả gia đình ôm nhau, khóc ròng ròng. Đó là những giọt nước mắt của sự hạnh phúc, hạnh phúc khi được về với vòng tay của bố mẹ, của quê hương.

Ngôi nhà giản dị của ông Cừ (63 tuổi) ở thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn (Gia Lâm - Hà Nội) mấy ngày nay luôn rộn rã tiếng cười nói của người thân, họ hàng, xóm làng đến chia sẻ niềm vui đoàn tụ khi con dâu và 3 đứa cháu nội của ông, sinh sống nhiều năm ở Ukraina bình an trở về.

Ông Cừ xúc động chia sẻ: “Trải qua nhiều thời kỳ gian khó, chứng kiến nhiều cảnh bom rơi đạn lạc, vì thế, các con, cháu về đến nhà, tôi rất mừng, dẫu còn nhiều nỗi lo về việc làm cho các con, chỗ học cho các cháu, tôi cảm ơn Nhà nước đã bảo trợ cho gia đình tôi được đoàn tụ”.

Trở về lần này, không có anh Lê Văn Dũng - chồng chị Quý, anh động viên vợ đưa các con đi di tản tìm cách về nước, còn mình ở lại cố gắng bảo vệ gia sản mà bao năm qua hai vợ chồng làm lụng vất vả, gây dựng.

Bà Đan tay ôm chặt đứa cháu nội mới chào đời không lâu,miệng không ngừng “cảm ơn ông bà tổ tiên đã phù hộ cho các con cháu được bình an, bé con mới 2 tháng tuổi mạnh mẽ vượt qua mọi sóng gió để về bên vòng tay của ông bà”.

Gian bếp ngày trước chỉ có 2 vợ chồng ông bà, nay chào đón thêm 4 thành viên nên ấm cúng hơn bao giờ hết. Bữa cơm nơi quê nhà, những món ăn giản dị, thân thuộc mẹ nấu mà lâu lắm rồi chị Quý mới có dịp được quây quần thưởng thức bên người thân xua tan hết bao mệt mỏi.

Những đứa trẻ lần thứ hai có dịp về quê nhà không giấu nổi sự háo hức khi nhìn những món ăn chúng hiếm khi được thấy. Tuy chỉ bập bẹ vài câu tiếng Việt nhưng anh em cũng nhanh nhảu phụ giúp ông bà và mẹ dọn cơm, lấy vài hộp bánh kẹo để ông bà thắp hương gia tiên…

Không nói thành lời, nhưng nhìn ánh mắt rạng rỡ của chúng thì thấy đây mới chính là ngôi nhà ấm áp nhất, vui vẻ và đáng nhớ nhất mà chúng luôn muốn trở về. Bởi với chị Quý và rất nhiều đồng bào đã trở về từ Ukraina những ngày qua, đây là chuyến hồi hương khó khăn và cũng hạnh phúc nhất.

HÀ LAN

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.