Đón Tết an vui giữa đại dịch Covid-19

Chia sẻ

Tết Nguyên đán cổ truyền là thời gian để các thành viên trong gia đình sum họp, đoàn viên. Song trước diễn biến rất phức tạp và khó lường của đại dịch Covid-19, nhiều gia đình bắt đầu thay đổi thói quen để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa có cái Tết an vui.

Đón Tết bằng… online

Thời điểm này hàng năm, gia đình bà Hoàng Thị Bảy (quận Đống Đa, Hà Nội) đã chuẩn bị về quê để chúc Tết các gia đình nội ngoại, họ hàng gần xa. Sau đó, vợ chồng bà sẽ ra Hà Nội để cùng con cháu tề tựu đón Tết sum vầy. Sau ba ngày Tết, cả gia đình bà sẽ tổ chức du xuân đầu năm, gần thì đi thăm quan di tích lịch sử trong thành phố, xa hơn nữa thì ra ngoài tỉnh… Nhưng hai năm nay, mọi kế hoạch du xuân hay chúc Tết xa đều bị huỷ bỏ. Ngày Tết không còn được tưng bừng, náo nhiệt như trước.Đại gia đình Việt - Hàn của chị Trần Thị LuyênĐại gia đình Việt - Hàn của chị Trần Thị Luyên và anh Lee Chang Min

“Mọi năm, Tết rộn ràng lắm. Các gia đình, dòng họ ở quê tổ chức bàn tiệc liên hoan, gặp mặt ăn mừng, mổ gà, chung lợn… Năm nay, vì dịch, gia đình tôi chỉ về quê chúc Tết được một ngày, anh em chỉ gặp gỡ quy mô nhỏ, không tập trung đông người. Chúng tôi cũng không đi du xuân ở đâu cả. Mặc dù không đông vui như mọi năm nhưng vì công tác phòng dịch, gia đình tôi và bà con đều hiểu và ủng hộ” – bà Bảy nói.

Con trai bà Bảy hiện đang ở nước ngoài, cũng không thể về quê đón Tết cùng bố mẹ như mọi năm. Năm nay, các con gọi điện thoại để chúc Tết bố mẹ bằng hình thức online. Công nghệ viễn thông trên nền tảng số với những hình thức liên lạc như facebook, zalo, messenger, viber… đã giúp nối liền khoảng cách địa lý. Ông bà cũng dành cho các con những lời chúc đầu năm mới bình an và khuyên các con bảo vệ sức khoẻ. “Chỉ cần ai cũng khoẻ mạnh là đã có cái Tết an vui” – bà Bảy nói.

Tết năm nay, vợ chồng chị Trần Thị Luyên (sinh năm 1988, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và anh Lee Chang Min (quốc tịch Hàn Quốc) không thể về quê nội ở Hàn Quốc đón Tết như mọi năm, nhưng giữa họ, tình thân vẫn rất gắn kết. Chị Luyên cho biết, các năm trước, lịch nghỉ Tết Nguyên đán dài nên vợ chồng chị sắp xếp về xứ sở kim chi để sum vầy cùng gia đình bên chồng sau 1 năm xa cách. Thế nhưng hai năm nay, do dịch bệnh phức tạp, vợ chồng và các cháu về đón Tết ở nhà ngoại (Hải Dương). Vào ngày đầu năm mới, chị “video call” để ông bà nội đón Tết cùng con cháu ở Việt Nam. Anh chị giới thiệu về phong tục đón giao thừa, nghi thức chúc mừng năm mới, các món ăn đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Ông bà nội “lì xì” các cháu từ xa, “hứa” sẽ gửi tận tay các cháu vào một ngày sớm nhất…

Giữ nét đẹp Tết cổ truyền trong gia đình tứ đại đồng đường

Gia đình ông Trần Phú Bảo (SN 1957, trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) có 10 thành viên với 4 thế hệ chung sống với nhau. Mẹ ông - cụ Nguyễn Thị Liệt (sinh năm 1936) năm nay đã gần 90 tuổi. Mặc dù đông người nhưng gia đình ông lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Theo ông Bảo, để giữ nếp hòa thuận đó, không chỉ có sự “chèo lái” khéo léo của bố mẹ mà vợ chồng ông cũng luôn cố gắng sống mẫu mực để các con cháu noi theo. Trong những buổi gặp mặt gia đình, bố mẹ ông luôn nói về tôn ti phép tắc trong gia đình, giữ gìn thuần phong mỹ tục, gia phong sao cho anh em con cháu trên thuận dưới hòa, đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

Đại gia đình ông Trần Phú BảoĐại gia đình ông Trần Phú Bảo

Hàng năm, Tết là dịp để gia đình ông Bảo đoàn viên, đông đúc. Năm nay, mặc dù đã chuẩn bị đón Tết từ giữa tháng 12, song, do dịch bệnh, gia đình ông cũng tiết giảm một số khoản chi tiêu, mua sắm. Trong nhà ông vẫn có đào, quất, vẫn gói bánh chưng, nhưng không còn đi xem pháo hoa, hái lộc như mọi năm vào đêm 30 Tết mà ở nhà, người lớn thì uống trà, làm lễ giao thừa, trẻ nhỏ thì chơi các trò chơi… Đến Mồng Một Tết, các con cháu xếp sau hai cụ, thắp hương khấn vái tổ tiên. Người con trai cả sẽ mừng tuổi, chúc thọ cha mẹ, các con cháu theo thứ tự từ lớn tới bé lì xì và nhận lì xì từ người thân.

“Trước đây, cứ Mồng 3 Tết, bố mẹ tập trung tất cả con cháu về ăn Tết, năm nào cũng hơn 70 người với hơn 10 mâm cỗ” - ông Bảo nói. Theo ông Bảo, lễ Tết đã tiết giảm nhiều, nhưng vợ chồng ông vẫn giữ những phong tục truyền thống để giáo dục con cháu đạo dức, lễ nghĩa trong gia đình.

Gia đình bà Bạch Thị Hoà (sinh năm 1960, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Tranh Khúc, Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) có bốn thế hệ gồm 12 người chung sống, gồm bố mẹ chồng bà đã gần 90 tuổi, vợ chồng bà, vợ chồng hai con trai và 5 cháu nội. Trước đây, các thành viên đều ở chung một nhà. Sau này, vợ chồng bà chia đất, xây nhà cho các con ngay sát cạnh. Ngày Tết, cả nhà bà tập trung, quây quần bên nhau.

Bà Bạch Thị Hoà gói bánh cùng các cháuBà Bạch Thị Hoà gói bánh cùng các cháu

Gia đình bà Hoà có nghề truyền thống là làm bánh chưng, bánh giày, nên càng sát Tết càng bận rộn. Bà Hoà lại là thành viên của tổ Covid cộng đồng ở địa phương có nhiệm vụ rà soát các hộ gia đình để quản lý, đăng ký tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19, tuyên truyền người dân nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết. “Các con tôi hiểu và rất chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, không tụ tập, luôn thực hiện 5K để đảm bảo sức khoẻ cho chính mình và mọi người” – bà Hoà cho biết.

Tết an toàn, tuân thủ 5K sẽ là cái Tết ấm áp

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết, mọi năm, gia đình anh có màn “chạy sô” hai họ nội ngoại, hẹn hò bạn bè đi xem bắn pháo hoa hay cùng vài gia đình người bạn đi du Xuân. Tuy nhiên, năm nay, dịch bệnh căng thẳng khiến gia đình anh “tiết giảm” những thú vui Xuân đầu năm ấy. Cả nhà đi chúc Tết nhanh thay vì ê a ngồi lâu, cùng chúc Tết nhau qua các phương tiện công nghệ hay tự làm 1 “tour” du lịch quanh Hà Nội, ghé thăm nhà vườn của ông ngoại dưới Quốc Oai... “5 người trong gia đình tôi (vợ, chồng và 3 con) vẫn thích quây quần bên nhau là đủ vị Tết” – anh Tú nói.

Gia đình nhà văn, nhà báo Hoàng Anh TúGia đình nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú

Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, Tết năm nay sẽ là một cái Tết khác biệt, không còn những chuyến du lịch nước ngoài đón Tết, đến cả du lịch trong nước cũng gặp nhiều hạn chế. Những cuộc tụ tập cũng bị tiết chế. Nhiều người sẽ không đi xem bắn pháo hoa vào đêm giao thừa. Thay vào đó, nhiều gia đình sẽ có những trải nghiệm thú vị. Dù “bình thường mới”, Tết vẫn sẽ còn nguyên giá trị trong mỗi người Việt, có khi sẽ còn mang tính sum vầy đoàn viên đúng nghĩa hơn. Bởi trải qua những ngày tháng Covid-19, nhiều người sẽ biết trân trọng hơn những điều bình dị của Tết. Nhìn hàng nghìn cuộc đời đã phải kết thúc vì Covid-19, ai cũng sẽ thấy trân trọng việc còn được sống, còn được thở, còn thấy mặt người thân.

“Tôi đánh giá Tết năm nay sẽ đúng ý nghĩa và giá trị hơn nhiều so với những Tết trước. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến chúng ta phải đề phòng nhau, phải tránh tiếp xúc gần, phải học online, phải xa cách nhau, nhưng cũng khiến chúng ta biết trân quý những mối quan hệ hơn, trân quý thời gian hữu hạn của mỗi chúng ta hơn. Và Tết chính là lúc chúng ta sử dụng những trân quý ấy” – nhà văn Hoàng Anh Tú xúc động nói.

Dịch bệnh khiến cho nhiều gia đình trở ngại hơn trong việc về quê đón Tết hay đón Tết tối giản. Vì dịch bệnh, đường về nhà xa hơn. Vì dịch bệnh, tài chính dành cho việc sắm Tết, ăn Tết, chơi Tết cũng sẽ bị cắt giảm đi. Vì dịch bệnh, những cuộc hẹn hò tất niên, những mừng vui hân hoan đón tuổi mới cũng sẽ không còn rôm rả, xôm tụ. Nhưng đó không phải là những nét đẹp duy nhất của Tết cổ truyền! Nét đẹp của Tết cổ truyền là vẫn sẽ được duy trì theo một cách khác, ý nghĩa hơn. Như việc nếu quê đón Tết khó khăn, chúng ta có thể thăm hỏi người thân theo cách khác. Cặp bánh chưng ăn Tết vẫn vui chứ đâu cần phải cỗ bàn linh đình…

“Mỗi chúng ta đừng quên thông điệp 5K trong dịp Tết này. Hãy dành nhiều thời gian cho những người thân yêu hơn nữa, mừng tuổi nhau bằng lời chúc an toàn từ chính sự nghiêm túc thực hiện 5K của bản thân. Mỗi chúng ta giữ an toàn cho mình chính là tặng sự an toàn ấy cho cộng đồng và đón một năm mới bằng sức khỏe của mình và của những người thân. Đừng quên, Tết là yêu thương trở về, hãy đổ đầy bằng thời gian và sự quan tâm chân thành nhất… Tôi tin rằng, chúng ta sẽ không ai mất Tết. Nhất là qua đợt dịch, tinh thần tương thân tương ái của người Việt tăng cao, rất nhiều đội nhóm thiện nguyện ra đời trong mùa dịch, Tết này, chắc chắn họ cũng sẽ không bỏ ai ở lại phía sau” – nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ.

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.