“Đũa lệch” vẫn hạnh phúc

DUY BÌNH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Có những cặp đôi bước vào cuộc sống hôn nhân, trở thành vợ chồng “đũa lệch” về trình độ học vấn, hình thức. Nhưng, trong quá trình chung sống, họ đã tìm cách so bằng “đũa lệch” để hôn nhân hạnh phúc như mong muốn.

“Đũa lệch” vẫn hạnh phúc - ảnh 1

Dùng cái nết so bằng “đũa lệch” với chồng là phương châm vun đắp hạnh phúc và giữ lửa cuộc hôn nhân trong gần 9 năm qua của Nguyễn Hạnh Nguyên (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đó cũng là cách cô “chinh phục” người thân bên chồng, để chấp nhận và yêu mến nàng dâu "đũa lệch". Giữ vẻ tự tin, Hạnh Nguyên nói về yếu điểm của mình - một cô gái tỉnh lẻ, thấp lùn như “cây nấm”, nước da bánh mật. Nhìn bề ngoài, cô chẳng có gì hấp dẫn, nhưng anh Hùng (chồng cô) lại bất chấp tất cả để yêu và cưới bằng được cô gái “nấm lùn” ấy. Hình thức đối ngược với vợ, anh hùng cao lớn, đẹp trai như… diễn viên điện ảnh. Về học vấn, anh có học vị tiến sĩ, là giảng viên của một trường đại học quốc tế tại Việt Nam, còn Hạnh Nguyên chỉ học hết lớp 12, làm thợ may ở một xưởng may gia công ở Hà Nội. 

Thời điểm hai người yêu nhau, khi Hùng dẫn bạn gái về ra mắt gia đình đã gặp phải sự phản đối gay gắt. Bởi xét về mọi mặt, hai người được xem là cặp đôi “đũa lệch”. Lâu nay, bố mẹ Hùng vẫn kỳ vọng con trai lấy vợ ngang bằng học vấn, hình thức khá ưa nhìn để xứng đôi vừa lứa. Vì thế, họ không muốn anh cưới Hạnh Nguyên, lo sợ vợ chồng “lệch pha” quá sẽ không hạnh phúc. 

Hạnh Nguyên kể, không chỉ gia đình anh phản đối mà bố mẹ cô cũng không đồng tình với sự lựa chọn của con gái. Nỗi lo, con gái “lệch pha” với chồng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến hôn nhân bất ổn sau này. Vậy nhưng, tình yêu kiên định của họ đã khiến bố mẹ hai bên lùi bước, chấp nhận cuộc hôn nhân “đũa lệch” của họ. 
Sau gần 9 năm chung sống, cuộc hôn nhân của họ hạnh phúc viên mãn. Ai cũng ngạc nhiên tự hỏi tại sao một anh chồng đào hoa như thế mà lại thủy chung và yêu đắm đuối cô vợ “củ mỉ củ mì” kia được. Ngược lại, cô vợ chẳng có gì đặc sắc vẻ ngoài ấy lại có thể buộc chặt trái tim của người chồng phong độ kia. Thêm vào đó, nhà chồng cô chẳng một lời chê trách con dâu, thậm chí mỗi lần nghe ai bàn tán về sự không tương xứng của hai vợ chồng Hạnh Nguyên, họ bảo con dâu mình “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, rằng “cái nết đánh chết cái đẹp”.

Biết rõ mình có nhiều điểm không tương xứng với chồng nên trong quá trình chung sống, Hạnh Nguyên tìm cách so bằng “đũa lệch”. Cô phát huy những sở trường, thế mạnh khác của mình, sống hòa nhã, yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với mọi người trong gia đình chồng, chăm lo cho chồng con, khéo léo vun vén tổ ấm. Nhờ sự quán xuyến của cô mà bao năm qua nhà chồng được “nhờ dâu” rất nhiều. Biết điểm yếu của mình về hình thức, Hạnh Nguyên áp dụng phương châm "không có người phụ nữ xấu, chỉ là phụ nữ chưa biết cách làm đẹp". Cô dành thời gian tham gia các lớp học trang điểm, học ăn mặc để khắc phục được các yếu điểm của mình. Nhờ đó, mỗi lần đi đâu cùng chồng, Hạnh Nguyên không đến nỗi quá "đũa lệch" so với anh như trước đây. 

Tròn 28 tuổi, Bùi Thu Hoài (Ba Đình, Hà Nội) có trong tay 2 bằng đại học, 1 bằng thạc sĩ, giữ vị trí trưởng phòng maketting của một công ty liên doanh về thực phẩm của Nhật Bản tại Việt Nam. Mất công đầu tư cho con gái ăn học giỏi giang, thành đạt, bố mẹ cô kỳ vọng sẽ kén được chàng rể "môn đăng hộ đối" với con gái về gia cảnh lẫn sự nghiệp. Nhưng ngày cô đưa bạn trai về ra mắt, họ thật sự sốc bởi chàng trai đó chẳng có gì tương xứng với con gái mình. Học vấn thấp hơn, hình thức cũng chẳng nổi bật, gia cảnh không có gì xuất sắc. Sau khi phân tích, góp ý cho con gái thiệt hơn trong việc lấy chồng "đũa lệch", họ tưởng Hoài sẽ đổi ý, tìm chọn một đối tượng khác tương xứng. Nhưng không ngờ, cô vẫn kiên định với tình yêu của mình đến tận 3 năm sau để được bố mẹ chấp nhận. 

Anh Kiên, chồng cô cũng vượt qua bao nhiêu định kiến về vấn đề "lấy vợ học cao" sẽ mất đi vị thế, tôn nghiêm của người đàn ông để cưới được Hoài. Thời điểm yêu và kết hôn với Hoài, anh chỉ là chàng công nhân cơ khí bình thường, với tấm bằng trung cấp nghề. Cuộc hôn nhân "đũa lệch" của họ đã từng là đề tài bàn tán của nhiều người. Nhưng sau 11 năm chung sống, họ đã hỗ trợ nhau để cùng so bằng "đũa lệch". Anh Kiên kể, việc phấn đấu để rút ngắn khoảng cách học vấn, địa vị trong công việc là cần thiết để giữ cân bằng cho cuộc sống hôn nhân của họ. Đó không chỉ là sự tôn nghiêm của một người đàn ông mà còn là để vợ chồng tìm được tiếng nói chung, thấu hiểu nhau hơn. Năng lực học hành hạn chế, nhưng khéo léo về tay nghề nên anh Kiên phấn đấu "thăng hạng" trình độ hàng năm bằng các giải thưởng tại các hội thi công nhân tay nghề giỏi. Sau này có được tay nghề vững, anh mạnh dạn nghỉ việc, ra ngoài đầu tư mở xưởng sản xuất, nhận gia công các đơn hàng cho các cơ sở sản xuất lớn hơn. Nhờ làm ăn uy tín, sản phẩm chất lượng, anh nhận được nhiều đơn hàng, mở rộng cơ sở sản xuất. Giờ thì anh oai phong trong vai trò "doanh nhân", có thể so bằng với vị thế của vợ ngoài xã hội. Nhìn vào, chẳng ai chê họ là cặp vợ chồng "đũa lệch" như trước đây. 

3 Khoảng cách về trình độ, chênh lệch về hình thức là những yếu tố mà khi yêu nhiều người dễ dàng bỏ qua vì cho rằng nó không quan trọng. Thế nhưng khi bước vào hôn nhân, với nhiều vai trò phải đảm nhận, sự "lệch pha" ấy mới lộ rõ tạo nên những "khập khiễng" trong cuộc sống vợ chồng. Nếu mỗi người vợ, người chồng không có ý thức nỗ lực vươn lên để "so bằng đũa lệch", không hỗ trợ bạn đời, cùng nhau kê lại những "khập khễnh" ấy, thì hôn nhân sẽ bất ổn. Bởi người có yếu điểm dễ mặc cảm, tự ti với bạn đời, chán nản không muốn phấn đấu, nảy sinh tâm thế đối chọi, dễ phản kháng tiêu cực với vợ con, và người thân trong gia đình. Người có ưu thế mạnh luôn có tâm thế muốn nhìn lên, không muốn nhìn xuống, nên trước sự thụt lùi, tụt hậu của bạn đời dễ nảy sinh tâm lý coi thường. Đây là những nguyên nhân khiến vợ chồng khó tìm tiếng nói chung trong cuộc sống hàng ngày, hạnh phúc theo đó bị ảnh hưởng.

Giữ lửa hạnh phúc trong những cuộc hôn nhân "đũa lệch" là cả một sự cố gắng hợp sức của hai vợ chồng. Nó giống như hai người đang kéo một chiếc xe vượt dốc. Nếu chỉ có một người nỗ lực kéo xe, còn người đi đằng sau không hỗ trợ đẩy giúp thì rất khó lòng để đưa xe vượt dốc, hoặc có vượt được cũng rất mệt mỏi. Nhưng nếu một người kéo, một người hỗ trợ đẩy từ sau, chiếc xe sẽ vượt dốc dễ dàng. Vì thế nếu nhận được sự thông cảm, thấu hiểu, giúp đỡ của bạn đời, người vợ, người chồng sẽ gạt bỏ những tự ti, mặc cảm về khiếm khuyết, không ngừng nỗ lực học hỏi để vươn lên, biết vận dụng điểm mạnh của mình để cân bằng cuộc sống hôn nhân và giữ lửa hạnh phúc. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.