Đừng biến mình thành “ngân hàng" của con cả đời

Chia sẻ

Rất nhiều cha mẹ từ trẻ cho đến già tiết kiệm từng đồng để có tài sản sau này thừa kế cho con. Họ tự nguyện biến thành "ngân hàng” của con cả đời, mà không cần biết việc đó có thực sự tốt cho con lẫn mình hay không?

Nhiều cha mẹ đã bắt tay thực hiện kế hoạch tích lũy tài sản, nhà cửa cho con ngay khi chúng còn nhỏ (Ảnh minh họa)Nhiều cha mẹ đã bắt tay thực hiện kế hoạch tích lũy tài sản, nhà cửa cho con ngay khi chúng còn nhỏ (Ảnh minh họa)Chấp nhận sống khổ để dành tài sản thừa kế cho con

Bác tôi sinh được hai con trai, phấn đấu tảo tần quá nửa đời người mua được mảnh đất rộng rãi. Khi biết vợ chồng bác mua được mảnh đất ấy, nhiều người ngạc nhiên, không nghĩ họ lại có số tiền lớn như vậy. Bởi bao nhiêu năm nay, ai cũng chứng kiến cảnh vợ chồng bác sống tằn tiện, thiếu ăn thiếu mặc, ốm đau không dám vào bệnh viện chữa trị vì không có tiền. Bây giờ mới vỡ lẽ, hóa ra họ sợ tốn tiền chứ không phải là không có để chi dùng cho cuộc sống hàng ngày. Toàn bộ số tiền tiết kiệm đều để dành để mua mảnh đất này.

Hai cậu con trai bác học xong cấp 3 rồi ra thành phố làm công nhân. Mỗi năm, họ về thăm bố mẹ vào dịp Tết. Tôi còn nhớ, khi vợ chồng bác chưa mua được mảnh đất, họ ở trên một mảnh đất nhỏ chưa đầy 30m2, nhà cửa chật chội. Các con đi làm ăn xa, được đồng nào tiêu dùng cho đời sống riêng, chẳng phụ giúp gì cho cha mẹ. Do đó, hai bác tôi vẫn cần mẫn trồng trọt, chăn nuôi. Họ làm nhiều, có thành quả nhưng cuộc sống lúc nào cũng thiếu thốn. Hóa ra, họ chấp nhận sống khổ để có tiền tích lũy tạo lập tài sản sau này để lại cho con cái… đỡ khổ.

Năm bác tôi 65 tuổi bất ngờ phát hiện bị ung thư giai đoạn 2. Để có thể theo đuổi việc chữa trị, chúng tôi khuyên bác hãy bán mảnh đất hiện có, mua một mảnh nhỏ hơn để ở, số tiền còn lại dành chữa bệnh. Với giá cả hiện tại, nếu bán đất, bác tôi sẽ có một khoản tiền lớn, vừa có tiền chữa bệnh, vừa vui hưởng tuổi già. Nhưng, vợ chồng bác không đồng ý. Họ không muốn tiêu hết số tài sản để dành cho các con, vì nghĩ cuộc đời mình ngắn nhưng cuộc đời các con còn dài, số tài sản đó sẽ giúp ích cho các con. Kết quả những năm tháng tuổi già, bác tôi chấp nhận sống trong bệnh tật đau đớn đến khi mất, vợ bác cũng sống kham khổ như trước để giữ tài sản tích lũy cả đời ấy cho con.

Tôi cho rằng, vợ chồng bác tôi đã sai khi "bất nhẫn" với cuộc đời mình. Tại sao, họ phải có nghĩa vụ cả đời tích lũy tài sản để lại cho con cái. Đành rằng cha mẹ thương con, nhưng có cần thiết phải hi sinh cạn kiệt như thế không? Trong khi các con của bác lại không nghĩ nhiều cho cha mẹ. Họ biết rõ cha mẹ không có tiền chữa bệnh nhưng không ai đứng ra vay tiền để chữa bệnh cho cha. Bởi họ không muốn mang số nợ đó. Vì vậy, tôi nghĩ cha mẹ có trách nhiệm nuôi con trưởng thành và họ không có nghĩa vụ phải tạo lập tài sản thừa kế cho con. Cha mẹ cũng không nên tự biến mình thành “ngân hàng” tích lũy cả đời của con cái. Bởi họ sẽ khiến cho con cái ỷ lại, dựa dẫm, thậm chí sẽ “bóc lột” cha mẹ cả đời.

Nguyễn Thị Huyền Anh (Phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội)

Để lại thừa kế cho con là "nghĩ ngắn", không "nghĩ dài"

Cha mẹ có tài sản để lại cho con cái không sai. Nhưng, theo tôi, đây là cách “nghĩ ngắn” mà quên “nghĩ dài” cho cuộc đời của mình lẫn các con. Gia đình Việt vẫn có quan niệm sống “hi sinh đời bố củng cố đời con”, nên từ lúc sinh con ra, cha mẹ đã gắn cho mình trách nhiệm phải lo cho con đến hết cuộc đời. Lúc con còn nhỏ thì cha mẹ có trách nhiệm nuôi lớn. Con trưởng thành rồi vẫn cha mẹ vẫn chưa thể buông bỏ trách nhiệm ấy xuống.

Hình ảnh quen thuộc trong mọi gia đình Việt là cảnh cha mẹ “lẽo đẽo” theo lo cho con cái cả cuộc đời. Đa số cha mẹ sinh con trai, ngoài việc nuôi con trưởng thành, đã tính trước cho con nhà cửa khi lấy vợ. Nếu sinh hai con trai thì sẽ phải có hai cơ ngơi. Con gái lấy chồng cũng phải có một phần nhỏ làm vốn sinh sống. Vì mục tiêu ấy, họ sẽ làm việc cật lực để tích lũy tiền bạc, tài sản, không dám sống cho bản thân. Tại nhiều gia đình, có những đứa trẻ còn nhỏ nhưng đã biết sau này mình có sẵn nhà để ở, có ô tô để đi; thậm chí là có nguồn thu nhập để sinh sống nếu như không đi làm.

Tôi từng chứng kiến, không ít cha mẹ vay ngân hàng mấy tỷ đồng xây nhà cho thuê với thời gian trả nợ theo hình thức trả góp từ 10-20 năm. Như vậy, cả thời tuổi trẻ của họ chỉ lo làm để trả nợ ngân hàng, nhưng họ lại chấp nhận điều đó. Bởi họ yên tâm sau này con cái mình đã có nguồn thu nhập ổn định từ tiền thuê nhà để sinh sống. Dù họ già yếu, nằm xuống thì không phải lo lắng cho con nữa. Cách “nghĩ ngắn” ấy đã khiến cho những đứa con lớn lên không cần phải phấn đấu vì biết sau này mình không làm việc thì mỗi tháng đã có khoản tiền cho thuê nhà kia để sống. Thậm chí, có những đứa con lêu lổng, chơi bời, sa vào tệ nạn xã hội từ rất sớm, trở thành món “nợ đời” của cha mẹ.

Vậy nên, câu trả lời cho vấn đề cha mẹ có nên để lại của thừa kế cho con hay không, theo tôi vẫn là không nên? Bởi đây là cách “nghĩ ngắn” của cha mẹ xuất phát từ tấm lòng yêu thương con thái quá, mà không “nghĩ dài” đến hậu họa về sau của nó.

“Cha mẹ nên hay không nên để lại tài sản thừa kế cho con? Nếu cho con thừa kế tài sản thì làm thế nào để tài sản thừa kế không phải là nguyên nhân châm ngòi cho cuộc chiến giành tài sản của các con. Nếu chọn cách mang hết tài sản cuối đời vào nhà dưỡng lão để không tạo gánh nặng cho con cháu, và tránh được thảm cảnh tranh giành tài sản thừa kế… có phải là ý hay và hợp tình không? Mời bạn đọc thảo luận về vấn đề này để có cái nhìn toàn diện, thấu đáo hơn. Ý kiến thảo luận được đăng tải sẽ được nhận báo biếu và nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Mọi ý kiến thảo luận xin gửi về chuyên mục Gia đình, Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Dịch Vọng, Cầu Giấy. Điện thoại: 0243.7350555 hoặc email: baophunuthudo@gmail.com”

Vũ Văn Khánh (Phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.