Dũng cảm thoát khỏi bi kịch

Nguyễn Mỹ Lệ (Hà Nội)
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Tôi từng là một nạn nhân của bạo lực gia đình. Người chồng nghiện ngập, cờ bạc, ưa bạo lực đã biến hôn nhân của tôi trở thành địa ngục. Gần 20 năm, tôi sống trong nỗi kinh hoàng, bị tra tấn cùng cực cả về thể xác lẫn tinh thần. Tôi đã từng nghĩ tới cái chết, nhưng rồi vì con gái mà tôi đành gắng gượng tồn tại”.

Dũng cảm thoát khỏi bi kịch - ảnh 1
Ảnh minh hoạ

Chúng tôi cưới nhau  năm 2003, tôi không biết chồng mình lại có máu đỏ đen, nghiện hút. Mỗi khi lên cơn nghiện, anh ta tìm mọi cách bắt tôi đưa tiền. Dù mới cưới, nhưng nếu tôi không đáp ứng, anh ta chửi mắng tôi thậm tệ. Rồi dần dần từ chửi bới, anh ta bắt đầu bạo hành tôi. Những lần đánh đập cứ tăng dần mức độ.

Rồi tôi sinh con đầu lòng với hy vọng khi được làm bố, chồng tôi sẽ thay đổi. Nhưng anh ta vẫn chứng nào tật nấy. Anh ta có thể đánh, đạp, đấm đá tôi bất kể vì lý do gì, đôi khi chỉ là anh nhìn tôi thấy “ngứa mắt”, hay là tôi nói một câu nào đó khiến anh ta không bằng lòng. Rồi anh ta còn muốn kiểm soát cuộc sống của tôi. Anh ta bắt tôi phải làm việc cùng anh ta (phụ xây), mục đích là để không cho tôi tiếp xúc với ai. Tiền tôi làm ra, anh ta đều biết và nắm giữ. 

Ngôi nhà của tôi chưa bao giờ là tổ ấm mà chỉ chất chứa những ký ức kinh hoàng. Không chỉ tôi mà cả con cũng bị ảnh hưởng khi phải chứng kiến bố thường xuyên chửi bới, đánh mẹ. Còn mẹ, không đủ sức chống cự nổi mà chỉ biết co mình chịu trận. Con tôi dần sợ bố và tìm cách tránh bố. Con cũng trở nên ít nói và trầm tính hơn.

Rất nhiều lần, tôi đã nghĩ tới việc ly hôn, nhưng rồi lại bị chồng đe dọa, ngăn cản. Anh ta còn thách thức tôi nếu dám làm vậy thì sẽ cho tôi nhừ đòn. Thế là tôi lại chần chừ, hy vọng biết đâu thời gian sẽ giúp chồng tôi sửa đổi tính nết.

Rồi tôi lại nghĩ tới việc dứt áo ra đi. Tôi muốn ra ngoài thuê nhà nhưng trong túi không có tiền. Tôi cũng không thể vứt bỏ con ở lại một mình với người bố bạo lực. Chồng tôi biết điểm yếu ấy nên càng kiểm soát và hành hạ tôi.

Tôi chỉ dứt khoát ly hôn khi sau một lần bị chồng đánh trong đêm tới mức thập tử, nhất sinh. Tôi nghĩ nếu cứ tiếp tục như vậy, không chỉ cuộc sống của tôi mà cả con tôi cũng sẽ giống như đang ở trong địa ngục. Tôi quyết định đưa con ra ngoài và gửi đơn lên Tòa xin đơn phương ly hôn với lý do bị chồng bạo hành. 

Tuy nhiên, một lần nữa, tôi lại gặp phải khó khăn khi tòa án (tôi xin giấu tên) yêu cầu tôi phải nộp chứng cứ bị bạo hành. Lúc này, tôi mới phát hiện ra, mình không có chứng cứ nào. Những trận bị chồng đánh, tôi đều âm thầm chịu đựng, không dám để con hay người ngoài biết. Rồi những tờ giấy anh ta viết để đe dọa, chửi mắng, tôi đọc xong lại bỏ đi luôn. Mỗi lần gặp tôi ở tòa, chồng tôi lại ngang nhiên chửi bới, thậm chí suýt hành hung tôi. Quá túng quẫn, tôi đã phải khóc, yêu cầu được bảo vệ vì tôi là nạn nhân của bạo lực gia đình. Tôi gửi đơn cầu cứu tới Hội Phụ nữ. Rồi khi có công văn đề xuất của tổ chức Hội, vụ án ly hôn của tôi mới diễn ra thuận lợi. 

Sau ly hôn, chồng cũ còn có nhiều lần đe dọa, nhưng không dám hành hung tôi như trước; còn tôi đã không còn cam chịu nữa. Nếu anh ta dám làm gì mẹ con tôi, chắc chắn, tôi sẽ gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng.

Dũng cảm thoát khỏi bi kịch - ảnh 2

Lời bình của chuyên gia

Lâu nay có những người vợ bị chồng bạo hành nhưng vẫn cố chịu đựng vì muốn có một gia đình trọn vẹn. Người phụ nữ thường nghĩ cho các con, muốn con của mình có đủ cả bố mẹ và như vậy mới là một gia đình tốt. Tuy nhiên, ở đây chị Lệ đã nhận ra nếu chị bị bạo hành thì không khí gia đình sẽ bị ảnh hưởng và những đứa trẻ sẽ không được hạnh phúc. Đây là một quan điểm tiến bộ, đúng đắn bởi vì không có hạnh phúc nào ở trong một gia đình bạo lực.  Từ đó, chị đã đưa đến một quyết định là phải ly hôn để chấm dứt bạo lực gia đình cũng như cho con một mái ấm thực sự dù không có bố. Cuộc ly hôn mất rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí là đe dọa bị tấn công nhưng chị đã kiên định đến cùng và biết tìm kiếm sự trợ giúp từ Hội Phụ nữ để thực hiện thành công. Đây cũng chính là bản lĩnh và sự mạnh mẽ của chị mà chúng ta có thể học hỏi. 
 
Chị Lệ cũng không chỉ dừng lại ở việc giải quyết bạo lực gia đình hay ly hôn mà với nội lực mạnh mẽ, chị đã hỗ trợ những gia đình khác, những phụ nữ khác để họ không phải chịu đựng sự bạo lực nữa. 
 
Qua đây có thể rút ra thông điệp: Muốn giải quyết bạo lực gia đình một cách triệt để, chúng ta cần phải nhận thức nhẫn nhịn trước bạo lực không bao giờ làm cho con người ta hạnh phúc. Chúng ta cần phải sát cánh bên nhau, tạo ra một cộng đồng mạnh mẽ để bảo vệ những người phụ nữ, những đứa trẻ và gia đình.
Thạc sỹ tâm lý Vũ Thu Hà - Viện nghiên cứu, đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam
 

Tôi cũng quyết định tham gia một nhóm tuyên truyền phòng chống bạo lực và giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Tôi tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tình trạng bạo lực và tầm quan trọng phải tăng cường ứng phó, ngăn ngừa bạo lực. Tôi sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình như một lời tố cáo tác hại khủng khiếp của bạo lực lên các nạn nhân. Tôi nói với các chị em, một lần mình để im cho chồng đánh, tát thì sẽ có lần thứ 2, thứ 3 và bạo lực sẽ cứ thế leo thang. Nếu thấy cần giải thoát, chị em cũng hãy dũng cảm ly hôn càng sớm càng tốt, chứ đừng cố gắng kéo dài thêm hôn nhân với lý do hy sinh vì con. Các chị em hãy nhớ rằng, chỉ khi người mẹ được tôn trọng, khỏe mạnh, hạnh phúc thì họ mới nuôi được con khỏe mạnh,  hạnh phúc. Một đứa trẻ nếu cứ phải sống trong môi trường bạo lực thì sẽ không thể lớn lên bình thường được. Tôi đã mất gần 20 năm mới tìm ra chân lý ấy. 

Sau ly hôn, tôi cũng đã từng trải qua những khó khăn ban đầu nhưng rồi dần dần, chỉ cần cố gắng thì mọi việc khó sẽ qua. Hiện tôi đang làm việc ở một quán café và tự kiếm được tiền mà không bị ai kiểm soát. Con tôi cũng ngoan ngoãn, đã vui vẻ trở lại và rất biết nghĩ cho mẹ. Chúng tôi đang thuê một căn phòng nhỏ để ở cùng nhau. Với tôi, cuộc sống mới này thật sự tuyệt vời.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.