Đừng chờ con lớn mới dạy... bơi

T.MẪN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Biết bơi là kỹ năng sinh tồn quan trọng, việc chọn đúng thời điểm, đúng độ tuổi sẽ giúp trẻ học nhanh hơn, an toàn và không bị sợ nước, góp phần giúp mỗi chuyến đi của con và gia đình thêm an tâm, vui vẻ.

Học bơi không chỉ là kỹ năng vận động, mà còn là kỹ năng sinh tồn thiết yếu giúp trẻ phòng tránh các tai nạn đuối nước đáng tiếc. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng nắm rõ thời điểm lý tưởng để con bắt đầu học bơi.

Dạy quá sớm có thể khiến trẻ sợ nước, trong khi chờ quá lâu lại bỏ lỡ giai đoạn phát triển thể chất vàng của trẻ nhỏ. Độ tuổi học bơi phù hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự phát triển thể chất, tâm lý và khả năng tiếp thu của trẻ. Cha mẹ cần cân nhắc kỹ càng để khởi đầu hành trình học bơi một cách an toàn, hiệu quả và tạo được sự hứng thú cho con.

Đừng chờ con lớn mới dạy... bơi - ảnh 1
Học bơi là kỹ năng quan trọng và cần thiết của trẻ.

Nhiều cha mẹ có xu hướng cho con học bơi từ rất sớm, thậm chí từ lúc bé còn dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo, không phải cứ càng sớm càng tốt.

Từ 4 tuổi trở lên là thời điểm phù hợp nhất để trẻ học bơi chính thức: Theo Tổ chức Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), trẻ từ 4 tuổi có thể bắt đầu học các kỹ thuật bơi cơ bản một cách an toàn và hiệu quả. Ở độ tuổi này, trẻ đã đủ khả năng hiểu và làm theo chỉ dẫn của huấn luyện viên, phối hợp tốt các bộ phận cơ thể và nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm của nước.

Trẻ từ 1-3 tuổi chỉ nên làm quen với nước: Một số lớp bơi cho bé hiện nay được thiết kế để trẻ dưới 3 tuổi làm quen với nước, tăng sự thích nghi và phản xạ. Tuy nhiên, đó không phải là học bơi đúng nghĩa. Mục tiêu chính là tạo cảm giác an toàn, vui vẻ, và không sợ nước, chứ không hướng tới việc dạy kỹ thuật bơi.

Không nên bắt đầu quá sớm vì trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chưa có đủ sự phát triển về thần kinh và cơ thể để học bơi hiệu quả. Ngoài ra, nguy cơ viêm tai, cảm lạnh hay viêm đường hô hấp khi tiếp xúc nước nhiều cũng là điều cha mẹ cần cân nhắc.

Cha mẹ cũng cần lưu ý những dấu hiệu cho thấy con đã sẵn sàng học bơi. Không phải cứ đúng độ tuổi là trẻ có thể học bơi. Mỗi trẻ có sự phát triển khác nhau, và việc học bơi sẽ thuận lợi hơn nếu con đã sẵn sàng cả về thể chất lẫn tâm lý. Dưới đây là một số dấu hiệu để cha mẹ nhận biết: Trẻ có thể hiểu và làm theo những chỉ dẫn cơ bản; Trẻ không quá hoảng sợ hay khó chịu khi tiếp xúc với nước; Trẻ có khả năng giữ thăng bằng tốt, không có bệnh lý về tim phổi, hô hấp hay thần kinh vận động; Trẻ thể hiện sự thích thú và hứng khởi khi được tham gia các hoạt động dưới nước.

Đừng chờ con lớn mới dạy... bơi - ảnh 2
Cha mẹ chú ý quan tâm đến tâm lý, an toàn khi cho con học bơi.

Để trẻ học bơi hiệu quả và an toàn, cha mẹ cần chuẩn bị và đồng hành cùng con ngay từ những buổi học đầu tiên. Chọn lớp học phù hợp: Ưu tiên các trung tâm bơi lội có huấn luyện viên chuyên nghiệp, có kinh nghiệm dạy trẻ em. Bể bơi cần đảm bảo vệ sinh, nhiệt độ nước phù hợp (28-30 độ C), có phao an toàn, đội ngũ cứu hộ túc trực.

Không ép buộc khi con chưa sẵn sàng: Nếu trẻ tỏ ra sợ hãi, khó chịu, cha mẹ không nên ép buộc mà hãy kiên nhẫn giúp con làm quen dần. Áp lực quá mức có thể khiến con ám ảnh, từ chối học bơi lâu dài.

Trang bị đầy đủ: Trang phục bơi vừa vặn, kính bơi, mũ bơi và kem chống nắng nếu học ngoài trời là những thứ cần thiết. Ngoài ra, phao hỗ trợ cũng rất quan trọng với trẻ mới bắt đầu.

Luôn giám sát: Dù trẻ đã biết bơi, tuyệt đối không để trẻ một mình dưới nước. Trẻ em có thể mất kiểm soát hoặc gặp tình huống bất ngờ bất cứ lúc nào. Sự giám sát của người lớn là nguyên tắc bắt buộc.

Tạo tâm lý tích cực: Khuyến khích, động viên con bằng lời khen, phần thưởng nhỏ khi con tiến bộ. Tâm lý thoải mái sẽ giúp trẻ dễ tiếp thu hơn rất nhiều...

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ con trên môi trường số

Bảo vệ con trên môi trường số

(PNTĐ) - Hiện nay, internet và các thiết bị số đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi gia đình, đặc biệt là với trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, môi trường số cũng ẩn chứa không ít thách thức và hiểm họa khó lường với trẻ.
Bài học yêu thương sau cú ngã của mẹ

Bài học yêu thương sau cú ngã của mẹ

(PNTĐ) - Hôm ấy, tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác lạnh toát sống lưng khi bố tôi nghe điện thoại gọi đến từ bệnh viện: “Vợ anh gặp tai nạn giao thông, hiện vẫn hôn mê, đang được cấp cứu”. Có vẻ bố tôi không kịp nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ biết cầm áo khoác, lấy chìa khoá xe máy rồi lao ra đường, còn tôi nước mắt chực trào còn chân thì muốn khuỵu xuống.
Chuyện tình thời hoa lửa cao đẹp, vượt thời gian của vợ chồng người thương binh mù

Chuyện tình thời hoa lửa cao đẹp, vượt thời gian của vợ chồng người thương binh mù

(PNTĐ) - Hồi tháng 4 vừa rồi, trong chương trình giao lưu “Huyền thoại Trường Sơn” do Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), tôi đã được lắng nghe câu chuyện tình yêu đầy xúc động giữa bà Phan Thị Kim Song và người thương binh hạng 1/4 - ông Cao Văn Thành, nguyên Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mâm cơm đãi khách

Mâm cơm đãi khách

(PNTĐ) - Những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đôi khi không đến từ chuyện lớn, mà chỉ là cách lau nhà, nêm nếm món ăn hay một câu nói vô tình. Nhưng rồi, chính một bữa cơm lại có thể giúp mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt khác.
Cháu mới là người có lỗi

Cháu mới là người có lỗi

(PNTĐ) - Vào bữa cơm, bà nội vô tình đánh rơi bát, cơm vương vãi khắp bàn. Minh trước khi đứng lên lấy khăn lau bàn đã kịp trách bà: “Trời ơi, bà làm sao vậy, đổ hết rồi”.