Dùng dằng ly hôn vì vướng... của hồi môn
(PNTĐ) - Nhiều cặp vợ chồng khi đến với nhau thì vui vẻ “góp của” cho hôn nhân. Nhưng, khi mâu thuẫn tới mức ly hôn, họ bắt đầu gặp rắc rối trong việc phân chia tài sản. Người yêu cầu nhận lại phần tài sản đã góp, người lại cho rằng, đó đã trở thành tài sản của chung. Những mệt mỏi khi ly hôn vì thế càng nhiều thêm.
Của hồi môn từ nhà ngoại: Ai được hưởng?
Năm 2010, anh T quê Hưng Yên kết hôn với chị M. Vào ngày cưới, trước mặt họ hàng ở quê, bố mẹ chị M đã tuyên bố cho con gái 3 tỷ đồng làm của hồi môn và nhắn nhủ vợ chồng dùng số tiền này để phát triển kinh doanh. Sau cưới, chị M vẫn ở lại nhà ngoại, còn anh T lên Hà Nội tập trung phát triển kinh doanh từ nguồn vốn của bố mẹ vợ cho. Nhờ có khả năng tính toán của anh mà sau 2 năm, tiền gốc đã “đẻ” gấp đôi nên anh chị có trong tay 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 năm sống xa cách đã khiến vợ chồng anh T cách lòng. Chị M có người mới nên đòi ly hôn.
Theo anh T, do chưa kịp có con chung nên vợ chồng anh không phải giải quyết vấn đề nuôi con, nhưng, lại không thống nhất được về phân chia tài sản. “Cô M đòi lấy lại toàn bộ số tiền 3 tỷ bố mẹ đã cho làm của hồi môn. Ngoài ra, 3 tỷ đồng còn lại, cô M cũng lại đòi chia đôi vì bảo đó là tài sản chung trong hôn nhân. Nhưng, tôi thấy như vậy không hợp lý vì để có 3 tỷ đồng đó, tôi đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt.
Trong khi đó, M vẫn yên vị ở nhà bố mẹ chứ cũng không góp sức gì cùng tôi. Nay, nếu M đòi khoản lớn khoản bé như vậy hóa ra tôi chỉ là người... kiếm tiền thuê cho nhà vợ hay sao?”.
Nghĩ rằng mình thiệt thòi, anh T không chấp nhận yêu cầu của chị M. Theo anh, tiền hồi môn của nhà ngoại cho khi vợ chồng kết hôn phải được tính là tài sản chung. Vì vậy, 6 tỷ đồng cần được chia đôi. Hoặc nếu chị M đòi lấy lại 3 tỷ hồi môn thì toàn bộ số tiền lãi do anh kiếm được khi buôn bán ở Hà Nội phải thuộc về anh vì đó là công sức của riêng mình anh. Anh không chịu ký vào đơn ly hôn nữa để ngăn cản chị M đến với “người mới”.
Trong khi đó, chị M cho rằng, tiền bố mẹ cho mình thì phải là của mình. Số tiền lãi còn lại dù do anh T đầu tư mà có lãi nhưng vẫn phải dựa vào khoản tiền vốn 3 tỷ của chị. Vì vậy, dù không trực tiếp tham gia kinh doanh nhưng chị vẫn có công và đây phải là tài sản chung trong hôn nhân.
Pháp luật quy định như thế nào về tài sản chung, riêng của vợ chồng?
Theo luật sư Trần Thị Thanh Lam, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội việc xác định tài sản chung, tài sản riêng và nguyên tắc chia tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình thì̀ “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung…
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.
Khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về tài sản riêng của vợ, chồng như sau: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng”.
Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau: Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Pháp luật thừa nhận quan hệ hôn nhân của nam nữ kể từ thời điểm đăng ký kết hôn, do đó cần xác định anh T và chị M đăng ký kết hôn trước hay sau ngày cưới. Khi bố mẹ vợ anh T cho vợ chồng anh chị 3 tỷ đồng làm của hồi môn là trao cho riêng chị M hay là trao chung cho vợ chồng và anh M còn chứng cứ nào chứng minh việc tặng cho này không.
Trường hợp của hồi môn được bố mẹ vợ anh T trao trước khi vợ, chồng anh đăng ký kết hôn thì đây là tài sản riêng của chị M. Nếu của hồi môn được cho trong thời kỳ hôn nhân (sau khi đăng ký kết hôn), nhưng xác định được rằng đây là tài sản bố mẹ vợ anh T cho riêng con gái thì được xác định là tài sản riêng của chị M. Khi của hồi môn được bố mẹ vợ anh T trao khi vợ, chồng anh T đã đăng ký kết hôn hoặc được trao trước khi đăng ký kết hôn và trao riêng cho chị M nhưng cả hai bên thống nhất sáp nhập vào tài sản chung thì đây là tài sản chung của vợ, chồng.
Nếu của hồi môn trao cho vợ chồng anh T mà cha mẹ thể hiện ý chí cùng trao cho cả hai vợ chồng để lấy vốn làm ăn chung thì đây được xác định là tài sản chung của vợ, chồng.
Như vậy, pháp luật không quy định rõ của hồi môn là tài sản chung hay tài sản riêng mà phụ thuộc vào thời điểm người vợ có được của hồi môn và ý chí của bố mẹ vợ khi cho tài sản này hoặc ý chí của vợ chồng khi nhận số tài sản này. Nếu của hồi môn được cho trong thời kỳ hôn nhân (sau khi đăng ký kết hôn), nhưng không xác định được rằng đây là tài sản bố mẹ vợ anh T cho riêng chị M thì được coi là tài sản chung của vợ chồng và được chia đôi cho vợ chồng theo Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình.
Đối với số tiền 3 tỷ đồng (lãi từ hoạt động kinh doanh) là thu nhập do hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hôn nhân nên được xác định là tài sản chung vợ chồng nên khi ly hôn sẽ chia đôi. Tuy nhiên sẽ xem xét đến công sức đóng góp của vợ/chồng trong việc tạo lập nên tài sản chung để chia số tiền 3 tỷ đồng này với tỷ lệ phù hợp.