Đừng thương mẹ theo cách ấy

Chia sẻ

PNTĐ-Cảm động lắm nhưng tôi vẫn phải nói ra cái điều mà mẹ nó không dễ mở lời: Biết là các con thương mẹ nhưng đừng thương... theo cách ấy!

 
Đừng thương mẹ theo cách ấy - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Chị từng là diễn viên nhà hát kịch, đam mê với nghề diễn nhưng rồi phải từ bỏ để ra ngoài lăn lộn kiếm sống khi chồng bệnh nặng, vừa lo chữa bệnh cho chồng và nuôi hai đứa con. Vậy rồi chồng chị cũng bỏ mẹ con chị mà đi. Cả một thời gian dài chị phải còng lưng trả nợ số tiền đã vay mượn để chữa bệnh cho chồng. Rồi em trai chị làm ăn thua lỗ, bỏ trốn, bố mẹ già yếu lại phải cậy nhờ đến chị. Bọn chủ nợ suốt ngày đến dọa dẫm, khống chế. Có một thời gian, chị đã phải gửi bố mẹ và hai đứa con nhỏ về dưới quê chồng lánh nạn.
 
Chịu khó, chịu khổ lại giỏi giang, tháo vát nên dần dần chị tôi cũng ổn định cuộc sống. Số tiền kiếm được chị lại tích cóp mua đất rồi bán lại. Gặp thời vận, kinh tế chị tôi khấm khá lên. Ở tuổi ngoài 50 chị tôi đã có một ngôi nhà khang trang giáp hai mặt phố, tiền gửi tiết kiệm. Hai đứa con chị đã được ăn học đến chơi đến chốn, ra trường tìm được công việc thu nhập cao và đều đã được mẹ dựng vợ gả chồng.
 
Là người có tư tưởng sống khá hiện đại nên khi con cái có gia đình chị không bắt buộc con phải sống chung với mình. Chị luôn để ngỏ nếu con muốn sống  riêng thì chị cũng sẵn lòng. Con trai và con dâu chị thích ở chung cư nên khi chúng nó mua nhà chị hỗ trợ rất đắc lực. Con dâu cũng là đứa biết điều, ngày dọn về nhà mới nó thiết tha:
 
- Mẹ sống một mình cũng buồn mà bọn con cũng không yên tâm, chi bằng mẹ đến ở cùng chúng con.
 
Nghe con dâu nói thế chị cũng mát lòng mát dạ nhưng chị nghĩ có tuổi rồi trái tính trở nết, thói quen sinh hoạt cũng khác, sống chung với nhau lại dễ xung đột, va chạm nên chị vẫn ở lại nhà mình. Con gái cũng thương mẹ, mấy lần vận động mẹ đến ở nhưng chị từ chối. Khi sinh con chúng nó cũng thuê giúp việc chứ không muốn mẹ phải trông nom vất vả.
 
Là các con cứ thương, lo cho chị vậy thôi chứ chị thấy sống một mình cũng hay. Bản thân chị thoải mái mà con cái cũng đỡ cảm thấy phiền phức. Sống chung một thành phố, cuối tuần con cháu về thăm. Còn không thì bất cứ lúc nào nhớ con cháu, không muốn đi taxi, xe buýt chị chỉ cần ra ngay ngõ vẫy bác xe ôm là bác chở đến tận nhà. Chị vẫn tự lo được cuộc sống cho mình nhưng hai đứa con chị chúng nó không chịu nên bàn nhau thuê người giúp việc cho mẹ. Chị phản đối kịch liệt nhưng con gái năn nỉ:
 
- Con xin mẹ đấy, mẹ vất vả nhiều rồi giờ có tuổi để sức mà nghỉ ngơi với lại có người giúp việc ở cùng nhỡ đêm hôm có chuyện gì còn có người bên cạnh chứ?
 
Thấy con cái cứ khăng khăng như vậy, chị tôi đành nghe theo. Ngay hôm sau, nhà chị tôi có người giúp việc. Tiền công của giúp việc các con đứng ra chi trả không để chị phải bận tâm.
 
Trước đây cứ túc tắc quét cái nhà, lau cái bếp, tưới cây chị còn có việc để làm. Từ ngày có giúp việc, chị cảm thấy tay chân mình thừa thãi, hết xem tivi rồi lại đi ra đi vào chờ đến bữa cơm. Mà cả ngày chẳng làm việc gì đến bữa cũng không thấy đói. Chị kể: có hôm thấy con bé giúp việc lấy quần áo xuống rồi chạy ra ngõ đổ rác, chị liền ngồi gấp. Con bé quay lên nhìn thấy thế bảo:
 
- Bà làm thế các cô chú mà biết thì con bị mất việc.
 
Con bé chăm chỉ nhưng không biết nấu ăn lại nhanh nhẩu đoảng nên nhiều phen nó làm chị hết hồn, một thời gian sau chị tôi phải cho nó nghỉ. Giúp việc thứ hai là một chị lớn tuổi hơn. Chị này cẩn thận, tháo vát nhưng lại hay chiêu trò nên cuối cùng cũng bị cho nghỉ. Từ đó đến nay cũng đã năm bảy người nhưng chẳng ai ở được lâu. Mỗi lần chị tôi cho người giúp việc nghỉ việc là con chị lại cuống lên đi tìm người mới mặc cho chị không ít lần thở dài:
 
- Mẹ đã bảo các con là mẹ vẫn đang đủ sức lo cho mình.
 
Dạo rồi chị tôi tình cờ gặp lại một người bạn mới biết cô bạn đang sống trong Trung tâm dưỡng lão. Trông cô bạn rất khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ, phấn chấn. Lúc đầu nghe kể về cuộc sống ở đây chị tôi không tin lắm nhưng khi đến tận nơi mục sở thị, chị tôi thấy rất hài lòng và nảy ý định sẽ vào sống ở đây. Chị cũng đã tính đến chuyện bán căn nhà chị đang ở sẽ được một khoản tiền kha khá đủ để cho chị gửi vào Trung tâm dưỡng lão sinh sống phần còn lại thì chia đều cho các con.
 
Ý định của chị bị con cái phản đối kịch liệt. Con gái còn buông giọng giận dỗi:
 
- Mẹ nghĩ thế nào mà vào đó hả mẹ? Bọn con đang sống sờ sờ cả đây mà!
 
Chị tôi giải thích thế nào chúng nó cũng không nghe. Thấy con cái không đồng thuận, chị tôi cũng không muốn quyết để rồi cứ mỗi ngày trôi qua chị lại thấy cuộc sống thật buồn tẻ. Đã thế không ít lần phải bực bội vì những phiền toái từ người giúp việc.
 
Một lần, chị đến nhà tôi chơi, nhìn tôi xoay vần với mấy đứa cháu hết cho ăn lại dỗ chúng nó ngủ, chị cười trêu:
 
- Bận bịu nhưng mà hạnh phúc em ạ, chứ như chị bây giờ mở mắt ra là ngồi đếm mong sao cho hết ngày, chán lắm.
 
Chị nén tiếng thở dài. Nhìn chị, ai cũng nghĩ chị thật sung sướng, nhàn hạ nhưng tôi biết chị không thực sự vui vẻ, thoải mái với cuộc sống tuổi già như chị mong muốn.
 
Hôm rồi đến dự đám giỗ chồng chị, tôi gọi các con chị vào cố giải thích cho chúng hiểu những tâm tư trong lòng mẹ nó. Nghe chúng nó giãi bày, tôi biết chúng thương yêu và lo lắng cho mẹ rất nhiều. Cảm động lắm nhưng tôi vẫn phải nói ra cái điều mà mẹ nó không dễ mở lời:
 
- Biết là các con thương mẹ nhưng đừng thương theo cách ấy!
 
THU HOÀN

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.