Duy trì hạnh phúc chăn gối khi vợ mang thai
PNTĐ-Làm thế nào để duy trì niềm hạnh phúc chăn gối trong thời kỳ vợ mang thai, có nên kiêng cữ cho đến khi vợ sinh nở xong hay không, nếu kiêng thì trong thời gian bao lâu...
"Từ lúc mang thai, em luôn có ham muốn chăn gối nhưng chồng em lại rất sợ gần gũi vợ vì lo ảnh hưởng đến con. Anh ấy để mặc em phải khổ sở vì sự "thiếu đói" trong suốt thời kỳ mang thai. Thậm chí nhiều lúc em cố gắng "đòi hỏi" còn bị anh ấy mắng là chỉ chú ý đến niềm vui cá nhân mà không để ý lo cho con cái. Vì chuyện này mà em đã giận anh ấy rất nhiều, cuộc sống vợ chồng trở nên lạnh nhạt".
(Hanhmai @yahoo.com).
"Em thật sự khổ sở với vấn đề quan hệ chăn gối kể từ khi mang thai. Chồng em cho rằng mang thai không ảnh hưởng gì đến chuyện vợ chồng gần gũi nhau nên rất muốn vợ "chiều" thường xuyên. Nhưng em lại luôn muốn né tránh, phần vì mệt mỏi khi mang thai, phần lo sợ "chuyện đó" sẽ khiến thai nhi bị ảnh hưởng. Chuyện này dẫn đến tình trạng em luôn bị chồng "cưỡng bức" trong cuộc sống phòng the, lúc nào cũng thấy căng thẳng, lo lắng thay vì cảm nhận được niềm hạnh phúc. Chồng em cũng bực bội trước tình trạng này của vợ, hạnh phúc của chúng em theo đó bị ảnh hưởng rất nhiều".
(Ngoctram...@gmail.com)
Làm thế nào để duy trì niềm hạnh phúc chăn gối trong thời kỳ vợ mang thai, có nên kiêng cữ cho đến khi vợ sinh nở xong hay không, nếu kiêng thì trong thời gian bao lâu, sao vợ lại bỗng dưng trở nên ham muốn bất thường hoặc bị lãnh cảm luôn khi mang thai... là những vấn đề mà không ít cặp vợ chồng trăn trở và gặp phải. Việc thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng như kỹ năng chung sống vợ chồng trong thời kỳ vợ mang thai đã khiến cho nhiều cặp đôi rơi vào cảnh khủng hoảng hôn nhân. Tình trạng vợ chồng bị "bỏ đói" hoặc bị "cưỡng bức" diễn ra không ít, để rồi từ đây nảy sinh những bi kịch không mong muốn.
Thật ra, một phụ nữ mang thai bình thường, không có vấn đề gì về sức khỏe thì không cần thiết phải kiêng cữ quan hệ chăn gối trong suốt thời kỳ mang thai. Đa số mọi người có suy nghĩ quan hệ chăn gối sẽ gây hại đối với thai nhi, với sức khỏe của người mẹ nên dù ham muốn đến mấy vợ chồng cũng phải "nhịn". Tuy nhiên, thực tế tình dục vẫn mang lại những lợi ích tốt cho người mẹ trong thời kỳ mang thai, gắn kết tình cảm vợ chồng. Hai vợ chồng nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn duy trì đời sống tình dục khi sức khỏe của người vợ trong thời kỳ mang thai có vấn đề như: Trường hợp người vợ có tiền sử bị sảy thai, đẻ non nên cẩn thận và hạn chế quan hệ trong thời kỳ 3 tháng đầu mang thai; Thai phụ bị mắc bệnh huyết áp, có vấn đề bất thường về cổ tử cung, nhau thai bám thấp…
Ngược lại, nếu người vợ mang thai mệt mỏi, không có ham muốn nhưng sợ chồng bị "bỏ đói" sẽ ra ngoài ngoại tình nên đã cố gắng "chiều chồng" là không nên. Vì việc này sẽ dẫn đến tình trạng, người vợ sẽ có tâm lý lo lắng, bất an, sợ hãi có thể bị lãnh cảm tình dục sau này. Trong lúc này, người vợ cần sự chia sẻ, thông cảm từ chồng nên bao giờ hết. Thay vì trách móc, giận dỗi vợ, thậm chí "cưỡng bức" vợ, người chồng nên động viên, an ủi, chia sẻ với vợ trong giai đoạn khó khăn này.
Ngoài ra, một số cặp vợ chồng trẻ có tâm lý "xấu hổ" với em bé trong bụng mẹ, sợ con "chứng kiến" hết mọi chuyện nên đã không cảm thấy thoải mái khi gần gũi nhau, khiến cho chất lượng cuộc sống phòng the bị giảm sút. Thật ra, em bé luôn được bảo vệ trong "căn phòng riêng" và không hề "quấy nhiễu" hay "làm phiền" gì bố mẹ trong "chuyện đó". Do vậy, vợ chồng không nên quá để tâm đến con mà từ bỏ niềm hạnh phúc chăn gối.
Việc duy trì niềm hạnh phúc phòng the trong thời gian vợ mang thai cần nhiều sự thông cảm, thấu hiểu của người chồng, đặc biệt là phải có kỹ năng sinh hoạt do sự thay đổi về tâm lý cũng như cơ thể của người vợ trong từng giai đoạn của thai kỳ.
Thu Vân