Gắn kết yêu thương từ căn bếp

Chia sẻ

Dù cuộc sống hiện đại và xô bồ cỡ nào thì những giá trị của căn bếp trong mỗi gia đình vẫn luôn quan trọng. Hơi ấm, hương thơm từ những món ăn, sự chia sẻ kết nối từ căn bếp của mỗi thành viên giúp gia đình trở nên hạnh phúc hơn.

Nghiện cơm vợ nấu

Yêu nấu ăn, coi căn bếp là nơi gửi gắm tình cảm của mình với người thân nên dù đang chăm sóc con nhỏ và mang bầu bé thứ 2, Huyền Trang (28 tuổi, Hà Nội) vẫn rất chăm chỉ nấu nướng mỗi ngày.

Cô vợ trẻ tâm sự, mình có một ông chồng nghiện vợ nên “nghiện” luôn cả cơm vợ nấu. Chồng cô có thói quen đi cùng năm tháng là mỗi ngày đều sẽ hỏi những câu quen thuộc như: “Hôm nay ăn gì vợ?”, “Ngày mai ăn gì vợ” hay là “Anh muốn ăn bún chả”, “Lâu rồi vợ không làm thịt kho tàu nhở”… Trong khi cô vào bếp, chồng sẽ quẩn quanh bên cạnh để hỗ trợ vợ, hoặc chơi với con, hay những việc nhà khác. Và hôm nào ăn cơm xong, gương mặt anh cũng sáng ngời phấn khởi dọn bàn ăn, đi rửa bát. Căn bếp đã kéo cả nhà lại gần nhau mỗi ngày.

Bao năm qua, Huyền Trang vẫn ngày ngày chăm chút cho mỗi bữa ăn của chồng, con mình như thế. Ngắm nhìn người thân ăn ngon lành những món ăn mình nấu, cô phát hiện, căn bếp chính là nơi để bày tỏ yêu thương. “Là nơi gia đình mình cùng nhau chia sẻ mọi thứ xung quanh, cùng nhau hạnh phúc”- Huyền Trang nói.

Còn với Lâm Hương, một nữ nhân viên văn phòng, bữa cơm gia đình luôn là bữa cơm ngon nhất. “Chẳng cao lương mĩ vị mà là những món ăn đơn giản tròn vị, khói nghi ngút ấm căn bếp nhỏ. Vợ chồng ngồi ăn cơm kể vài câu chuyện nhỏ ở công ty, cho con ăn, chơi rồi cho con đi ngủ. Phút bình yên ấy có thể khiến vợ chồng quên đi mọi áp lực”- cô tâm sự.

Hương cũng có một ông chồng nghiện cơm vợ nấu. Bếp nhà cô cũng chỉ có cái tủ lạnh, nồi cơm điện, bếp ga và vài cái nồi nhỏ xinh...! Các món ăn cũng chỉ có 3 món quay vòng tròn là rau, canh và một món mặn, thỉnh thoảng cuối tuần mới nấu bún đổi vị. Ấy vậy mà những thứ bình dị đó gắn kết hai vợ chồng thật bền chặt. Cũng như Lâm Hương, Ngọc Anh, một nữ nhân viên văn phòng kiêm bán hàng online có cùng chung triết lý: “Phụ nữ yêu bằng tai còn đàn ông yêu bằng dạ dày”.

Ngọc Anh kể, cứ mỗi lần hai vợ chồng giận nhau, nếu chồng cô không chịu làm lành trước thì cô sẽ quyết định “tuyên chiến” bằng tài nấu ăn của mình. “Vì mình biết thừa, anh rất thích các món vợ nấu và không bao giờ chịu ngồi yên được trước mâm cơm đầy hấp dẫn. Thế là muốn ăn thì phải làm lành với mình thôi”- Ngọc Anh cười. Cô nhớ nhất một lần hai vợ chồng giận nhau, cô đã vào bếp làm món ếch om chuối. Mùi hương hấp dẫn dậy lên, khiến cơn giận của chồng cô bỗng dưng bay đi đâu mất. “Căn bếp nhỏ xinh mà có võ lắm, chị em biết cách thì sẽ thu phục được các ông chồng của mình ngay” - cô nói.

Món phở gà của Huyền Trang, một trong những món ăn khiến chồng cô luôn “nghiện cơm vợ nấu”.Món phở gà của Huyền Trang, một trong những món ăn khiến chồng cô luôn “nghiện cơm vợ nấu”.

Những ông chồng vào bếp chăm vợ ở cữ

Căn bếp không chỉ chứng kiến sự tảo tần, chịu khó và tỉ mỉ của chị em, chăm chút cho từng bữa ăn của chồng, con được đủ chất, mà còn là nơi để mỗi người chồng “trổ tài” chăm vợ chẳng thua kém ai, nhất là trong những ngày vợ ở cữ.

Giờ đây, khi con trai đã 5 tháng tuổi, anh Nguyễn Ngọc Thiện (kinh doanh tự do tại Hà Nội) mới “dõng dạc” tuyên bố: “Chăm bà đẻ chẳng khó gì cả, chỉ cần anh em chịu khó tìm tòi một chút thôi là có kết quả ngay”.

Ban đầu nghe mọi người dọa “chăm bà bầu khó lắm”, anh Thiện cũng rất hoang mang. Vợ bảo anh đi học một lớp nấu ăn, anh lắc đầu, bảo tự anh học được. Nói là làm, anh Thiện bắt đầu mò mẫm từ trên mạng, đến hỏi bà nội, bà ngoại, hỏi cả bạn bè, rồi bắt tay vào nấu nướng. “Cũng may vợ mình được cái dễ tính nên món nào cũng khen ngon và lần nào cũng ăn hết. Mình vui lắm, càng có động lực vào bếp hơn”- anh Thiện tự hào.

Cũng như anh Thiện, Nguyễn Trung Quân (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) dành thời gian vào bếp nấu cơm cữ cho vợ. Những bữa ăn đẹp mắt, ngon lành của chàng trai 26 tuổi lần đầu làm bố, đã khiến nhiều người xuýt xoa, ca ngợi “chồng nhà người ta”. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm vợ trong thời gian ở cữ, trước đó, anh Quân đã tham khảo, tìm hiểu những loại thực phẩm tốt cho bà đẻ và lên sẵn thực đơn. Không những vậy, anh còn chú ý kết hợp đảm bảo các thành phần dinh dưỡng gồm chất đạm, chất béo, chất xơ... giúp vợ có đủ chất để phục hồi sức khỏe sau sinh và đủ sữa cho con bú.

Cứ thế, căn bếp cứ như một mảnh đất màu mỡ, mà nếu những thành viên trong gia đình biết chăm bẵm, vun những mầm non của tình yêu thương thì nó sẽ đâm chồi, tươi tốt, thêm “gia vị” cho hạnh phúc gia đình.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.