Gia đình biến đổi thì cách báo hiếu cũng phải thay đổi

Chia sẻ

Gia đình hiện đại đang bị biến đổi là thực tiễn đang diễn ra trong mấy thập kỷ trở lại đây. Nó kéo theo nhiều sự biến đổi khác trong các mối quan hệ gia đình. Do đó, cách báo hiếu cha mẹ đương nhiên cũng phải thay đổi cho phù hợp.

Một bộ phận cha mẹ già hiện nay đang sống rất tốt nhờ dịch vụ chăm sóc người cao tuổiMột bộ phận cha mẹ già hiện nay đang sống rất tốt nhờ dịch vụ chăm sóc người cao tuổi (Ảnh: minh họa)

Chữ hiếu cần hiểu theo nghĩa rộng!

Trong quan điểm của cá nhân tôi, câu hỏi về vấn đề “Báo hiếu bằng dịch vụ: Đúng hay sai?” cũng giống như câu hỏi về việc “Hiếu là có cơm cho cha mẹ ăn, hay là nấu cơm cho cha mẹ ăn mới có hiếu?”. Nếu đặt trong các bối cảnh khác nhau, chúng ta sẽ có được những câu trả lời khác nhau. Ở một góc độ này, đáp án sẽ là đúng, nhưng ở góc độ khác lại là sai.

Con cái phải ở gần cha mẹ, nấu cơm cho cha mẹ ăn mới là có hiếu. Việc báo hiếu được con cái trực tiếp làm, nếu để người ngoài làm thì sẽ là sai. Như vậy, trong trường hợp này, dịch vụ báo hiếu không được chấp nhận. Chữ hiếu của con cái dù được thực hiện nhưng theo cách… vô cảm.

Nhưng nếu chúng ta nhìn vào một hoàn cảnh khác, đó là những người con phải xa quê, ly hương làm lụng để có kinh tế gửi về nuôi cha mẹ ở quê. Bấy giờ, người con đang báo hiếu cha mẹ bằng việc có cơm cho cha mẹ ăn. Bởi nếu họ không làm như thế, cha mẹ sẽ rơi vào cảnh đói ăn, đói mặc. Trong điều kiện sống xa cha mẹ, con cái sẽ không thể trực tiếp lo toan, chăm sóc cho họ khi ốm đau, bệnh tật, nên phải thuê người giúp việc làm thay mình. Như vậy, chúng ta không thể quy kết người con ấy bất hiếu, và việc thuê người chăm sóc cha mẹ của họ là sai.

Tôi đã từng chứng kiến các gia đình có con cái sống chung, hàng ngày cận kề chăm sóc cha mẹ, nhưng cuộc sống khốn khó. Khi cha mẹ ốm đau, bệnh tật, con cái không có điều kiện kinh tế để chữa trị, phải sống trong cảnh đau đớn. Và rồi, cuộc sống khó khăn, việc phải chăm sóc cha mẹ ốm đau dài ngày đã khiến nhiều người con quay sang ngược đãi cha mẹ. Bấy giờ, những người con ấy trở nên bất hiếu, bị xã hội lên án. Trong khi đó, một số người con ly hương làm ăn, sống ở nước ngoài nhiều năm không về cận kề chăm sóc cha mẹ. Nhưng họ làm ra kinh tế gửi về báo hiếu cha mẹ, đảm bảo cho họ có điều kiện chữa trị khi ốm đau, sống trong những ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, có người chăm sóc khi già yếu. Trong mắt nhiều người, những người con đó rất có hiếu.

Vì thế, vấn đề cốt lõi của việc báo hiếu là làm sao để cha mẹ sống yên vui, có điều kiện được chăm sóc tốt nhất khi già yếu, ốm đau mới quan trọng, chứ không phải ở việc báo hiếu bằng dịch vụ hay là trực tiếp.

Vương Việt Đức (Khu đô thị Ecopark, Văn Giang, Hưng Yên)

Mô hình gia đình mới thì cách báo hiếu cũng phải… mới

Có một thực tế đang diễn ra đối với gia đình trong thời kinh tế thị trường mà chúng ta đang phải chấp nhận, đó chính là sự biến đổi của gia đình truyền thống, và sự ra đời của của các mô hình gia đình mới. Trước đây, xã hội chỉ có mô hình gia đình tứ đại đồng đường, nhưng bây giờ mô hình gia đình truyền thống này đang bị mai một, và có nguy cơ… biến mất. Xã hội hiện đại chịu tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, của xu hướng hội nhập quốc tế đã làm xuất hiện nhiều mô hình gia đình mới như: Gia đình có yếu tố nước ngoài, gia đình hạt nhân, gia đình đơn thân… Các mô hình gia đình mới này đang phổ biến trong xã hội, kéo theo các mối quan hệ giữa các thành viên phải thay đổi để phù hợp. Do đó, quan niệm về chữ hiếu, cách báo hiếu của con cái đối với cha mẹ cũng thay đổi.

Vì vậy, chúng ta không thể lấy quy chuẩn của mô hình gia đình truyền thống xưa để đánh giá về nếp sống trong các gia đình ngày nay. Để rồi đưa ra đáp án đúng hay sai một cách cụ thể cho một vấn đề nào đó.

Chúng tôi - cha mẹ của thế hệ con cái sinh ra và lớn lên trong thời đại @. Ngay từ lúc này, chúng tôi quan niệm tuổi già không cậy nhờ con cái mà sẽ cậy nhờ dịch vụ gia đình. Đó có thể là dịch vụ giúp việc, hay dịch vụ trong các nhà dưỡng lão. Chúng tôi chuẩn bị tuổi già của mình ngay từ lúc trẻ về kinh tế lẫn sức khỏe. Con cái sinh ra, chúng tôi không xem đó là “bảo hiểm tuổi già” của mình, mà xem là niềm hạnh phúc, sợi dây kết nối tình cảm vợ chồng trong hôn nhân.

Khi con cái trưởng thành, chúng sẽ có cuộc đời riêng, cha mẹ không can thiệp bắt con cái phải sống và có nghĩa vụ trở lại, buộc chúng sống theo ý mình. Nghĩa vụ và bổn phận phải được con cái nhận thức và dùng nhiều cách phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống để đối đáp lại. Miễn sao, mọi việc đều thuận lợi cho cuộc sống của con và cha mẹ. Thế hệ cha mẹ thời đại @, con cái sống tốt cuộc đời của chúng cũng là một cách báo hiếu, chứ không phải trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ hàng ngày.

Vì thế, chúng ta nên chấp nhận đạo hiếu ngày nay là một nghĩa vụ “có điều kiện”, thay vì cứ mãi giữ quan điểm đạo hiếu phải là bổn phận vô điều kiện như trước. Chữ hiếu trong thời thị trường tất yếu sẽ khác với chữ hiếu thời bao cấp, và cách báo hiếu cũng sẽ biển đổi cho phù hợp với xu hướng cuộc sống mới.

NGUYỄN TRẦN ÁNH MAI (Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.