Gia đình "cha truyền con nối"

Chia sẻ

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km, làng nghề may áo dài truyền thống Trạch Xá (huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội), từ lâu đã nổi tiếng với kỹ thuật khâu tay tạo nên những tà áo dài độc đáo, đẹp mắt.

Để giữ được nghề truyền thống này, nhiều gia đình đã kiên định “cha truyền con nối”, trong đó có gia đình nghệ nhân Đỗ Minh Tám, người vẫn luôn hạnh phúc và đau đáu giữ lửa nghề cho con cháu.

Thầy là cha, ông; trò là con cháu

Ông Đỗ Minh Tám (55 tuổi) sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em, ông là con thứ 8 nên thường được mọi người quen gọi là ông Tám. Ông đã có thâm niên gần 40 năm trong nghề may áo dài truyền thống. Trước kia ông chuyên làm về áo dài, từ 2017 ông Tám rất tâm huyết trong việc phục dựng lại áo dài cổ ngũ thân thời Nguyễn. Căn nhà giản dị, mộc mạc phảng phất mùi thơm của vải vóc là nơi lưu giữ bí quyết nghề may áo dài cổ bao đời nay.“Tiếng lành đồn xa”, hằng ngày gia đình ông Tám có rất nhiều đơn hàng từ tận Cần Thơ, Sóc Trăng… của các khách hàng yêu nét đẹp tà áo dài Việt tin tưởng đặt làm.

Như bao đứa trẻ khác ở trong làng, khi mới lên 10 tuổi, ông Tám đã bắt đầu học cầm kim phụ giúp bố mẹ những việc phụ vặt như đính khuy, khâu những công đoạn đơn giản. Đến khi học xong phổ thông, mặc dù có ước mơ được đi học đại học và đã thi đỗ đại học Ngoại ngữ nhưng ông không thể đi học, do hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn. Vốn đã có sẵn lòng nhiệt huyết với nghề may, những đường kim mũi chỉ đã ngấm vào trong máu nên ông Tám quyết tâm đi theo nghề truyền thống của cha ông. Từ năm 1984, khi mới 17 tuổi, ông đã tự may được chiếc áo dài hoàn chỉnh.

Từ nhỏ, ông Tám đã được cha chỉ dạy từng đường kim mũi chỉ, đến đời ông là đời thứ 4 nối nghiệp nghề may áo dài của gia đình. Tiếp nối, sang thế hệ của các con ông, từ khi học cấp 2 chúng cũng đã được tiếp cận và “biết nghề”, biết làm những công đoạn nhỏ như lấy số đo, làm khuy, đính khuy… Mỗi lúc rảnh rỗi, sau khi đi học về, các con lớn, con bé của ông đều nhanh nhảu, hào hứng phụ giúp bố mẹ trong việc may áo dài để kịp ngày giao cho khách.

Ông Tám tâm sự: “Thế hệ như các con tôi hiện nay ham “con chữ”. Và bây giờ gia đình có điều kiện hơn ngày xưa, bậc làm cha mẹ chúng tôi cũng ủng hộ việc học hành và tạo điều kiện cho các con phát triển. Cả 3 chị em đều biết làm những công đoạn nhỏ giúp bố mẹ và đều “biết nghề”, khi làm việc với vải vóc, lụa là chúng đều hứng khởi, đó là niềm vui lớn nhất của tôi”.

Gia đình, họ hàng nhà ông Tám nếu ai không theo nghề đều tin tưởng và gửi con sang nhà ông để học, rất đông con cháu nội ngoại đến học may khiến căn nhà nhỏ lúc nào cũng ấm cúng và tràn ngập tiếng cười.

Em Lê Thị Thu Huyền (18 tuổi), cháu họ ông Tám đã theo nghề được 1 năm và là “học trò” chăm chỉ của gia đình ông. Huyền chia sẻ “Em cảm thấy rất vui vì ngoài việc học ở trường em còn được học may áo dài truyền thống. “Thầy Tám” là người đã chỉ bảo em nhiệt tình, kỹ càng từng bước trong các công đoạn giúp em ngày càng tiến bộ. Sau khi học xong em sẽ theo nghề may để tiếp nối văn hóa của gia đình và góp phần gìn giữ, phát huy giá trị to lớn của áo dài Việt Nam”.

Ông Đỗ Minh Tám đang nhiệt tình chỉ dạy cháu Lê Thị Thu Huyền học may áo dàiÔng Đỗ Minh Tám đang nhiệt tình chỉ dạy cháu Lê Thị Thu Huyền học may áo dài

Kiên trì thắp lửa nghề cho con cháu

Làng Trạch Xá hiện có 90% số hộ dân sinh sống bằng nghề may áo dài. Nghề may áo dài được cha truyền con nối, vì thế mà nghề được bảo tồn và phát triển qua các thời kỳ. Trẻ con trong làng từ 9-10 tuổi đã được làm quen với việc may, đo, đến khi 15-16 tuổi là có thể tự may được hoàn chỉnh một chiếc áo dài truyền thống. Nhiều gia đình gắn bó với nghề may áo dài từ đời này sang đời khác, 3-4 thế hệ và như gia đình ông Tám hiện nay đang chuẩn bị bước sang đời thứ 5.

Ông Tám xúc động nhớ lại, từ năm 1992 đến năm 2005, anh em nhà ông làm cho nhà may Hương Trầm ở nội thành Hà Nội, với đội thợ khoảng hơn 20 người. Nghề may áo dài theo ông Tám là nghề “bắc nước chờ gạo người”, 7 tháng làm 5 tháng chơi không thể duy trì công việc đều đặn cho thợ của mình. Đồng thời do kinh tế thị trường, thuê nhà đắt đỏ nên ông Tám quyết định về quê. Những tưởng rằng người đàn ông ấy đã từ bỏ nghề bấp bênh này nhưng không, ông vẫn tiếp tục nuôi dưỡng đam mê và kiên trì công việc may vá ở nhà. Sau nhiều năm nỗ lực không ngừng nghỉ, ông Tám đã có số lượng khách ổn định và chiếm trọn niềm tin, uy tín lớn trong lĩnh vực may áo dài truyền thống khu vực phía Bắc.

Để tiếp nối truyền thống làm nghề của gia đình cũng như lan tỏa nhiệt huyết của mình, ông Tám đã kiên trì truyền đạt và khơi dậy niềm yêu thích áo dài đến thế hệ con cháu. Các con, các cháu của ông không ai là không biết cầm cây kim, sợi chỉ. Ngay cả cô Lê Thị Toàn (48 tuổi), vợ của ông Tám cũng là “học trò” được ông Tám đào tạo dạy may áo dài. Đến nay cô Toàn và chồng đồng lòng tiếp tục dạy dỗ, truyền đạt kinh nghiệm cho con cháu để hình ảnh áo dài mãi trường tồn với thời gian.

“Tôi rất thích công việc may áo dài và chồng tôi chính là người luôn bên cạnh cầm tay chỉ việc, giúp tôi từng bước theo nghề. Nhiều lúc tôi và các con cháu còn đùa bảo ông Tám khéo tay hơn phụ nữ. Đúng thế thật, bình thường ông ấy là người rất quyết đoán, cứng rắn, nhưng hễ cầm vào cây kim là lại uyển chuyển, khéo léo vô cùng” - cô Toàn vui vẻ kể.

Gia đình ông Đỗ Minh Tám là một trong những gia đình có bề dày truyền thống may áo dài ở làng nghề Trạch Xá nhiều đời. Gần 40 năm gắn bó với chiếc áo dài, điều ông Tám luôn đau đáu là làm thế nào để giữ lửa nghề và truyền được niềm đam mê, nhiệt huyết cho con cháu, cho thế hệ trẻ trong làng. Đến nay, nhờ tâm huyết của chính ông và gia đình đã góp phần giúp ngôi làng nhỏ không còn sợ phải đối mặt với nỗi lo thất truyền nghề.

Bài và ảnh: HÀ LAN

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.