Giá trị truyền thống: Cốt lõi của gia đình Việt

Chia sẻ

Quá trình hội nhập đã thổi luồng sinh khí mới vào đời sống gia đình Việt. Theo đó, đi cùng với thành tựu là những thách thức mà gia đình Việt phải đối diện. Đầu xuân năm mới, báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)Ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Nếp sống văn minh, quan điểm hiện đại đang thẩm thấu vào gia đình Việt

Cùng với lịch sử phát triển đất nước, gia đình Việt được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy. Theo ông, qua nhiều thời kỳ phát triển, gia đình Việt Nam đã có sự thay đổi như thế nào?

Trong nhiều thập niên qua, gia đình Việt Nam đã trải qua những biến chuyển quan trọng, từ gia đình truyền thống sang gia đình với những đặc điểm mới, hiện đại và tự do hơn. Quá trình hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập và giao lưu văn hóa làm xuất hiện những quan điểm cởi mở hơn về hôn nhân và gia đình Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội giúp giải phóng sức lao động, nhất là lao động làm công việc nội trợ, trong đó có phụ nữ. Điều này giúp các gia đình có nhiều thời gian chăm sóc bản thân, nhiều cơ hội hơn để giải trí, tiếp thu kiến thức văn hóa, xã hội mới từ các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, hiểu biết về những nếp sống văn minh, quan điểm hiện đại về hôn nhân và gia đình được nâng cao, từng bước thẩm thấu vào đời sống gia đình Việt Nam.

Trong xã hội hiện đại, nhận thức và tư duy của gia đình cũng dần thay đổi. Xuất phát từ tính chất công việc, phân công lao động, cấu trúc gia đình cũng dần thay đổi theo các yếu tố trên. Mô hình gia đình truyền thống ngày càng ít đi mà thay vào đó là gia đình hạt nhân (vợ - chồng - con), gia đình đơn thân, chung sống với nhau như vợ chồng… Cấu trúc gia đình thay đổi, dẫn đến mối quan hệ trong gia đình cũng thay đổi. Tương ứng với mỗi mô hình gia đình đó thì thành viên gia đình cũng rất khác nhau.

Mặt khác trong thời đại 4.0 sự bùng nổ của các thiết bị thông minh khiến nhiều người chìm đắm vào không gian mạng xã hội, ít giao tiếp tương tác với nhau. Nhiều gia đình, sau một ngày dài làm việc bên ngoài, khi trở về nhà mỗi người một thiết bị điện tử, không còn không gian ấm cúng trò chuyện sẻ chia giữa các thành viên gia đình. Thực tế này yêu cầu chúng ta phải có những giải pháp để điều chỉnh. Đó là phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; tiếp tục triển khai Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Ngoài những tiêu chí ứng xử chung (Tôn trọng, Bình đẳng, Chia sẻ, Yêu thương), thì cần đẩy mạnh các tiêu chí ứng xử riêng như: Tiêu chí ứng xử giữa ông, bà, cha mẹ và con cháu; ứng xử giữa con cháu với ông, bà, cha mẹ; ứng xử giữa vợ và chồng;ứng xử giữa anh chị em với nhau; đẩy mạnh các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3).

Ngoài ra, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về gia đình, chú trọng các quy định mới, phù hợp với những biến đổi về gia đình hiện tại và tương lai để tiếp tục củng cố, phát huy được vai trò của gia đình trong xã hội hiện đại.

Đón nhận thành tựu nhưng cũng đối diện với thách thức

Năm 2020 - tròn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ông có thể cho biết chúng ta đã đạt được những thành tựu gì và còn những hạn chế, thách thức gì trong công tác xây dựng gia đình trong thời gian qua?

Gia đình Việt ngày một văn minh hơn, nhưng vẫn không mất đi những giá trị truyền thốngGia đình Việt ngày một văn minh hơn, nhưng vẫn không mất đi những giá trị truyền thống

Thực hiện mục tiêu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) nêu tại Chỉ thị số 49 là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.

15 năm qua, để thực hiện mục tiêu trên, cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tham mưu, tổ chức thực hiện công tác gia đình theo chức năng nhiệm vụ, đã tạo sự chuyển biến tích cực. Kinh tế hộ gia đình thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tăng trưởng tổng thu nhập quốc dân hàng năm. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở phát triển, ngày càng có nhiều gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, làng văn hóa, cụm dân cư văn hóa được bình xét, tôn vinh góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm đã giúp cho hàng triệu gia đình thoát nghèo và nâng cao mức sống. Nhiều chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ cho các gia đình đặc biệt khó khăn, gia đình có công với cách mạng, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được ban hành. Công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã đạt được những thành tích đáng kể, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội ngày càng ổn định và phát triển.

Những giá trị nhân văn mới, tiêu biểu là bình đẳng giới và quyền trẻ em, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Quyền Trẻ em đã được pháp luật thừa nhận, được xã hội và gia đình thực hiện và phát huy. Luật Hôn nhân và Gia đình đã tạo điều kiện để thực hiện hôn nhân bình đẳng và tiến bộ. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm được tuyên truyền sâu rộng hơn, trở thành một ngày kỷ niệm quan trọng của nhiều gia đình, gắn với văn hóa ứng xử trong gia đình, với trách nhiệm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, khẳng định vai trò, vị trí của gia đình đối với xã hội và xã hội đối với gia đình trong thời kỳ CNH- HĐH đất nước.

Bên cạnh thành tựu đã đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số những tồn tại một số hạn chế và khó khăn. Đó là: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể còn chưa thực sự quan tâm đến công tác gia đình.Hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác gia đình một số địa phương chưa hiệu quả. Công tác phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo và các cấp, các ngành thiếu chặt chẽ. Nhiều hoạt động còn mang tính hình thức chưa đi vào chiều sâu...

Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội, tình hình bạo lực gia đình (BLGĐ) tuy có giảm về số vụ và số nạn nhân, nhưng vẫn còn xảy ra một số vụ bạo lực nghiêm trọng ở một số địa phương. Sau 12 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đến nay vẫn chưa xác định được đúng, đầy đủ các hành vi BLGĐ. Còn có cách hiểu khác nhau về hành vi BLGĐ. Chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về gia đình, nên việc thống kê, tổng hợp số liệu còn chưa đồng nhất giữa các cơ quan, dẫn đến khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách về gia đình và công tác gia đình. Nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình còn hạn chế, năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình chưa cao; chế độ bồi dưỡng cho lực lượng cộng tác viên, tình nguyện viên chưa được xác lập. Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về công tác gia đình còn hạn chế về hoạt động quản lý truyền thông ở các cấp; thiếu tài liệu tập huấn, tài liệu truyền thông và đội ngũ báo cáo viên…

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ hôn nhân và gia đình Việt Nam. Việc bùng nổ các thiết bị thông minh khiến cá nhân dễ dàng chìm đắm trong thế giới ảo và giảm các giao tiếp trực tiếp trong gia đình, trong xã hội, khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người có thể bị đảo lộn. Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa cũng đang tạo nên một thế giới tình yêu, hôn nhân ảo, hẹn hò trực tuyến, rô-bốt tình dục… dẫn đến nguy cơ tạo ra một thế hệ trẻ không cần tình yêu, không cần gia đình, con cái. Từ đó đe dọa đến sự tồn tại và bền vững của các quan hệ gia đình trong thế giới thực. Để hạn chế những tác động tiêu cực này, theo ông, chúng ta cần làm gì?

Theo tôi, để hạn chế những tác động tiêu cực này, chúng ta cần phải có những giải pháp cụ thể. Thứ nhất, tiếp tục triển khai và thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Quán triệt và triển khai các văn bản về gia đình và công tác gia đình, trong đó chú trọng đến Chỉ thị số 49 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam.

Thứ hai, rà soát, hệ thống hóa và sửa đổi, bổ sung các văn bản về gia đình và công tác gia đình phù hợp với thời kỳ mới; Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Tiếp tục triển khai rộng rãi Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Ngoài ra, trong giai đoạn tới, Việt Nam có thể nghiên cứu chuyển mục tiêu từ “xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội” sang “xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, phồn thịnh và văn minh là thiết chế quan trọng của các quá trình kinh tế – xã hội và nguồn nhân lực ổn định, chất lượng” để tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong sự phát triển của xã hội, đặt gia đình trong mối quan hệ “động” hơn với các quá trình kinh tế – xã hội chung.

Giá trị của Tết truyền thống không phải ở hình thức

Trong gia đình Việt, Tết là dịp để hội ngộ đoàn viên nhưng hiện nay, các gia đình đang có xu hướng đón Tết dịch chuyển như du lịch đón Tết, chơi Tết hơn là ăn Tết. Theo ông, xu hướng này liệu có đánh mất Tết truyền thống của gia đình Việt hay không?

Giá trị truyền thống: Cốt lõi của gia đình Việt - ảnh 3 (Ảnh: minh hoaj. Nguồn: Int)

Những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt vẫn không mất điNhững giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt vẫn không mất đi (Ảnh: minh họa)

Những năm gần đây, các gia đình và nhiều bạn trẻ thường đi du lịch trong dịp nghỉ Tết, họ không ở nhà, không về quê như mọi năm. Lựa chọn đi du lịch đang trở thành một xu hướng đón Tết mới của nhiều người. Việc đa dạng hóa các hình thức hưởng thụ trong những ngày nghỉ Tết sẽ giúp mọi người tái tạo sức khỏe, thoải mái tinh thần để bắt tay vào công việc trong năm mới được tốt hơn.

Xu hướng mới này sẽ không đánh mất giá trị Tết truyền thống khi chúng ta vẫn có thể lựa chọn dung hòa là đi cùng với cha mẹ, người thân để vừa thực hiện điều mình thích, vừa không bỏ bê gia đình. Hoặc ít ra, bạn nên dành thời gian đón khoảnh khắc Giao thừa và ngày đầu năm cùng với người nhà, thăm ông bà, cha mẹ, cúng lễ tổ tiên xong, sau đó hãy thực hiện những chuyến đi. Hãy giữ nét văn hóa cổ truyền dân tộc trước khi đón nhận thêm những nền văn hóa mới.

Sau khi sắp xếp việc lễ cúng tổ tiên và thăm hỏi ông bà, cha mẹ, cả nhà có thể đi du lịch để tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi ngày Tết. Chuyến du lịch ngày Tết cũng trở nên thú vị hơn vì đây là thời điểm chào mừng năm mới diễn ra ở khắp nơi. Các vùng miền, các dân tộc đều có truyền thống riêng tạo nên sắc màu văn hóa đa dạng. Nếu có điều kiện, mỗi năm đến một địa điểm mới, hấp dẫn sẽ là những trải nghiệm khó quên cho mình và gia đình.

Du xuân đầu năm cũng là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Lúc này, chuyến du lịch đầu năm còn là chuyến đi giúp các thành viên nạp lại năng lượng, khơi vận may cho cả năm mới đầy hạnh phúc. Du lịch ngày xuân còn là điều thú vị nhất để gắn kết những yêu thương của mỗi thành viên trong gia đình. Vì ngày Tết cổ truyền rất thiêng liêng, ký ức theo đó cũng trở nên đặc biệt hơn. Những khoảnh khắc bên nhau lúc đó sẽ tạo nên nhiều kỷ niệm đẹp cho mọi thành viên trong gia đình, tái tạo năng lượng cho một năm mới.

Để giữ Tết truyền thống và giữ các phong tục, văn hóa gia đình Việt trước sự du nhập văn hóa của thời hội nhập, chúng ta cần làm gì thưa ông?

Tết Nguyên đán là nét văn hóa đã ăn sâu vào tâm trí người Việt từ người già đến trẻ nhỏ. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, mọi người sẽ có một kỳ nghỉ lễ dài để nghỉ ngơi, sum họp gia đình. Trước sự giao thoa văn hóa của thời hội nhập, chúng ta cần giữ nét văn hóa cổ truyền dân tộc, kết hợp đón nhận thêm những nét văn hóa mới.

Trong xu thế hiện đại, hội nhập về văn hóa là điều không tránh khỏi và góp phần làm đa dạng nền văn hóa của đất nước. Nhưng “hòa nhập mà không hòa tan” là điều chúng ta cần hướng đến. Học hỏi để làm đa dạng, phong phú thêm nền văn hóa đất nước là điều cần thiết nhưng bảo tồn và phát huy truyền thống vẫn cần được chú trọng. Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp về các ngày lễ, Tết trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu, yêu và giữ gìn hơn nữa những tinh hoa dân tộc.

Những nét văn hóa đặc sắc của Tết cổ truyền người Việt nằm sâu ở tầng giá trị, mà giá trị của Tết truyền thống không phải ở hình thức. Trải qua bao biến thiên của thời đại, đến nay, Tết Việt đã có nhiều thay đổi. Những thay đổi đó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này. Giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là trách nhiệm không của riêng ai. Bởi vậy, mỗi công dân dù đang sinh sống trên đất nước mình, hay học tập, công tác và định cư ở nước ngoài cần bảo tồn và phát huy những nét truyền thống văn hóa của Tết Việt. Đồng thời cũng cần phê phán, đấu tranh loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong trong dịp Tết Nguyên đán, như: Hoạt động mê tín dị đoan; nạn cờ bạc, rượu chè; các lễ hội phản cảm, tốn kém; các hiện tượng gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

THU HÀ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.