Giải pháp nào cho giáo dục gia đình?

Chia sẻ

Bực tức vì con bỏ dở kỳ thi giữa chừng, bố đẻ dùng đũa đâm con trai thiệt mạng; người cha nhờ giang hồ “hành hạ” con dã man như thời trung cổ để dạy con… Những hành vi này không chỉ đáng bị xử phạt nghiêm minh, mà còn khiến dư luận phải đặt câu hỏi: “Dạy con thời nay, khó thế sao?”

Hình ảnh trong clip con trai bị mẹ thuê chôn sống để răn đe xôn xao dư luận vừa quaHình ảnh trong clip con trai bị mẹ thuê chôn sống để răn đe xôn xao dư luận vừa qua

“Áp lực” vô hình bủa vây người làm cha mẹ

Trong thời gian qua, dư luận chứng kiến không ít vụ việc cha mẹ bạo hành con cái, hoặc thuê người “giáo dục răn đe” con chỉ vì bản thân bất lực trong việc dạy con. Điển hình như vụ việc mẹ thuê giang hồ “chôn sống” con đẻ xảy ra ở Nghệ An vừa qua.

Nhìn lại những sự việc bạo hành con, với đủ kiểu hậu quả, ông Hoa Hữu Vân, Nguyên Vụ phó vụ Gia đình, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Đó là biến đổi tiêu cực của cuộc sống thời 4.0. Lối sống hối hả khiến ai cũng vội vàng, khiến khoảng lặng của sự yêu thương giữa các thành viên trong gia đình lại ngày càng… lặng lẽ!

“Giáo dục gia đình Việt Nam hiện nay đang đứng trước những thử thách lớn, khi nền kinh tế theo cơ chế thị trường đang vô cùng bề bộn. Nhiều giá trị của các nguồn văn minh thế giới ồ ạt du nhập vào chưa được gạn lọc, kiểm định đang tạo ra biết bao tệ nạn xã hội lan tràn, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của nhiều lứa tuổi, đặc biệt là lứa tuổi đang sống, học tập trong sự bảo trợ của gia đình. Đã vậy, áp lực cơm, áo, gạo, tiền bủa vây và cướp đi hết thời gian của bố mẹ dành cho con cái. Thiếu thời gian cho nhau, không có cơ hội được hiểu nhau, càng tạo điều kiện cho những hành vi sai lệch từ cả bố mẹ và con cái”.

Theo ông Hoa Hữu Vân, những vụ bạo hành con cái thời gian gần đây không chỉ còn gói gọn trong những gia đình có kinh tế khó khăn, mà xảy ra trong cả những gia đình khá giả. “Càng giàu, họ càng phải làm giàu, chăm chút cho vô vàn mối quan hệ ngoài xã hội, vì thế càng thiếu thời gian cho gia đình, con cái. Hơn nữa, thực tế hiện nay là lối giáo dục gia đình truyền thống không còn phù hợp. Con cái không còn nhất nhất nghe lời bố mẹ nữa, mà đã biết nói chính kiến riêng. Tiếng nói chung giữa hai bên không còn, thậm chí cơ hội để tỏ bày với nhau cũng không có, đây chính là căn nguyên để những sự việc đau lòng như đã nói ở trên, xảy ra và buộc phải có sự cảnh báo”.

Phải dành thời gian cho con

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu, dịch giả nhiều đầu sách dạy con chia sẻ rằng, người lớn rất cần học cách làm cha mẹ trong cuộc sống bộn bề áp lực. Con trẻ tự thân vận động để trưởng thành hơn nhưng không phải lúc nào cũng vậy mà cần người lớn chúng ta quan tâm, hỗ trợ, động viên kịp thời. Cha mẹ chỉ thật sự hiểu về con khi có thời gian gần gũi, tiếp xúc với con thường xuyên.

Trên cơ sở này cha mẹ sẽ hiểu hơn về những gì mà con đang nghĩ, thái độ và tính cách của con ra sao mà ta chọn cách giáo dục phù hợp và kịp thời điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn.

Khi trẻ nhận được sự gần gũi, chia sẻ, trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ vẫn quan tâm, yêu thương, luôn chia sẻ với mình và đặc biệt không cảm thấy cô đơn ngay trong chính tổ ấm của mình. Dù ở lứa tuổi nào thì trẻ cũng cần được cha mẹ bên cạnh chăm sóc về vật chất và tinh thần.

Cách giáo dục hiệu quả nhất cho trẻ không nằm ở những triết lý, bài học cao xa mà thông qua cách ứng xử, sinh hoạt hàng ngày của người lớn, nhất là tấm gương sáng từ cha mẹ… để hình thành nhân cách cho trẻ.

Cha mẹ không nên quá chú trọng vào việc đáp ứng nhu cầu vật chất cho con để bù lại khoảng thời gian con không được gần mình. Bởi điều này vô hình trung khiến trẻ lớn lên trở thành những con người trọng vật chất, thậm chí mất đi những giá trị tâm hồn đẹp, thiếu đi những kỹ năng sống cần thiết để tham gia cuộc sống sau này.

Đồng tình với quan điểm này, ông Hoa Hữu Vân khẳng định: “Thay đổi lối sống quá vội vàng, vì vật chất, dù rất khó nhưng chính là cách làm tốt nhất để những giá trị gia đình vẫn được tỏa sáng và trân trọng. Đồng thời, những người làm cha làm mẹ cần dạy cho con mình thật sớm về những kỹ năng cần thiết, tối thiểu để có sự tự lập nhất định, “tăng đề kháng” trước những cám dỗ, nguy hiểm, như: Kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục, tự sơ cứu vết thương, tự chăm sóc bản thân, cách tiêu tiền, kỹ năng lập kế hoạch, giao tiếp với người lạ…

Mai Chi

Tin cùng chuyên mục

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.
Tha thứ nhưng không... buông bỏ

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

(PNTĐ) - Trong lá đơn ly hôn đơn phương gửi ra tòa, anh nêu lý do hôn nhân đổ vỡ là do “vợ dù tha thứ nhưng không buông bỏ lỗi lẫm của chồng, khiến cuộc sống hôn nhân không còn ý nghĩa”.