Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập
(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Câu chuyện của họ không chỉ là một quyết định giáo dục, mà còn là một lời nhắn nhủ đầy tâm huyết: Nếu không giữ gìn tiếng nói và văn hóa dân tộc ngay từ trong chính gia đình mình, thì thế hệ sau sẽ dần đánh mất gốc rễ.

Giữ tiếng Việt cho con là giữ lấy chính mình
Vợ chồng anh Trung, chị Nhi gặp nhau khi cùng du học tại New York, Mỹ. Sau khi kết hôn và ổn định cuộc sống tại đây, họ sinh hai cô con gái xinh xắn và nuôi dạy con trong môi trường văn minh, hạnh phúc, đủ đầy. Do muốn con được trải nghiệm cuộc sống xê dịch thú vị nên anh chị quyết định chuyển về 1 thành phố biển, bang Florida. Tuy nhiên, sau 3 năm, cả hai bắt đầu nhận ra một vấn đề lớn: Các con ngày càng ít sử dụng tiếng Việt, nói chuyện với ông bà bằng tiếng Anh qua điện thoại, không hiểu những câu chuyện cổ tích, trò chơi dân gian mà mẹ kể về tuổi thơ của mình, và dần xa rời nguồn cội mà chính họ luôn trân trọng.
“Tiếng Việt không chỉ là một ngôn ngữ, đó là linh hồn, là căn cước văn hóa, là sợi dây kết nối con người với quê hương, với tổ tiên. Nếu con không còn nói được tiếng Việt, thì con cũng không thể nghĩ và cảm bằng tiếng Việt, và rồi sẽ không còn cảm thấy mình là một phần của dân tộc này” - chị Nhi chia sẻ.
Không muốn các con lớn lên chỉ là “người Mỹ gốc Việt” với chút ký ức mờ nhạt về quê hương, họ muốn con mình là người Việt thực thụ, không chỉ qua huyết thống, mà còn trong tâm hồn, trong cách sống và nghĩ.
Trở về Việt Nam - một hành trình “ngược dòng” đầy tính toán. Không phải gia đình anh chị không có điều kiện để sống tốt ở Mỹ. Với thu nhập ổn định khoảng 6.000 USD mỗi tháng từ việc cho thuê căn nhà sở hữu tại bang Florida, cùng với nguồn thu nhập từ việc cho thuê căn hộ tại Việt Nam, họ có nền tảng tài chính đủ vững để không phải lo toan quá nhiều về vật chất. Chính vì vậy, quyết định về Việt Nam không xuất phát từ hoàn cảnh bắt buộc, mà là một lựa chọn chủ động và có chủ đích. Họ đưa các con về Hà Nội, sống gần bên gia đình nội, cho con học tại một trường tư thục nơi các bé được phát triển kỹ năng mềm và vẫn giữ được nền tảng tiếng Việt chuẩn mực.
Ngoài giờ học, các bé tham gia lớp đàn, vẽ, võ, kỹ năng sống... và đặc biệt là những hoạt động gắn liền với văn hóa Việt như: Đi chợ, thăm lăng Bác, về quê giỗ tổ cùng ông bà. “Có những giá trị không thể dạy qua sách vở hay video online. Phải sống trong môi trường đó, nghe tiếng rao buổi sớm, đi qua những mùa mưa Hà Nội thì các con mới thấm được cái hồn Việt” - anh Trung nói.
Không phải lùi, mà là chọn một hướng đi khác. Với nhiều người, về Việt Nam đồng nghĩa với “bỏ lỡ cơ hội” ở một nền giáo dục tiên tiến như Mỹ. Nhưng với vợ chồng anh Trung và Nhi, điều quan trọng hơn cả là bản sắc cá nhân và sự gắn kết gia đình.
“Trẻ con có thể học giỏi ở bất kỳ đâu, nhưng không phải ở đâu cũng giúp con biết mình là ai. Có thể vài năm nữa, con lại quay trở lại Mỹ học tiếp. Nhưng khi đó, con sẽ mang theo một nền tảng vững chắc về văn hóa, về tiếng mẹ đẻ và về lòng tự hào dân tộc”- chị Nhi nói.
Không thể phủ nhận những khó khăn khi “tái nhập” vào môi trường Việt Nam nhưng đổi lại là một tuổi thơ giàu trải nghiệm văn hóa, là sự hiện diện hàng ngày của ông bà, là những bài học đạo đức, ứng xử mà chỉ có gia đình Việt mới truyền dạy được một cách tự nhiên.
Thông điệp từ hành trình “ngược chiều gió”
Quyết định của vợ chồng anh Trung không phải là một khuôn mẫu để áp đặt cho mọi gia đình Việt ở nước ngoài. Nhưng nó gửi gắm một thông điệp mạnh mẽ: Hội nhập không có nghĩa là hòa tan. Trong hành trình toàn cầu hóa, tiếng nói mẹ đẻ và văn hóa gốc là hành trang quý giá nhất giúp thế hệ trẻ đứng vững và đi xa. Tiếng Việt - nếu không được duy trì sẽ không đơn thuần là mất một ngôn ngữ, mà là mất luôn ký ức văn hóa, mất luôn khả năng tiếp nối với ông bà, với quê hương, và cuối cùng là mất chính mình. Trẻ biết nói tiếng mẹ đẻ là trẻ biết gọi tên cảm xúc, biết tri ân, biết giữ gìn. Và đó chính là nền tảng để các em tự tin vươn ra thế giới mà không đánh đổi bản sắc.
Gia đình anh Trung, chị Nhi đã chọn về Việt Nam không phải để “ở lại”, mà để chuẩn bị cho một hành trình xa hơn, với những đứa trẻ mang trong mình hai thế giới, nhưng không bị giằng xé giữa hai bờ văn hóa. Ở đó, tiếng Việt không phải là môn học phụ, mà là chiếc cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người và dân tộc.
“Trong một thế giới mà con người có thể học mọi ngôn ngữ, đi khắp mọi nơi, thì tiếng mẹ đẻ và văn hóa gốc chính là la bàn giữ con không lạc lối”.
Tôi là bạn của vợ chồng anh Trung, và cũng là một cô dâu Việt đang sống tại Mỹ. Vì thế, hơn ai hết, tôi thấu hiểu được nỗi lòng, mong muốn của những người Việt xa xứ. Trong thế giới hội nhập, chúng ta đang có hàng triệu gia đình gốc Việt lập nghiệp, sinh sống ở nước ngoài. Và cũng có rất nhiều những thế hệ người Việt được sinh ra, nuôi dạy và lớn lên xa xứ. Câu chuyện của vợ chồng anh Trung, chị Nhi chính là động lực thúc đẩy cho vợ chồng tôi và nhiều gia đình kiều bào khác có thêm quyết tâm giữ gìn cội rễ nguồn Việt Nam cho các con, cháu mình ngay từ trong cái nôi gia đình.
Về Việt Nam không phải là cách lựa chọn duy nhất nếu muốn dạy con về nguồn cội. Có nhiều gia đình vẫn đang làm rất tốt việc trao truyền nét đẹp văn hóa Việt cho con ngay tại nước bạn. Tôi chỉ muốn nói là chỉ cần mỗi người luôn có ý thức mong muốn được giữ gìn nguồn cội cho thế hệ tương lai thì chúng ta sẽ tìm được những cách làm phù hợp.