Giữ lửa hôn nhân thời công nghệ
(PNTĐ) -Sự phát triển của công nghệ không chỉ tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, mà còn len lỏi tác động mạnh mẽ đến hạnh phúc gia đình bởi những mặt trái. Từ đó, vấn đề giữ lửa hôn nhân thời công nghệ cũng muôn hình vạn trạng.
1. Cô vợ trẻ Nguyễn Thu Vân (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) gõ cửa Phòng Tư vấn tâm lý tâm sự về cuộc hôn nhân đang mấp mé bên bờ vực đổ vỡ. Cô kể, nguyên nhân “chán chồng” là do anh không lãng mạn, sống lúc nào cũng khô khan trong việc thể hiện tình cảm với vợ. Cuộc sống bên cạnh anh chồng quanh năm suốt tháng “im lìm như bồ thóc giống” khiến cô thấy nhàm chán, mệt mỏi.
Kết nối với anh chồng để tìm hiểu nguyên nhân mới biết anh không có khiếu ăn nói nên lấy việc chăm chỉ kiếm tiền để bù lại. Vào những ngày kỷ niệm, anh đưa thêm cho vợ một khoản tiền nhiều hơn ngày thường và xem như đó là cách mình thể hiện tình cảm yêu thương với bạn đời. Thế nhưng, vợ anh là người giỏi kiếm tiền hơn cả chồng. Từ ngày cưới nhau, cô độc lập về kinh tế, chuyện tiền nong anh kiếm nhiều hay ít đối với cô không quan trọng bằng việc vợ chồng gắn kết tình cảm mỗi ngày. Kỳ vọng, mong muốn không đạt được, họ bất đồng quan điểm sống, mâu thuẫn nảy sinh hàng ngày khiến hôn nhân bất ổn.
Xác định được nút thắt, anh chồng được mách “bí quyết” dùng công nghệ để lãng mạn hóa tình cảm vợ chồng. Anh tập chơi facebook, zalo, mỗi ngày đều vào mạng tìm các hình ảnh, lời chúc dễ thương được tạo sẵn để gửi cho vợ. Thỉnh thoảng, anh lại đăng lên trang cá nhân của vợ những danh ngôn, đoạn clip ngôn tình có sẵn trên mạng xã hội kèm với câu từ lãng mạn. Tận dụng chiếc điện thoại thông minh trong tay, anh chịu khó chụp nhiều khoảnh khắc dễ thương của vợ trong cuộc sống rồi gửi cho cô. Anh kể không ngờ giải pháp này lại mang lại hiệu quả nhanh chóng. Hóa ra, giữ lửa hôn nhân thời công nghệ không khó, chỉ là lâu nay anh chưa biết vận dụng nó để lãng mạn hóa tình cảm vợ chồng mà thôi.
2. Vợ chồng chị Lê Thu Hiền (trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đã có lúc tưởng sẽ dừng lại cuộc hôn nhân luôn bất hòa. Anh chị cưới nhau 7 năm, kinh tế ở mức bình thường nên chị Hiền lúc nào cũng tiết kiệm. Sống ở thời hiện đại nhưng trong gia đình chị hầu như vắng bóng các thiết bị điện tử. Chị bảo những thiết bị như bếp từ, lò nướng, máy giặt… hiện đại thì… hại điện, tốn kém. Cũng chính vì vậy, nên việc nhà luôn quá tải đối với chị, trong khi anh không có thời gian chia sẻ với vợ. Điều đó khiến chị luôn cáu gắt, mắng con, giận chồng thường xuyên khiến hôn nhân luôn lục đục.
Chị Hiền kể, khi hôn nhân có dấu hiệu rạn nứt thì chị thấy chồng thay đổi. Trước đây, vào dịp sinh nhật vợ, ngày 8/3, 20/10, anh mua một bó hoa về tặng vợ. Nhưng bây giờ, anh tìm thêm việc, tích cóp “quỹ đen” để mua các đồ dùng điện tử trong nhà mà không cần chị chi tiền. Dịp sinh nhật vợ năm nay, anh tặng chị máy giặt, năm sau tặng máy hút bụi, năm sau nữa tặng máy vắt nước cam, máy xay sinh tố, lò nướng… Những thiết bị này nếu biết cách mua lại đồ cũ, không đắt nhưng vẫn dùng rất tốt. Chị Hiền ban đầu phản đối nhưng sau khi dùng lại thấy vui vì các thiết bị đồ dùng đó có hiệu quả lớn, vừa giải phóng sức lao động cho chị, vừa khiến vợ chồng, con cái thích vào bếp cải thiện các món ăn, đồ uống cho gia đình…Từ ngày có máy xay sinh tố, máy ép hoa quả, thỉnh thoảng, chị lại thấy chồng làm đãi vợ một ly sinh tố, cốc ước ép mát lạnh. Sự quan tâm đó trước đây anh chưa từng thể hiện với vợ. Giờ đây, mỗi lần ngồi họp hội nhóm ở đâu, chồng chị Hiền đều chia sẻ bí quyết giữ ấm hôn nhân bằng các thiết bị công nghệ giúp giải phóng sức lực cho phụ nữ, thu hút, khuyến khích đàn ông làm việc nhà, vào bếp chia sẻ với vợ.
3. Cuộc hôn nhân của vợ chồng anh Hoàng Đình Quân (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) đổ vỡ sau gần 10 năm gắn bó. Những năm vợ chồng con trai tay trắng gây dựng hạnh phúc, họ sống êm ấm, yêu thương, quan tâm nhau mỗi ngày. Thế nhưng khi kinh tế phát triển, vợ chồng có nhà đẹp, ô tô xịn, điện thoại sang thì hôn nhân lại đầy mâu thuẫn. Ngày ra tòa ly hôn, anh Quân thừa nhận cả hai vợ chồng đã sai lầm trong cách “giữ lửa” cuộc hôn nhân của mình.
Hóa ra, từ ngày có kinh tế, vợ chồng mua sắm điện thoại thông minh đời mới với nhiều tính năng hiện đại. Họ âm thầm cài định vị trên máy điện thoại và xe ô tô để biết được lịch trình đối phương hàng ngày. Không ngờ, càng sử dụng, việc quản vợ/chồng bằng thiết bị định vị ở điện thoại và ở xe không chỉ có ích mà còn có cả hại đi kèm. Từ chỗ vợ chồng tin tưởng nhau, anh chị quay sang nghi ngờ khi thấy định vị của chồng hay vợ ở một địa điểm “khác lạ”. Họ cãi nhau vì sự giải thích không hợp lý cho lịch trình được thể hiện từ định vị vị trí họ đến. Đêm về, thay vì “giận nhau đầu giường làm lành cuối giường” thì họ lại quay lưng vào nhau, trên tay mỗi người một cái điện thoại, vào mạng, đắm chìm vào thế giới giải trí riêng tư của mình. Bất chấp bạn đời nằm bên cạnh vẫn còn ấm ức, hiềm khích vẫn chưa tháo gỡ được. Vợ chồng cứ thế xa nhau dần, hôn nhân đi vào ngõ cụt.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, người giữ chìa khóa chương trình "Cửa sổ tình yêu" của Đài tiếng nói Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn tâm lý - Đào tạo phát triển Cá nhân & Cộng đồng cho rằng: Chúng ta sống trong thời công nghệ và ai cũng nhận ra những mặt tích cực, những điều kì diệu do công nghệ cao mang lại cho đời sống gia đình và xã hội. Tuy nhiên, tấm huy chương còn có mặt trái của nó. Việc sử dụng điện thoại thông minh, ipad, internet, mạng xã hội facebook, zalo… để kết nối những người thân, để trao đổi, chia sẻ thông tin với bạn bè là tốt. Nhưng nếu chúng ta không biết điểm dừng, mà say mê quá, không còn chú ý đến mọi việc xung quanh, không còn có nhu cầu giao tiếp, ngồi bên nhau mỗi người mỗi việc… thì gia đình lại trở thành “đám đông cô đơn”. Sử dụng camera để theo dõi ngôi nhà phòng trộm đột nhập, theo dõi con hoạt động ở lớp mầm non ra sao là rất tích cực. Nhưng bí mật gắn thiết bị định vị vào xe máy, ô tô của chồng, của vợ để theo dõi xem anh ấy, cô ấy đi đâu, với ai, có vào nhà nghỉ không… lại rất tai hại.
Theo chuyên gia Đinh Đoàn, chuyện giữ lửa hôn nhân, gia đình trong thời công nghệ cũng đang có nhiều vấn đề. Có trường hợp người vợ đã phát hiện nửa đêm người chồng tỉnh dậy, lén lút bật máy tính để nói chuyện với “bạn tình ảo”. Hay, trường hợp người chồng đã phát chán với người vợ sùng bái công nghệ, ỷ lại vào công nghệ, mua hàng online, đặt cơm qua mạng, khiến cho anh cảm thấy người vợ “có cũng như không”, gia đình nguội lạnh. Vì thế, trong hôn nhân, bản thân công nghệ không tiêu cực nhưng việc để nó tiêu cực hay tích cực lại là do cách con người ta sử dụng nó như thế nào.